Ngôi sao BCG 'vụt tắt' vì tham vọng đa ngành
Năm 2021, khi chứng khoán nổi sóng, Bamboo Capital (BCG) bất ngờ 'vụt sáng' nhờ mô hình kinh doanh với các lĩnh vực 'nóng'. Tuy nhiên, sự cố trái phiếu doanh nghiệp đã kéo BCG trở lại với thực tế phũ phàng.
Dự án năng lượng mặt trời của BCG.
Liên tục tăng vốn nóng, đầu tư đa ngành
BCG được thành lập từ năm 2011, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính: năng lượng tái tạo (chủ đạo là BCG Energy); sản xuất, thương mại và nông nghiệp (chủ đạo là Nguyễn Hoàng); xây dựng và cơ sở hạ tầng (chủ đạo là Tracodi). Đặc biệt những năm gần đây là bất động sản (chủ đạo là BCG Land).
Trong giai đoạn 2021-2022, BCG thực hiện thêm 2 thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) đối với Bảo hiểm AAA (thuộc mảng bảo hiểm) và Tipharco (mảng dược phẩm và y tế).
Để có vốn thực hiện các thương M&A trên, BCG liên tục tăng vốn nóng, nhất là trong giai đoạn 2020-2022. Từ số vốn 1.370 tỷ đồng thời điểm tháng 9-2020, đến tháng 9-2022 BCG đã 6 lần thực hiện tăng vốn và hiện đạt 5.334 tỷ đồng, tương đương mức tăng xấp xỉ 4 lần chỉ trong 2 năm. Đặc biệt, nếu tính từ mốc thời điểm 10 năm trước, BCG đã tăng hơn 240 lần.
Ngoài phát hành cổ phiếu, BCG còn thực hiện tăng vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tại thời điểm cuối năm 2022, dư nợ TPDN của BCG lên đến 7.533 tỷ đồng, chiếm đến 50% nợ vay tài chính là 14.935 tỷ đồng. Các đợt phát hành TPDN của BCG bao gồm nhiều công ty thuộc “hệ sinh thái” Bamboo Capital như BCG Energy, BCG Land.
Tại thời điểm cuối quý II-2023, BCG có tổng dư nợ TP đạt gần 6.800 tỷ đồng, trong đó có 4.494 tỷ đồng TP đến hạn trả và hơn 2.261 tỷ đồng TP dài hạn.
Đáng chú ý là khoản nợ TPDN lên đến 5.250 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios (Helios). Helios hiện có 5 lô TP sẽ đáo hạn từ tháng 6 đến tháng 9-2024, với lãi suất từ 8,5-11%.
Helios là DN có ít nhiều quan hệ với nhóm cổ đông liên quan BCG. Trước đó, ông Nguyễn Hồ Nam (Chủ tịch HĐQT BCG) và BCG từng là cổ đông sáng lập khi Helios còn tên cũ là CTCP Dịch vụ Hợp Điểm. Tại thời điểm đầu năm 2016, vốn điều lệ Helios đạt 6 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: BCG (12,7%), ông Nguyễn Hồ Nam (14,8%), ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc BCG (6,4%), ông Nguyễn Thế Tài, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BCG (6,4%).
Áp lực tài chính trả lãi TPDN
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tới cuối quý II, BCG có tổng dư nợ TPDN đạt gần 6.800 tỷ đồng, trong đó có 4.494 tỷ đồng TP đến hạn trả và hơn 2.261 tỷ đồng TP dài hạn. Trong 13.950 tỷ đồng nợ vay tài chính của BCG, dư nợ TP chiếm gần 50%. Đáng lưu ý, trong các lô TP của “hệ sinh thái” Bamboo Capital, có những lô có lãi suất lên đến 10-14%/năm.
Theo một báo cáo vừa được BCG Energy công bố, tính tới giữa năm 2023, DN này có vốn chủ sở hữu hơn 6.287 tỷ đồng và dư nợ TP còn khoảng 3.080 tỷ đồng. Do lợi nhuận không như kỳ vọng, BCG Energy nhiều lần công bố về tình hình chậm thanh toán lãi TPDN.
Cụ thể, hồi đầu tháng 6, BCG Energy chậm thanh toán hơn 104 tỷ đồng lãi của lô TP 1.500 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm phát hành giữa năm 2021. Đến tháng 7, BCG Energy đã nộp khoản lãi chậm này cùng với số tiền phạt hàng trăm triệu đồng.
Hiện áp lực tài chính đối với BCG Energy được xem là khá lớn khi khoản nợ gốc hàng ngàn tỷ đồng TP đến hạn trả vào tháng 4 và 5-2024.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT BCG, việc tăng lãi suất đã khiến chi phí của DN tăng cao, từ đó gây áp lực lên tài chính của BCG. Tuy nhiên, những áp lực trên đều nằm trong tầm kiểm soát của DN. Bởi thời gian qua là do thương thảo với nhà đầu tư neo theo thị giá chung, chấp nhận trả lãi cao nên BCG không phải đối mặt với áp lực rút vốn sớm từ các nhà đầu tư.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay khi thị trường có dấu hiệu giảm lãi suất dài hạn, BCG sẽ tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư để thương thảo đưa ra mức lãi suất phù hợp.
Lý giải của lãnh đạo BCG chắc chắn không thể “xoa dịu” nỗi lo của các cổ đông. Bởi khó khăn của BCG cũng là vấn đề chung các DN đang tham gia vào các lĩnh vực nóng là bất động sản và bảo hiểm.
Cũng chính vì lý do này, mặc dù nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị khách hàng mua vào BCG với giá mục tiêu lên đến 12.000 đồng, nhưng trên sàn HoSE, BCG vẫn bị bán tháo và hiện đang giao dịch với mức giá chỉ hơn 7.000 đồng. Nếu tính từ mức đỉnh hơn 25.000 đồng (thời điểm tháng 11-2021), BCG đã “bốc hơi” khoảng 70% giá trị.
Dù giao dịch ở mức giá tương đối thấp, nhưng nhiều cổ đông vẫn không dám “bắt đáy” BCG khi các cổ đông nội bộ liên tục đăng ký bán ra hàng triệu cổ phiếu. Việc các thành viên HĐQT và người nhà “tháo chạy” càng khiến cho nhà đầu tư thêm quan ngại về tình hình sản xuất kinh doanh của BCG. Từ đó ảnh hưởng đến sự kiện BCG Land chuẩn bị niêm yết 460 triệu cổ phiếu lên sàn UPCoM với mã BCR.
BCG Land được thành lập vào năm 2018 với vốn điều lệ ban đầu 600 tỷ đồng. Trong năm 2022, BCR đã 2 lần tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, nâng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 2.700 tỷ đồng và hiện đạt 4.600 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 6, vốn chủ sở hữu của BCG Land đạt 5.905 tỷ đồng, trong đó dư nợ TP/vốn chủ sở hữu là 0,42 lần, tương ứng 2.480 tỷ đồng. Cũng như nhiều DN bất động sản khác, BCG Land có lượng tiền mặt khá khiêm tốn (chưa tới 20 tỷ đồng). Với lượng tiền mặt ít ỏi này, BCG Land sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi số lượng TP đáo hạn trong năm 2024.
Nhận định về dòng tiền của BCG Land là hoàn toàn có cơ sở, bởi mới đây Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Hải quan TPHCM), đã ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của BCG Land.
Lý do bị cưỡng chế là BCG có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với tổng số tiền thuế bị cưỡng chế gần 32 tỷ đồng.
Chia sẻ thông tin hữu ích