menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Quang Anh

Ý kiến khác nhau về đề xuất 'nộp tiền thay xử tù'

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng trong bối cảnh hiện nay chưa nên cho phép nộp tiền thay xử tù, trong khi một số chuyên gia đồng tình với đề xuất này.

Viện trưởng VKSND Lê Minh Trí vừa đề xuất tăng biện pháp phòng ngừa, tạo điều kiện cho người phạm tội tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả để giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh Trịnh Xuân An nói hiểu đơn giản đề xuất trên cho phép người phạm tội tham nhũng được nộp tiền để chuộc tội, giảm hình phạt, nhà nước thu hồi được tài sản. Đây là xu hướng lập pháp của một số nước tiên tiến, nhưng chưa phù hợp để áp dụng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Ông An phân tích cần phân biệt tội phạm tham nhũng và tội cố ý làm trái. Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức. Đây là hành vi cố ý, không thể chấp nhận vì không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến phạm trù đạo đức, làm xói mòn niềm tin của người dân với chính quyền.

Còn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý không làm, làm không đúng, không đủ hoặc làm ngược lại các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng. Tội này cán bộ có thể vi phạm do một quy định nào đó của pháp luật chưa rõ, chưa tường minh, dẫn đến vi phạm không phải từ ý chí chủ quan.

"Hệ lụy của tham nhũng, tiêu cực là quá lớn để có thể bù đắp bằng vật chất, và mục đích cao nhất của việc này không chỉ là thu hồi tài sản mà còn để bảo vệ lợi ích công và củng cố lòng tin của người dân", ông An nói.

Theo ông An, trong bối cảnh tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp, Việt Nam đang phải quyết liệt phòng chống để đẩy lùi nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ thì đề xuất trên là chưa phù hợp, nhất là khi Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Trung ương đang hoạt động rất tích cực. Ban chỉ đạo ở các tỉnh, thành cũng được thành lập để thực hiện mục tiêu "quyết liệt phòng chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ".

"Chúng ta xác định tham nhũng như giặc nội xâm nên muốn áp dụng cơ chế kinh tế, lấy tài sản để chuộc lại lỗi lầm thì phải đánh giá kỹ lưỡng, có nghiên cứu, bóc tách từng trường hợp chứ không thể nói chung cho tội phạm tham nhũng", ông An nói, nhấn mạnh không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế nhưng cũng không dân sự hóa các hành vi phạm tội, và "bất cứ ai cũng phải đi trên đường ray pháp luật".

Khác với quan điểm của ông Trịnh Xuân An, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam "đồng tình một phần" với đề xuất của Viện trưởng VKSND tối cao.

Ông Nam cho rằng cần xây dựng cơ chế để cán bộ tự giác nộp lại tài sản tham nhũng trước khi bị phát giác, tăng tỷ lệ thu hồi tài sản cho nhà nước. "Người nộp lại tài sản tham nhũng trước khi bị cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện hoặc trước khi bị khởi tố, điều tra thì có thể xem xét giữ kín danh tính, không bị xử lý kỷ luật hoặc điều tra, truy tố", ông Nam nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo ông Nam, cán bộ nộp lại tài sản tham nhũng sau khi đã bị phát hiện hoặc đang trong quá trình tố tụng thì chỉ nên coi là tình tiết xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật hoặc mức án. Người khắc phục được toàn bộ vi phạm có thể được xem xét áp dụng mức "khoan hồng đặc biệt", nhưng không phải là biện pháp tha bổng.

Ông phân tích, khi cán bộ đã bị khởi tố mới nộp lại tài sản tham nhũng và được tha bổng thì "không công bằng và không khuyến khích công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng". Việc nộp lại tài sản trong trường hợp này không phải do tự giác, nhân phẩm thúc giục mà chỉ để giảm nhẹ hậu quả. Nếu do lương tri thức tỉnh, cán bộ sẽ nộp lại tài sản vi phạm trước khi bị phát hiện, khởi tố.

"Mục đích quan trọng của chống tham nhũng không chỉ là thu hồi tài sản thất thoát mà cao hơn là bảo vệ quyền sở hữu của nhà nước và sự liêm chính của bộ máy công quyền", ông Nam nói.

Nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa đánh giá "các cơ quan luôn đi sau người vi phạm", chỉ kê biên tài sản khi đối tượng bị áp dụng biện pháp về tố tụng nên tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán, ngụy trang từ trước. Hơn nữa, với những tài sản ở trong nước, cơ quan chức năng có thể thu hồi, nhưng trường hợp người vi phạm có nhà đất, xe ở nước ngoài thì khó xử lý. Do đó, cần thay đổi chính sách tịch thu, kê biên tài sản, đồng thời yêu cầu cán bộ kê khai tài sản trung thực và theo dõi biến động của tài sản đó.

Ý kiến khác nhau về đề xuất 'nộp tiền thay xử tù'

Nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam tại nghị trường năm 2014. Ảnh: Media Quốc hội

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao cũng cho rằng đề xuất của Viện trưởng VKSND tối cao là hợp lý, nhiều nước đã thực hiện. Tuy nhiên, ngoài việc khuyến khích cán bộ nộp lại tài sản tham nhũng cần có quy định chặt chẽ, không để cán bộ lợi dụng chủ trương này nhằm thoái thác trách nhiệm, khiến việc xử lý tham nhũng không triệt để.

Trung tướng Độ đề xuất bốn mức xử lý với cán bộ nộp lại tài sản tham nhũng. Nếu chủ động nộp lại trước khi bị phát giác thì không bị xử lý hình sự; nộp lại khi đã bị phát hiện hoặc trong quá trình điều tra thì có thể coi là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt, có thể hưởng án treo.

Trong quá trình xét xử, nếu cán bộ vi phạm nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể được giảm nhẹ hình phạt, tùy theo việc khắc phục hậu quả một phần hay toàn bộ. Cuối cùng, khi đã có bản án của tòa, cán bộ nộp lại tài sản tham nhũng sẽ có thể được giảm án.

Thăm dò trên VnExpress ba ngày qua, hơn 3.300 người tham gia trả lời câu hỏi "nên xử lý thế nào với tội phạm tham nhũng, kinh tế?". Kết quả 69% độc giả ủng hộ xử lý hình sự, buộc bồi hoàn tiền; 26% muốn phạt gấp nhiều lần tiền tham nhũng, nếu không sẽ phạt tù.

Ý kiến khác nhau về đề xuất 'nộp tiền thay xử tù'

Điều 40, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, tội Nhận hối lộ mà sau đó chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tiền phạm tội và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, hoặc lập công lớn thì có thể được giảm xuống chung thân.

Nghị quyết số 03 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự quy định, từ 15/2/2021, trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
3 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại