24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
My Lăng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Zalo Bank, tín dụng số và nhu cầu sandbox thể chế

Trong thời đại hiện nay, chúng ta không thể chờ đợi hàng năm trời để xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho một mô hình kinh doanh mới.

Còn nhớ, để trả lời câu hỏi về giải pháp ổn định nền kinh tế Việt Nam vào thời điểm hơn hai năm trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã viện dẫn ý kiến của Daron Acemoglu và James A. Robinson(1) để nhấn mạnh đến chiếc chìa khóa “thể chế, thể chế và thể chế”. Hai năm sau, ông lại tiếp tục cho rằng “nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển là thể chế, nút thắt về tư duy,” đặc biệt là trong bối cảnh thay đổi thần tốc của nền kinh tế số. Thậm chí, ông còn đề nghị nghiên cứu để đổi tên Bộ thông tin và Truyền thông thành Bộ Truyền thông - Kinh tế số(2).

Nhưng có lẽ, chưa bao giờ vai trò và sứ mệnh của thể chế được nhắc đi nhắc lại nhiều như bây giờ. Nhu cầu xã hội và bối cảnh kinh tế rõ ràng đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết. Để đáp ứng kịp thời, vài cơ chế pháp lý thử nghiệm (sandbox) đã được giới thiệu, áp dụng và đang dần phát huy tác dụng trong điều chỉnh hoạt động đối với các mô hình kinh doanh mới và các biến thể của nó.

Không đo thời gian bằng... giờ, ngày

Giải quyết vấn đề thời gian là lý do căn bản để lựa chọn mô hình thể chế thử nghiệm. Việc chờ đợi một khung pháp lý chính thức ra đời có thể sẽ tạo ra một độ trễ chính sách lớn, và điều này rõ ràng hạn chế nhịp đi của nền kinh tế, nhất là đối với hoạt động tài chính, ngân hàng.

Nhưng vấn đề thời gian trong xây dựng và áp dụng các sandbox cũng không thể được cân đo đong đếm như đối với quy trình xây dựng thể chế truyền thống. Chờ đợi một văn bản hướng dẫn của Chính phủ hay cơ quan bộ trong sáu tháng, một năm hay hai năm có thể là bình thường trong những năm trước đây. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khoảng thời gian ngắn hơn thế rất nhiều có thể đã làm tắc dòng chảy của vốn, tiền tệ, chuỗi cung ứng và dịch vụ.

Hay nói cách khác, thời gian dài - ngắn ở thì hiện tại và sắp tới không được đo bằng giờ, ngày hay tháng, năm đơn thuần mà phải được đo bằng nhịp bước của nền kinh tế và tốc độ “marathon” của nền kinh tế số. Đối chiếu với lịch sử, nhìn vào bước “chạy” của nền kinh tế số, chúng ta sẽ thấy được sự gấp gáp trong nhu cầu điều chỉnh pháp lý đối với các vấn đề phát sinh.

Thay vì phải mất mỗi một trăm năm để hình thành nên các cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất, thứ hai và thứ ba, nhân loại đã chỉ phải mất thêm khoảng 40 năm để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư.

Cũng tương tự, thay vì phải mất tầm ba mươi năm để có thể phát triển và cung cấp dịch vụ Internet thương mại, công nghệ web và thương mại điện tử, chúng ta chỉ mất thêm khoảng năm năm để nhìn thấy các công ty kinh doanh nền tảng đầu tiên và hàng trăm ứng dụng kinh doanh nền tảng trong vòng mười năm tiếp theo. Google, Facebook và cả Amazon, nhân vật điển hình của công nghệ thương mại điện tử toàn cầu, chỉ mất tầm hơn chục năm để trở thành những “ông trùm” của thế giới.

Hòa nhịp sau nên Việt Nam có cơ hội và phải đối diện với những thách thức trong các bước đi thần tốc này. Chỉ mới vừa kịp nắm bắt khái niệm cung ứng dịch vụ qua biên giới sau ngày gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã phải ngỡ ngàng trước sự xâm lấn nhanh chóng của phương thức dịch vụ này vào nền kinh tế, và lúng túng tìm kiếm cơ chế pháp lý để điều chỉnh kịp thời. Sau khoảng mười năm “hòa mạng” với thế giới và vừa mới ban hành Luật Giao dịch điện tử 2005, Việt Nam đã phải cập rập đối diện với nhiều mô hình kinh doanh thâm dụng Internet mới.

Rõ ràng, Internent của thời 4.0 đã khác rất nhiều với thời 3.0 về tốc độ. Internet kết nối vạn vật (IoT), robot, dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI)... đã đa dạng hóa cực độ nền kinh tế số hiện thời. Phản ứng chính sách của Việt Nam vì vậy cũng phải được đo bằng... tốc độ 5G và sóng Wifi công nghệ mới.

Mô hình cần thử nghiệm phải... mới

Như đã nói, trễ trong phản ứng chính sách tài chính, tiền tệ dễ có thể gây bất ổn nền kinh tế. Thậm chí, hiệu quả của một chính sách có tính phản ứng cấp thời các vấn đề kinh tế mới cũng bị giảm sút.

Không may, Việt Nam cũng đang đối diện nhiều vấn đề phát sinh trong lúc chờ đợi khung pháp lý thử nghiệm về FinTech (công nghệ tài chính), dự kiến áp dụng từ... năm tới. Cùng với các khía cạnh pháp lý của hành vi “cướp” tiền ảo, loại tài sản chưa được hợp pháp hóa, còn đang được bàn luận sôi nổi, dư luận vẫn không quên và tiếp tục cầu viện chính sách cho các mô hình công nghệ tài chính khác, điển hình như Zalo Bank mới đây.

Chắc chắn, không dễ để nhận diện đúng một mô hình kinh doanh mới để điều chỉnh pháp lý. Vì vậy, có người bắt hình dong Zalo Bank như một ứng dụng cho vay ngang hàng (P2P) đúng như cái tên “Bank” của nó. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng Zalo Bank đang hoạt động như một ứng dụng trung gian kết nối hay đơn thuần là một sàn môi giới điện tử về tín dụng, ngân hàng.

Thậm chí, Zalo Bank còn mang dáng dấp của kinh tế nền tảng. Thực tế, Zalo Bank có sẵn danh mục người dùng từ ứng dụng Zalo (Zalo app). Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, Zalo Bank cũng đã có danh sách “đối tác” cấp vốn ở nhóm còn lại, dù còn ít ỏi. Danh sách này gồm có Shinhan Bank, Easy Credit, Shinhan Finance và FE Credit.

Tuy nhiên, việc đồng nhất Zalo Bank thành mô thức trên cũng khó thuyết phục. Suy cho cùng, không thể đồng nhất toàn bộ người dùng từ ứng dụng Zalo thành một danh sách những người có nhu cầu tiếp cận vốn. Không những thế, bản thân Zalo Bank cũng đồng thời đứng ra rà soát hồ sơ vay như hoặc thay thế cho bên cấp vốn, cho dù hoạt động này chỉ diễn ra ở những công đoạn đầu và sau đó chuyển giao toàn bộ cho “ngân hàng” đối tác.

Chính sự “lai tạo” đó đã tiếp tục kéo dài cuộc tranh luận. Nhưng vì lạ, và có nhiều biến thể nên mô hình kinh doanh đó cần sự thử nghiệm. Hay nói cách khác, thay vì ép các hoạt động kinh doanh mới, có nhiều “lai tạo” vào đúng khuôn mẫu các mô thức kinh doanh đương thời, khung pháp lý sandbox cần nới room để tiếp đón các mô thức đó đúng như bản chất thử nghiệm của chính sách.

Sandbox không nhất thiết phải... thả cửa

Dẫu vậy, cho phép một mô thức kinh doanh mới chạy thử nghiệm cũng không đồng nghĩa với việc chấp nhận tất cả những đòi hỏi của doanh nghiệp. Giới hạn kinh doanh trở nên cần thiết đối với các biểu hiện kinh doanh đi ngược lại với quy tắc và chuẩn mực chung của xã hội và nền kinh tế.

Trở lại với Zalo Bank, sẽ có nhiều thứ cần đến sự “phong tỏa” của Nhà nước và pháp luật. Bảo mật riêng tư thông tin người dùng là vấn đề cần lưu ý đầu tiên. Nhưng ngược lại, một cuộc khảo nghiệm đã cho thấy, Zalo Bank khá dễ dàng chấp nhận hồ sơ của một tài khoản ảo.

Đặc biệt, khi cho vay với lãi suất... rất nặng qua ứng dụng (app) vẫn đang hoành hành thì việc đặt ra điều kiện để trở thành đối tác của ứng dụng P2P phải được đặt ra, và quản lý chặt chẽ. Hoạt động thu hồi nợ cũng không thể buông lỏng, nhất là khi những nghi vấn về kiểu đòi nợ... truy sát xuất hiện ngày càng nhiều.

Đương nhiên, sự kiềm tỏa của pháp luật đối với các khía cạnh truyền thống của dịch vụ tài chính ngân hàng như lãi suất, thanh toán (chuyển tiền), rửa tiền và thu thuế cũng không thể bỏ qua. Thậm chí, hoạt động huy động và quản lý vốn của bên cấp vốn cũng khó có thể nới lỏng hơn các đơn vị cung ứng dịch vụ tài chính, ngân hàng khác.

Nhắc lại việc ban hành sớm nhất có thể khung pháp lý thử nghiệm cho P2P và cả Zalo Bank vì vậy sẽ trở nên dư thừa.

Nhưng chắc sẽ không thừa khi tiếp tục đề cập sự lý giải của Acemoglu và Robinson về tầm quan trọng của thể chế. Đó chính là sự định hình các “khuyến khích” của thể chế, và chính các “khuyến khích” này sẽ giúp các tác nhân kinh tế tìm kiếm giải pháp mới giải quyết vấn đề, cũ và mới, nhằm tạo ra của cải vật chất hiệu quả hơn.

Không ai có thể phủ nhận vai trò của kinh tế số. Nhưng với ngôn ngữ của hai tác giả nói trên, liệu đây có phải là một “điểm ngoặt” để các nền kinh tế sau tận dụng nhằm rút ngắn thời gian tiệm cận với nền kinh tế trước hay không sẽ tùy thuộc vào mức độ “khuyến khích” đó của thể chế, ngay cả khi nó mới xuất hiện và tồn tại ở dạng sandbox.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả