Xuất siêu đạt 1,3 tỉ USD ngay tháng đầu năm: Kịch bản nào cho xuất khẩu Việt Nam năm 2021?
Tin vui đến ngay từ đầu năm 2021 khi cán cân thương mại thặng dư của Việt Nam đạt 1,3 tỉ USD. Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, số liệu xuất siêu tăng trưởng rất lạc quan, tạo điểm tựa để xuất khẩu nông sản có thêm đà bứt tốc trong các tháng tiếp theo của năm 2021.
Tăng trưởng ấn tượng
“Con số xuất siêu trên là rất tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1.2021 là cao nhất trong những năm gần đây. Thông thường quý I, tháng 1 kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với những tháng cuối năm, nhưng năm nay chúng ta vẫn duy trì kết quả xuất nhập khẩu và tăng trưởng như vậy là hết sức ấn tượng”, trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết,
"Đây là con số tăng trưởng rất lạc quan, tạo điểm tựa để xuất khẩu nông sản có thêm đà bứt tốc trong các tháng tiếp theo" - TS Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) nhận định.
Ngay trong tháng 1.2021, nhiều lô hàng xuất khẩu nông sản đã được xuất đi các nước như: 160 tấn tôm của Công ty Minh Phú xuất đi Mỹ, EU, Nhật Bản; lô gạo 1.600 tấn của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) xuất khẩu đi Singapore và Malaysia… Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục xuất 2.000 tấn gạo đi Đức trong số 3.000 nghìn tấn gạo mà Trung An đã ký đầu tháng 8.2020 khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
“Xuất khẩu chính là “điểm cộng” để duy trì tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay”, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhận định.
Trong đó, đáng chú ý, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,5 tỉ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Việt Nam cần nghiên cứu các giải pháp đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nghiêm túc, thường xuyên rà soát xuất xứ của hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, tránh gian lận xuất xứ.
Cập nhật các kịch bản thương mại với Mỹ. Tiếp tục tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Theo dõi chặt chẽ diễn biến nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc để có giải pháp ứng phó kịp thời trước khả năng hàng Trung Quốc chuyển hướng sang các thị trường ngoài Mỹ hoặc lợi dụng xuất xứ Việt Nam trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Dự báo xuất siêu năm 2021 sẽ đạt 19,7 tỉ USD
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo Kịch bản 1, và 6,46% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong Kịch bản 1 và tăng 5,06% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỉ USD và 7,24 tỉ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.
Theo chuyên gia từ CIEM, xuất khẩu vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn như các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt rào cản phi thuế quan, thêm vào đó là sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, cũng như thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào. Các chi phí vận chuyển, lưu kho tăng.
“Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thông qua khai thác hiệu quả hơn các thị trường truyền thống và mở rộng, phát triển thị trường mới từ việc tận dụng các FTA. Việt Nam nỗ lực trong phát triển thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Mỗi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần nỗ lực cải cách nội tại giúp tăng trưởng xuất khẩu”, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Bá Phú - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trực tuyến, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước, hỗ trợ DN chuyển đổi số là những giải pháp cần được thực thi rốt ráo để vượt lên đại dịch.
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán BSC dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt mức 305.9 tỉ USD vào năm 2021, tăng 8,9% so với năm 2020. Nhập khẩu đạt mức 286,2 tỉ USD (tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước). Xuất siêu dự báo sẽ đạt con số 19,7 tỉ USD vào năm 2021. Lý giải cho dự báo trên, chuyên gia BSC cho rằng xu hướng giao dịch thương mại toàn cầu hồi phục trở lại khi tình hình phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vaccine COVID-19 đạt hiệu quả cao. Hiện tượng này sẽ khiến cho nhu cầu sử dụng nhóm hàng hóa công nghệ cao như điện thoại hồi phục trở lại thời kỳ tiền COVID-19.
Thêm vào đó, xu hướng dịch chuyển sản xuất sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng ở hai nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác ở Việt Nam.
Đáng chú ý, chiến dịch phòng chống COVID-19 vẫn đạt hiệu quả tích cực giúp khối doanh nghiệp FDI duy trì năng suất hoạt động cao trong năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận