Xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm vẫn tăng nhờ Galaxy S20 của Samsung
Mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn duy trì xu hướng tăng nhờ Samsung đẩy mạnh xuất khẩu phiên bản mới Galaxy S20.
Theo Tổng cục thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 74 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 37 tỷ USD, tăng 2,4%; nhập khẩu đạt 37 tỷ USD, tăng 2,4%.
Mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng trong tháng 2/2020, Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước (tăng 6%) tiếp tục cao hơn tốc độ tăng của khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 0,9%), qua đó đưa tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước trong cơ cấu xuất khẩu tiếp tục tăng (chiếm trên 31%).
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 15 tỷ USD, tăng 2,7%. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 21,75 tỷ USD, tăng 2,2%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 34,6 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.
Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 3% và chiếm 6,7%.
Xét theo quy mô thị trường, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ 2 tháng đầu năm nay tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thị trường EU giảm 8%; Trung Quốc tăng 0,2%; ASEAN giảm 9%; Nhật Bản tăng 9%; Hàn Quốc giảm 6,5%.
Ở phía ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tuy kim ngạch giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường Hàn Quốc tăng 9%; ASEAN giảm 10%; Nhật Bản tăng 0,2%; EU tăng 3,5%; Hoa Kỳ tăng 14%.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho biết, tình hình thông quan hàng hóa vẫn diễn ra rất chậm, khiến lượng xe hàng tồn, nằm chờ ở cửa khẩu vẫn gần 550 xe vào ngày 27/2.
Lượng container tồn nhiều nhất tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), 321 xe trong đó phần lớn là thanh long, mít, xoài, và linh kiện điện tử.
Cửa khẩu Tân Thanh thông quan trở lại từ ngày 20/2, nhưng tốc độ thông quan chậm khiến lượng xe tồn đến nay khoảng 167 xe nông sản. Còn tại các cửa khẩu Cốc Nam, Chi Ma lượng xe tồn lần lượt là 11 và 6 xe.
Theo Bộ Công Thương, hiện lực lượng bốc xếp phía Trung Quốc rất ít do đang phòng dịch khiến tốc độ xuất khẩu hàng sang biên giới chậm. Riêng cửa khẩu Tân Thanh chưa khôi phục xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới, trong khi phần lớn xe của các chủ hàng vận chuyển lên đây đều không có hợp đồng mua bán với phía Trung Quốc.
Hiện lực lượng chức năng đã trao đổi với Trung Quốc, thống nhất kéo dài thời gian thông quan đến 19h hàng ngày, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Trong khi đó, tại các cặp cửa khẩu đã hoạt động trở lại, tình hình xuất hàng sang biên giới vẫn diễn ra đều đặn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận