Ý quyết ‘đuổi’ tiếng Anh ra khỏi biên giới
Những người Ý dùng tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nước ngoài nào khác trong trao đổi chính thức sẽ bị phạt 100.000 euro (108.700 USD) theo quy định của luật đang được đảng của Thủ tướng Giorgia Meloni ủng hộ.
Nghị sĩ Fabio Rampelli thuộc Hạ viện là người đệ trình dự luật và được thủ tướng ủng hộ.
Dù dự luật nhằm vào tất cả ngôn ngữ nước ngoài, nhưng đặc biệt nhằm vào “Anglomania”, nghĩa là tình trạng sử dụng phổ biến các từ tiếng Anh. Dự thảo cho rằng tình trạng này “hạ thấp và hành hạ tiếng Ý”, nhất là khi Anh không còn là thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Dự luật yêu cầu bất kỳ ai làm việc trong cơ quan hành chính công vụ phải “có kỹ năng viết và nói thành thạo tiếng Ý”, đồng thời cấm sử dụng tiếng Anh trong văn bản chính thức, bao gồm cả từ viết tắt và tên vị trí công việc trong các công ty hoạt động ở Ý.
Các cơ quan và tổ chức nước ngoài sẽ phải có phiên bản tiếng Ý cho tất cả quy định nội bộ và hợp đồng nhân sự. “Đây không chỉ là vấn đề thời trang, vì thời trang chỉ có giai đoạn, mà Anglomania gây nhiều tác động với xã hội”, dự luật nêu rõ.
Điều đầu tiên trong dự luật yêu cầu rằng khi làm việc với người nước ngoài, tiếng Ý vẫn phải là ngôn ngữ chính được sử dụng.
Điều 2 quy định phải đưa tiếng Ý “trở thành bắt buộc trong việc quảng bá và sử dụng hàng hoá và dịch vụ công cộng trong lãnh thổ Ý”. Những người không tuân thủ sẽ bị phạt 5.000 – 100.000 euro.
Theo dự luật, Bộ Văn hoá sẽ thành lập một uỷ ban có nhiệm vụ chỉnh đốn việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Ý và cách phát âm trong trường học, báo chí, thương mại và quảng cáo.
Bên cạnh đó, chính phủ Ý đang có những nỗ lực nhằm bảo vệ ẩm thực Địa Trung Hải. Tuần trước, hai bộ trưởng văn hoá và nông nghiệp Ý chính thức đề cử ẩm thực của nước này lên UNESCO để được công nhận là di sản thế giới. Quyết định sẽ được đưa ra vào cuối năm 2025.
Theo CNN
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận