Lương 10 triệu nhưng ngày uống Starbucks, tối ăn hàng 400 ngàn, nợ đầm đìa vì quen tay quẹt thẻ tín dụng
Nếu chưa biết kiểm soát đồng tiền thì dù có kiếm nhiều hơn 10 triệu đồng/tháng, bạn vẫn không để riêng được đồng nào.
10 triệu đồng/tháng là mức lương phổ biến của nhiều người trẻ mới ra trường. Với đồng lương chưa cao này, có người tiết kiệm được vài triệu đồng nếu biết cách chắt bóp chi tiêu. Tuy nhiên, cũng có người trẻ kiếm được 10 triệu đồng nhưng tiêu xài như thể bản thân lương 20 - 30 triệu đồng/tháng, dẫn đến hệ quả mang nợ đầm đìa..
Lương 10 triệu đồng/tháng nhưng chi tiêu không tính toán
Hồng Nhung (25 tuổi) có mức lương văn phòng 10 - 11 triệu đồng/tháng. Cô chia sẻ, khi còn là sinh viên, chi phí sinh hoạt của cô chỉ vài ba triệu đồng/tháng, tương ứng với tiền trợ cấp của bố mẹ. Còn khi ra trường và đi làm được 2 năm, dù tiền lương gia tăng nhưng Hồng Nhung vẫn luôn tiêu hết sạch từng đồng thu nhập, tốt lắm mới có tháng tiết kiệm được 1-2 triệu đồng.
Hồng Nhung liệt kê mức tiêu dùng cá nhân hàng tháng khi có đồng lương 10 triệu đồng như sau:
- Chi phí cho nhà ở, khi ở ghép cùng bạn: 2 triệu đồng/người.
- Tiền mua đồ gia dụng và thực phẩm: 2 triệu đồng.
- Tiền xăng xe, chi phí đi đám cưới và trường hợp phát sinh: 1-1,5 triệu đồng.
- Tiền mua đồ mỹ phẩm và quần áo: 3 triệu đồng.
- Còn lại là chi phí dành cho du lịch và ăn uống cùng bạn bè: 2-3 triệu đồng.
Cô nàng tự đánh giá cách tiêu dùng của cá nhân: “Thời sinh viên, mình sống tốt với chi phí sinh hoạt là 5 triệu đồng/tháng - đây là tiền được bố mẹ cho và lương đi làm thêm. Khi ra trường, lương tăng gấp đôi nhưng mình vẫn không tiết kiệm được đồng nào. Tháng nào mình để dư được 1-2 triệu đồng còn tự thấy bản thân sống chắt bóp, tính toán giỏi.
Giờ ngẫm lại, lối sống của mình đã quá xa xỉ so với đồng lương kiếm được. Chẳng hạn lương 10 triệu đồng nhưng có những tuần mình liên tục uống Starbucks, tối đi ăn ngoài 300 - 400 nghìn/bữa với bạn bè. Cũng có tháng mình tiết kiệm được vài ba triệu đấy, nhưng tháng sau lại dùng hết để đi du lịch cùng bạn bè. Có đôi lúc nhìn lại, mình giật mình vì dù kiếm 10 triệu nhưng mình chi tiêu như thể người lương 20 - 30 triệu đồng vậy”.
Vướng nợ nần vì dùng thẻ tín dụng
Nhiều người cho rằng, người kiếm 10 triệu đồng/tháng không nên dùng thẻ tín dụng vì dễ vướng vào vòng xoáy nợ nần. Đức Huy (24 tuổi) hoàn toàn đồng tình với nhận định này. Bởi chẳng nói đâu xa, chàng trai từng có quãng thời gian lệ thuộc vào thẻ tín dụng dù chỉ kiếm được đồng lương 9-12 triệu đồng/tháng.
Muốn tiết kiệm thì phải vượt qua được cám dỗ tiêu tiền. Nhưng đáng tiếc là Đức Huy không làm nổi. Với lương khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng tháng nào anh cũng tiêu hết sạch tiền kiếm được của tháng đó. Mặc dù cạn ví nhưng đến khi cần tiền để mua sắm đồ đạc mới, anh chàng lại tìm đến thẻ tín dụng.
“Ban đầu mình còn thanh toán được hết nợ thẻ tín dụng do chỉ quẹt thẻ vào trường hợp khẩn cấp, giao dịch 1-2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thời gian sau đó, do chưa biết kiểm soát dòng tiền nên mình luôn tiêu âm tiền lương, trong khi mình vẫn có nhu cầu đầu tư vào bản thân, đi du lịch, sắm máy tính,... nên lại nhờ đến thẻ tín dụng.
Cứ như thế, mình trở thành con nợ thẻ tín dụng suốt nửa năm trời. Tháng trước vay tín dụng thì tháng sau lại phải mượn bạn bè và người thân đủ đường để trả nợ. Có thời điểm, do không vay được ai nên mình đã phải bán bớt đồ đạc để trả lãi tín dụng gia tăng quá khủng khiếp”.
Cho đến giữa năm 2023, Đức Huy chợt tỉnh ngộ và quyết tâm phải trả nợ tín dụng càng sớm càng tốt. Anh gần như từ bỏ hết các khoản chi tiêu theo mong muốn, mà chỉ trả tiền cho chi phí cần thiết, phục vụ “sinh tồn” gồm tiền thuê nhà, tiền mua thực phẩm, một khoản nhỏ dành cho công việc và xăng xe. Với mức lương 10 triệu đồng/tháng, anh chàng chỉ tiêu 3 triệu, còn lại đem hết đi trả nợ.
Cuối cùng, sau 5 tháng, Đức Huy trả hết dư nợ thẻ tín dụng và bắt đầu được dùng lại đồng lương của mình, thay vì cứ kiếm được bao nhiêu lại đưa hết cho ngân hàng.
“Lương 10 triệu đồng/tháng không phải là nguyên nhân dẫn đến nợ thẻ tín dụng. Mà do cách mình dùng tiền non trẻ và hoang phí khiến lãi cứ đẻ ra lãi, từ đó đẩy bản thân rơi vào cảnh chật vật” , Đức Huy tổng kết.
Thu nhập bao nhiêu cũng không quan trọng bằng cách tiêu tiền
Đó là bài học mà Hồng Nhung nhận về sau những chuỗi ngày theo đuổi lối sống hoang phí dù chỉ kiếm được 10 triệu đồng/tháng. Trước kia, cô kiếm được 10 đồng thì phải tiêu 10 - 15 đồng. Còn giờ đây, cô kiếm 10 đồng thì cất đi 5 đồng để tiết kiệm hoặc đầu tư vào bản thân.
Hồng Nhung nói: “Mình của trước kia, dù nghèo nhưng tiêu tiền không suy nghĩ, còn bây giờ bất kỳ khoản chi nào cũng phải cân đo đong đếm. Hiện tại, mức lương vẫn như cũ nhưng mình đã có tiền tiết kiệm hàng tháng, tháng cao nhất còn cất riêng được 5 triệu đồng.
Chẳng ai định nghĩa được như thế nào là đủ. Hồi trước, ‘đủ’ với mình là mua cái áo vài trăm ngàn, sáng phải đi gọi nước bên ngoài, cuối tuần đi hẹn ăn uống cùng bạn. Mỹ phẩm và quần áo thì tháng nào cũng cần mua mới. Còn giờ, mình thấy ‘đủ’ khi tháng nào cũng có tiền tiết kiệm, cho dù có tháng không mua bộ quần áo mới nào, đi uống nước chỉ gọi cốc 30 ngàn đồng hay thèm gì thì mua đồ về tự nấu cho tiết kiệm”.
Trong khi đó, Đức Huy bày tỏ sau thời gian dài chật vật với thẻ tín dụng, anh đã xây dựng nguyên tắc: Tiết kiệm trước - Chi tiêu sau. Tức tháng nào, anh cũng trích riêng 30% thu nhập vào quỹ tiết kiệm để mua chứng chỉ và thiết bị đầu tư cho công việc. Còn lại bao nhiêu thu nhập, anh mới dùng cho chi phí sinh hoạt. Chàng trai “nói không” với vay nợ và càng không đụng đến thẻ tín dụng.
“Chỉ khi không có tiền mình mới hiểu bản thân vốn có thể chấp nhận mức sống thấp như thế nào. Miễn là hàng tháng mình vẫn có tiền dư đầu tư cho bản thân là tốt rồi. Quan trọng hơn cả, bạn nên nhớ dù lương bao nhiêu thì nợ nần vẫn là lỗi của bạn, đừng đổ lỗi cho mức thu nhập hay yếu tố bên ngoài như thẻ tín dụng. Càng lớn mình càng nhận ra, tiêu tiền đôi khi còn quan trọng hơn kiếm tiền chính là ở điểm này”, Đức Huy bày tỏ.
Chia sẻ thông tin hữu ích