menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Mạnh

Xuất khẩu trái nhãn vì sao vẫn loay hoay?

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường khó tính như EU, Anh… sẽ giúp nâng thương hiệu và giá trị quả nhãn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu như EU là không d

Gập ghềnh con đường xuất ngoại

Vụ nhãn năm 2021, Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa đã ký hợp đồng thu mua khoảng 60 tấn nhãn của Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng và hợp tác xã nhãn Miền Thiết, xã Hàm Tử (Khoái Châu) để xuất khẩu vào thị trường EU và Vương quốc Anh. 1,5 tấn nhãn Hương Chi của Hợp tác xã Quyết Thắng đã được doanh nghiệp này thu mua để xuất khẩu đi thị trường EU và Vương quốc Anh vào giữa tháng 7/2021. Quả nhãn sau khi thu hoạch được chọn lựa, cắt rời từng quả, sơ chế, chiếu xạ, khử khuẩn, đóng thành từng hộp có khối lượng 500g hoặc 1kg trước khi xuất khẩu bằng đường hàng không. Giá nhãn Hưng Yên được bán tại siêu thị ở EU và Vương quốc Anh dao động từ 12 đến 18 Euro/kg, tương đương từ 326 đến 490 nghìn đồng/kg. Với việc bao tiêu đầu ra sản phẩm và có thị trường xuất khẩu sẽ giúp các HTX có đầu ra và giá cả ổn định.

Trước đó, lô nhãn lồng Sơn La đầu tiên đã tới Hà Lan và đã được phân phối cho các siêu thị ở Hà Lan, Bỉ, Pháp và Anh với giá bán lẻ một cân nhãn tới người tiêu dùng EU là 18 Euro (490.000 đồng). Công ty XNK LTP Import Export B.V (Hà Lan) là doanh nghiệp nhập khẩu lô nhãn này. Nhãn lồng được thu hái từ vùng trồng đạt chuẩn và được sơ chế, đóng hộp với đầy đủ mã truy xuất nguồn gốc, bảo quản ở nhiệt độ và độ ẩm tiêu chuẩn.

Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường khó tính như EU, Anh… sẽ giúp nâng thương hiệu và giá trị quả nhãn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu như EU là không dễ.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ, EU kiêm nhiệm Luxembourg chia sẻ, phong cách tiêu dùng sản phẩm ngoại ở thị trường EU khá dè dặt, trong khi quả nhãn không phổ biến bằng quả vải. Thái Lan và Việt Nam cùng cung cấp nhãn vào EU, trong khi nhãn Thái Lan cung cấp siêu thị châu Á với thời gian bảo quản dài và giá rẻ hơn thì nhãn Việt Nam mới tiếp cận được siêu thị Việt Nam với thời gian bảo quản ngắn và giá bán cao hơn. Nhãn Việt Nam vào EU tỷ lệ hư hỏng rất lớn. Nguyên nhân là do doanh nghiệp đóng hộp nhưng không sấy khô nên quả bị dập, thối phải bỏ đi nhiều. Chưa kể, do vận chuyển chủ yếu bằng đường hàng không nên giá thành cao hơn nhiều so với nhãn Thái Lan.

Là doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang EU, ông Phạm Văn Hiển - Giám đốc Công ty XNK LTP Import Export B.V (Hà Lan) cho hay, nhãn lồng Sơn La chất lượng đạt chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, thời gian bảo quản ngắn hơn so với nhãn Thái Lan; lại vận chuyển sang EU bằng đường hàng không sản lượng hạn chế, chi phí cao nên sức cạnh tranh chưa cao. Do đó, phía doanh nghiệp hy vọng phía cơ quan chức năng hỗ trợ cho nhà xuất khẩu về vấn đề về kỹ thuật, bảo quản, để hàng có thể xuất theo đường biển.

Giải pháp nào cho trái nhãn?

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhãn tươi đạt 28 triệu USD, nhãn sấy khô chế biến đạt 2 triệu USD với thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, mùa vụ nhãn năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường chính cho xuất khẩu nhãn. Bởi thị trường Mỹ, EU hay các nước khác vướng phải công nghệ bảo quản chưa tốt. Tháng 12/2019, quả vải thiều tươi của Việt Nam đã được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt cho phép nhập khẩu chính thức. Tuy nhiên, Nhật Bản chưa cho phép nhập khẩu chính thức quả nhãn tươi của Việt Nam. Quá trình đàm phán mở cửa một thị trường nổi tiếng khó tính với tiêu chuẩn cao như Nhật Bản cho một loại trái cây tươi của Việt Nam chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí và nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng của hai nước.

Đặc thù nhãn Việt Nam có nhiều giống, cách bảo quản có khác nhau. Vỏ mỏng, nhiều nước là hai điểm trừ đối với nhãn Việt. Xuất khẩu sản phẩm nhãn tươi, vận chuyển bằng đường biển sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… mất 45 ngày, lưu trữ hơn 1 tháng. Do đó, vỏ dày, cùi dày sẽ thuận lợi cho việc xuất khẩu nhãn. Cùng với mở cửa thị trường xuất khẩu, thì việc chọn giống nhãn, nhiều ý kiến cho rằng phương thức sơ chế, bảo quản, đóng gói là hết sức quan trọng.

Riêng đối với thị trường EU đòi hỏi yêu cầu cao. Do đó, việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu vào thị trường này không dễ. Ông Trần Ngọc Quân khuyến nghị, xuất khẩu nhãn vào EU cần lưu ý tính đều đặn các lô hàng xuất khẩu, không để tình trạng lô đầu tốt nhưng các lô sau chất lượng không đồng đều. Bên cạnh đó, cần tính toán thời điểm thu hoạch phù hợp để trái nhãn khi đến thị trường xuất khẩu giữ được hương vị chất lượng ngon nhất. Việc quảng bá quả nhãn Việt Nam tới đông đảo người dùng EU là vấn đề cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới. Chế biến sâu trái cây tươi, trong đó có quả nhãn cũng là giải pháp hữu hiệu đảm bảo giá trị cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả