Yếu tố nào giúp VnIndex có phiên bùng nổ, tăng mạnh nhất từ đầu năm
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Nhà sáng lập FIDT nhìn nhận trên sự khởi sắc từ hai sự kiện kinh tế vừa diễn ra giúp “cởi trói” phần nào áp lực lãi suất – đà giảm trên thị trường chứng khoán lâu nay.
Thứ nhất: Những tín hiệu tích cực từ cuộc họp lãi suất của Fed.
Cụ thể, cân bằng tăng trưởng kinh tế - lạm phát - thị trường lao động của Mỹ tiếp tục thể hiện xu hướng tốt cho kịch bản hạ cánh mềm mà Fed hướng đến, bao gồm tăng trưởng kinh tế mạnh, lạm phát ổn định và thị trường lao động cân bằng hơn.
Fed quan điểm thận trọng về ảnh hưởng của đà bán tháo trái phiếu dài hạn hiện tại gây bất ổn đến điều kiện tài chính toàn cầu, cũng là áp lực lớn lâu nay ảnh hưởng đến các nền kinh tế nhóm yếu như Việt Nam. Quan điểm thận trọng này là yếu tố lớn cho hành động dừng tăng lãi suất kỳ họp này.
Các ảnh hưởng của chương trình Quantitative Tightening sẽ tiếp diễn trong khung thời gian dài, 6 – 9 tháng tới. (Mức hút ròng thanh khoản TPCP dài hạn từ chương trình QT hiện tại là 60 tỷ USD/tháng, dự kéo dài đến tháng 8/2024).
Thứ hai: Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh sau kết quả vòng thông báo phát hành TPCP của Bộ Tài chính Mỹ công bố tối ngày 1/11.
Sau thông tin kế hoạch phát hành mới, đồng loạt nhóm lợi suất TPCP dài hạn toàn cầu đều giảm mạnh, về mức ổn định hơn nhiều so với giai đoạn gần đây. Cụ thể, lợi suất TPCP 10 năm giảm mạnh còn 4.715%, thấp hơn nhiều so với vùng nguy hiểm 4,8% - 5,0% . Lợi suất TPCP 30 năm giảm mạnh còn 4.948%, thấp hơn so với vùng nguy hiểm 5,1% - 5,3%.
Với những thông tin tích cực trên, ông Tuấn cho rằng chứng khoán Việt Nam có cơ hội lấy lại phần ảnh hưởng bán tháo trong các phiên tới với những điều kiện thuận lợi khi dòng vốn ngoại có thể ngưng rút, thậm chí đảo chiều mua ròng và tâm lý nhà đầu tư bình ổn trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận