Xuất-nhập khẩu của Trung Quốc đồng loạt giảm vì thương chiến Mỹ-Trung
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm trong tháng 6/2019, khi Mỹ nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, còn kim ngạch nhập khẩu tiếp tục giảm giữa lúc nhu cầu nội địa đi xuống.
Trong tháng 6/2019, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 1.3% so với cùng kỳ năm trước và ở mức 212.8 tỷ USD, sau khi Mỹ nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% trong tháng 5/2019. Xuất khẩu tăng trưởng 1.1% trong tháng 5/2019.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 6/2019 của Trung Quốc tiếp tục giảm, lao dốc 7.3% so với cùng kỳ năm trước và ở mức 161.8 tỷ USD, dựa trên dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc trong ngày thứ Sáu (12/07). Trước đó, trong tháng 5/2019, nhập khẩu Trung Quốc giảm 8.5%.
Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm yếu hơn dự báo giảm 1.7% của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu lại lao dốc mạnh hơn dự báo giảm 4.6%.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 50.98 tỷ USD trong tháng 6/2019, tăng từ mức 41.65 tỷ USD hồi tháng 5/2019. Con số này cao hơn mức dự báo 45 tỷ USD từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg.
Dữ liệu thương mại yếu ớt càng gia tăng áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi họ đang chật vật chống chọi trong cuộc chiến thương mại với Mỹ – vốn đã kéo dài hơn 1 năm.
Bắc Kinh đang cố gắng duy trì đà tăng trưởng, với việc Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán trong tuần này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý đình chiến thương mại và nối lại đàm phán tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6/2019.
Vì việc nâng thuế chính thức có hiệu lực vào ngày 01/06/2019 nên tất cả hàng hóa rời khỏi bến cảng Trung Quốc trong tháng 6 đều phải chịu mức thuế cao hơn. Đây là một nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm của kim ngạch xuất khẩu.
Về phần nhập khẩu, đây đã là tháng giảm thứ 5 trong 6 tháng đầu năm 2019. Điều này làm dấy lên lo ngại thực sự về lượng tiêu thụ ở Trung Quốc khi giá hàng hóa gia tăng một phần do sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi.
Trong nửa đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc tăng 0.1% (xét bằng đồng USD), thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 12.8% của cùng kỳ năm trước, dựa trên dữ liệu chính thức. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm 4.3% trong 6 tháng đầu năm 2019, trái ngược hoàn toàn với mức tăng trưởng 19.9% của cùng kỳ năm 2018.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng từ Trung Quốc tới Mỹ giảm 8.1% xuống mức 199.4 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu tụt 29.9% xuống 58.9 tỷ USD.
Thành quả thương mại ảm đạm của Trung Quốc trong tháng 6/2019 đã được báo hiệu từ trước thông qua các chỉ báo sớm. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất ở dưới mức 50 trong tháng 6/2019, trong đó thước đo về số đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm xuống 46.3, từ mức 46.5 trong tháng 5/2019 và 49.2 trong tháng 4/2019. PMI dưới 50 ám chỉ sự thu hẹp.
Chỉ số PMI từ Caixin – vốn tập trung vào các công ty nhỏ và công ty tư nhân – cũng giảm xuống 49.4 trong tháng 6/2019, từ mức 50.2 trong tháng 5/2019.
Dữ liệu hàng quý từ công ty logistics DHL Global Trade Barometer (GTB) – vốn theo dõi việc vận chuyển hàng hóa qua đường biển và đường hàng không trên toàn cầu – cho thấy thương mại Trung Quốc có thể thu hẹp nhẹ trong giai đoạn tháng 6-8/2019 vì số lượng hàng hóa vận chuyển qua đường biển suy giảm. Cụ thể hơn, kim ngạch nhập khẩu đã mất đà nghiêm trọng, nhất là nhập khẩu các nguyên vật liệu thô cơ bản, máy móc thiết bị và mặt hàng thời trang.
“Triển vọng tiêu cực của Trung Quốc chủ yếu là do sự suy giảm nhập khẩu ở một vài loại hàng hóa, cùng với sự tăng trưởng nho nhỏ của xuất khẩu”, DHL cho biết.
Tuy nhiên, Mỹ cũng không khá khẩm hơn chút nào. DHL dự báo “sẽ có sự suy giảm mạnh, chủ yếu do triển vọng xuất khẩu ảm đạm”. Cả hoạt động vận chuyển hàng bằng đường biển và hàng không đều rơi vào phạm vi âm trong quý vừa qua, trong đó sự suy yếu mạnh nhất đến từ lĩnh vực nguyên vật liệu thô cơ bản, hóa chất và công nghệ cao.
Trong khi đó, dữ liệu từ cảng lớn nhất của Mỹ là Cảng Long Beach và Los Angeles – vốn xử lý lượng lớn hàng hóa từ Trung Quốc – cho thấy lượng hàng hóa giảm 5.1% trong tháng 6/2019.
Vào ngày thứ Hai (15/07), Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc sẽ công bố số liệu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng quý. Dữ liệu này sẽ cung cấp bức tranh đầy đủ hơn về tác động của sự leo thang trong cuộc chiến thương mại đến nền kinh tế Trung Quốc. Cùng với đó, Trung Quốc cũng sẽ công bố số liệu về đầu tư tài sản cố định, sản xuất công nghiệp và bán lẻ.
Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg dự báo GDP Trung Quốc tăng trưởng 6.3% trong quý 2/2019, giảm từ mức 6.4% trong quý 1/2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận