Vinamilk (VNM) đã sẵn sàng bước vào cuộc đua hay chưa?
Tên pháp định: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam
Trụ sở chính: Số 10, Đường Tân Trào, phường Tân Phú, Quận 7, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
Mã chứng khoán: VNM niêm yết sàn HOSE
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) có tiền thân là Công ty Sữa – Cà Phê Miền Nam, được thành lập vào năm 1976. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu các sản phẩm sữa và các sản phẩm dinh dưỡng khác. VNM chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2003. Công ty là công ty sữa lớn nhất Việt Nam với thị phần là hơn 50% trong ngành sữa Việt Nam. Tính đến cuối năm 2018, VNM sở hữu vận hành 12 trang trại bò sữa với tổng đàn là 27000 con và 13 nhà máy sữa đạt chứng nhận FSSC 22000. Sản phẩm của VNM được xuất khẩu trực tiếp đến 40 nước trên thế giới. VNM được niêm yết và giao dịch trên Sở Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ năm 2006.
- Chế biến, sản xuất và kinh doanh bánh, sữa đậu nành, sữa tươi, nước giải khát, sữa hộp, sữa bột, bột dinh dưỡng và các sản phẩm từ sữa khác;
- Chăn nuôi: chăn nuôi bò sữa, cung cấp giống vật nuôi và kỹ thuật nuôi; các hoạt động trồng trọt;
- Cung cấp các dịch vụ phòng khám đa khoa; Trong đó, hoạt động chăn nuôi nhằm mục đích chính là cung cấp sữa tươi nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm từ sữa của Công ty.
1.Điểm hấp dẫn nhà đầu tư
a) Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân trong 5 năm qua của Vinamilk lần lượt đạt mức 16%/năm và 12%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của ngành. Với lợi thế phong phú về chủng loại sản phẩm, thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến, chất lượng sản phẩm uy tín, hệ thống phân phối rộng khắp, giá cả hợp lý và tiềm năng tài chính vững mạnh, Vinamilk luôn khẳng định vị trí và vai trò dẫn đầu trong ngành sữa Việt Nam trong suốt hơn 40 năm qua. Trong năm 2015, Vinamilk đã sản xuất và đưa ra thị trường hơn 6 tỷ sản phẩm sữa các loại và giữ vị trí hàng đầu về thị phần theo sản lượng ở tất cả các phân khúc sản phẩm.
b) Khái quát tăng trưởng của VNM trong giai đoạn từ 2017 tới 9 tháng đầu năm 2021. Tăng trưởng doanh thu thuần duy trì ở mức 5-7%/năm so với cùng kỳ, riêng 9 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng doanh thu thuần là âm 0,2% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp vẫn giữ ở mức trên 46% riêng 9 tháng đầu năm 2021 là 43,4%. Tỉ lệ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh/doanh thu luôn giữ ổn định trên 15% liên tục từ 2017 tới nay.
c) Giai đoạn 2019 đến nay, công ty luôn đặt chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh tăng. Cụ thể năm 2019 kế hoạch doanh thu thuần là 56300 tỷ, lợi nhuận ròng 10480 tỷ, công ty đều đạt kế hoạch năm, thậm chí hơn. Năm 2021 kế hoạch doanh thu thuần là 62160 tỷ, lợi nhuận ròng đạt 11240 tỷ và riêng 9 tháng đầu năm 2021 đã hoàn thành 74% kế hoạch năm về doanh thu thuần và lợi nhuận ròng (điểm đáng chú ý là trong giai đoạn này có quý 3 có giãn cách xã hội ở các tỉnh phía Nam đặc biệt là Tp Hồ Chí Minh nhưng kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận vẫn đạt được khá lạc quan so với tình hình chung).
d) Riêng quý 3/2021 VNM ghi nhận doanh thu thuần tăng 4,1% so với cùng kỳ nguyên nhân được lý giải là do
- Doanh thu nội địa tăng 3,7% so với cùng kỳ chủ yếu do giá bán bình quân tăng 2% so với cùng kỳ và sản lượng bán tăng 1-2% so với cùng kỳ
- Doanh thu từ thị trường nước ngoài tăng 6,2% so với cùng kỳ. Nhưng biên lợi nhuận gộp giảm 3,8 điểm % do giá bột sữa tăng cao (đã chốt giá sữa nguyên liệu từ Q1/21). Kết quả là lợi nhuận ròng giảm 4,9% so với cùng kỳ.
e) Dự phóng doanh thu thuần tăng 5,5%-6,5% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2022-2023 do
- Doanh thu nội địa tăng 5%-6% so với cùng kỳ
- Mức tăng trên 10% so với cùng kỳ từ các công ty con tại nước ngoài.
- Biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện 1,7-1,1 điểm % trong năm 2022-2023 sau khi giảm 2,8 điểm % trong năm 2021. Lợi nhuận ròng dự kiến sẽ tăng 7%-11% so với cùng kỳ trong 2022-2023
f) Theo Ngân hàng Thế giới thì giá ngũ cốc toàn cầu dự kiến sẽ giảm nhẹ vào năm 2022 tuy nhiên vẫn sẽ neo ở mức cao. VNM có thể hưởng lợi từ điều này và cải thiện biên lợi nhuận gộp trong 2022 nhờ giá nguyên liệu giảm.
g) Sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng (có thể do chất lượng cuộc sống đang tăng dần lên). Cụ thể
- Thay đổi chi tiêu sang thực phẩm tươi sống và đóng gói sẵn
- Nhu cầu hàng tiêu dùng cao cấp và hàng organic đang gia tăng
- Ưa thích mua sắm trực tuyến tại nhà và siêu thị qua các kênh thương mại điện tử.
- VNM là con chim đầu đàn trong ngành, có hệ thống phân phối rộng khắp và danh mục sản phẩm đa dạng, có thể nhanh chóng bắt kịp xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng.
h) VNM ở hữu trang trại Bò sữa Organic đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức Chứng nhận Quốc tế Control Union công nhận đạt chuẩn Organic Châu Âu (Trang trại Bò sữa Organic tại Đà Lạt - trang trại chăn nuôi bò sữa organic đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức Chứng nhận Quốc tế Control Union công nhận đạt chuẩn Organic Châu Âu). Trang trại đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe theo nguyên tắc 3 không: không sử dụng hóa chất, không sử dụng thành phần biến đổi gen, không hormone tăng trưởng. Bò Organic được chăn thả tự nhiên trên đồng cỏ hữu cơ, cho ra nguồn sữa tươi thuần khiết, thiên nhiên, đưa sản phẩm sữa organic gần với người dân Việt Nam hơn bao giờ hết.
k)Ngày 23/12/2021, Tỉnh Hưng Yên đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án nhà máy sữa tại Hưng Yên do Vinamilk và công ty thành viên Vilico triển khai, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ tại Hưng Yên. Dự án nhà máy sữa tại Hưng Yên có tổng mức đầu tư dự kiến là 4.600 tỷ (gần 200 triệu USD), trên diện tích gần 25ha, tổng công suất thiết kế ước đạt khoảng 400 triệu lít/năm được xây dựng dự kiến theo 2 giai đoạn. Nhà máy sữa tại Hưng Yên là một trong các dự án trọng điểm trong chiến lược phát triển của Vinamilk và Vilico trong 5 năm đến 10 năm tới và được định hướng sẽ trở thành một siêu nhà máy sữa hàng đầu tại Việt Nam và tầm cỡ của khu vực Đông Nam Á.
l) Ngày 25/11/2021, tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản - Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và công ty thành viên Vilico đã ký kết thành công biên bản ghi nhớ hợp tác với tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc đầu tư, phát triển dự án về bò thịt tại Việt Nam. Biên bản ghi nhớ của dự án có tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD, được các bên trao đổi tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản.
n) Vị thế của doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội càng được thể hiện và khẳng định. Với nhiều chương trình cộng đồng thiết thực vì một Việt Nam khỏe mạnh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã được vinh danh với vị trí cao nhất trong nhiều hạng mục của các giải thưởng quốc tế uy tín: Giải thưởng CSR Toàn cầu 2021 (The Global CSR Awards) và Giải thưởng Doanh nghiệp Xuất sắc và Bền vững châu Á 2021 (ACES Awards).
2. Điểm gây lo ngại cho nhà đầu tư
a) Áp lực bán cổ phiếu từ các nhà đầu tư nước ngoài và quỹ ngoại. Nguyên nhân có thể được lý giải như sau
- Do kết quả kinh doanh suy giảm trong 2021 (ảnh hưởng chung của đại dịch)
- Thị phần lớn hiện đạt mức gần 40% toàn ngành sữa nên kỳ vọng tăng trưởng thị phần cũng giảm đi.
- Bán cổ phiếu để chốt lời.
b) Tổng mức bán lẻ hàng hóa cũng như sức cầu tiêu dùng vẫn chưa hồi phục mạnh ngay trong quý 4/2021 thậm chí là kéo dài tới đầu năm 2022
c) Số người lao động rời bỏ khu vực thành thị về quê do ảnh hưởng của đại dịch hiện tại vẫn chưa quay lại làm việc (có thể kéo dài cho đến sau Tết Cổ Truyền) đồng thời với đó là các điểm bán lẻ và kênh phân phối của VNM phần lớn ở khu vực thành thị.
d) Mức giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn chi phí thực tế quý 3/2021 nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ 2020. Cụ thể giá sữa bột chiếm khoảng 20% chi phí sản xuất bắt đầu tăng mạnh từ Q1/2021 khiến biên lãi gộp giảm mạnh xuống gần 44%
3. Định giá: 153000vnđ/cổ phiếu.
Giá đóng cửa ngày cuối cùng của năm (31/12/2021) ở mức 86400vnđ/cổ phiếu
Khung biểu đồ tháng (M) xung lượng không hợp nhất với động lượng giảm
Khung biểu đồ tuần (W) động lượng trượt giảm dài không cùng pha với xung lượng. Giá đang di chuyển chậm trong vùng giữa EMA và đường hồi quy 32 và nằm luôn trong tam giác hồi quy. Dự kiến giá sẽ tiếp tục chuyển động tích lũy ngắn trong vùng này vào đầu năm 2022 chờ cơ hội hợp nhất với xung lượng để tạo động lực đẩy.
Các mức mục tiêu giá theo phân tích kỹ thuật từ 140000vnđ/cổ phiếu đến 240000vnđ/cổ phiếu trong giai đoạn 2022-2023.
NOTE: Mọi thông tin cung cấp trên đây đều là góc nhìn cá nhân và nó không phải lời khuyên đầu tư. Tôi không chịu trách nhiệm trước mọi hành vi của bạn đọc trên thị trường. Thận trọng. Trích dẫn lại bài viết vui lòng ghi nguồn.
NGUỒN, THÔNG TIN, SỐ LIỆU SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT
https://www.vinamilk.com.vn/.../quan-he.../bao-cao-tai-chinh
2. Ngày 23/12/2021, Tỉnh Hưng Yên đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án nhà máy sữa tại Hưng Yên do Vinamilk và công ty thành viên Vilico triển khai, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ tại Hưng Yên.
https://www.vinamilk.com.vn/.../du-an-sieu-nha-may-sua-4...
3. Vinamilk và Vilico ký ghi nhớ hợp tác 500 triệu usd trong chuyến công tác của Thủ tướng tại Nhật Bản
https://www.vinamilk.com.vn/.../vinamilk-va-vilico-ky-ghi...
4. Năm 2021 với nhiều dấu ấn vì cộng đồng xuất sắc của Vinamilk vì một Việt Nam khỏe mạnh
https://www.vinamilk.com.vn/.../nam-2021-voi-nhieu-dau-an...
5.Báo cáo quản trị công ty
https://www.vinamilk.com.vn/.../bao-cao-quan-tri-cong-ty
6.Nghị quyết đại hội đồng cổ đông
https://www.vinamilk.com.vn/vi/dai-hoi-dong-co-dong
https://www.vinamilk.com.vn/vi/bao-cao-thuong-nien
Chia sẻ thông tin hữu ích