Xuất khẩu thủy sản năm 2021 dự báo cán đích trên 8,8 tỷ USD
Xuất khẩu (XK) thủy sản đã phục hồi nhanh chóng vào tháng 10/2021 ngay khi Nghị quyết 128 có hiệu lực, đưa tổng kim ngạch XK 11 tháng đầu năm đạt 8 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ.
Dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn khó lường nhưng với việc ‘khai thông’ vừa chống dịch vừa sản xuất, XK tăng trưởng ấn tượng vào cuối năm sẽ tạo đà cho ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm sau.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, theo thống kê của Hải quan, trong tháng 11/2021, XK thủy sản đạt trên 910 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tất cả các sản phẩm chủ lực đều hồi phục mạnh mẽ: Tôm tăng 16%; cá tra tăng 31%; cá ngừ tăng 51%; mực - bạch tuộc tăng 37%; cua - ghẹ 59%; các loại cá khác tăng 14%.
Tổng 11 tháng đầu năm 2021, XK thủy sản cả nước đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, XK tôm đạt 3,56 tỷ USD, tăng 3,4%; cá tra đạt 1,4 tỷ USD, tăng 3,3%; cá ngừ đạt 672 triệu USD, tăng 13%; mực - bạch tuộc đạt 543 triệu USD, tăng 7,4%.
Trong tháng 11, XK thủy sản sang thị trường EU hồi phục mạnh nhất khi đạt 105 triệu USD, tăng 65%. Ngoại trừ cá tra (không tăng so với cùng kỳ năm ngoái), XK các phẩm khác sang EU đều tăng vọt (tôm tăng 86%; cá ngừ, mực - bạch tuộc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ đều tăng từ 32 - 74%). Tính đến hết tháng 11/2021, XK thủy sản sang EU đạt 967 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020.
Còn thị trường Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng cao và ổn định với mức tăng 37% trong tháng 11 khi đạt 198 triệu USD. Trong đó, XK cá tra tăng mạnh 58%, tôm tăng 24%, cá ngừ tăng 48%, các sản phẩm khác đều tăng từ 11-157% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 11/2021, XK thủy sản sang Mỹ đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 23% tổng XK thủy sản Việt Nam.
Đối với thị trường các nước CPTPP (chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch XK thủy sản Việt Nam), tháng 11 đạt 225 triệu USD, tăng 9%. Lũy kế hết tháng 11/2021, XK thủy sản sang khối thị trường CPTPP đạt gần 2 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thị trường chủ lực trong khối là Nhật Bản đạt trên 1,2 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ.
Với thị trường Trung Quốc, sau khi sụt giảm liên tục kể từ tháng 3, XK thủy sản sang Trung Quốc đã hồi phục nhẹ trong tháng 11 khi đạt 135 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ. Trong đó, XK mực - bạch tuộc tăng mạnh 116%, XK cá tra tăng 17,4%, còn lại các sản phẩm khác vẫn giảm sâu từ 15 - 89%. Tính đến hết tháng 11, XK thủy sản sang Trung Quốc đạt 1 tỷ USD, giảm gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, với các quyết nghị kịp thời của Chính phủ tại Nghị quyết 128/NQ-CP và sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành thủy sản đã có điều kiện và cơ hội phục hồi sản xuất, gia tăng kim ngạch XK từ nửa cuối tháng 10/2021 đến nay. Chuỗi cung ứng thủy sản được khôi phục, giúp hàng trăm ngàn ngư dân khai thác thủy sản và nông dân nuôi trồng thủy sản có việc làm trở lại và nguồn thu nhập.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn khó lường nhưng với việc “khai thông” vừa chống dịch vừa sản xuất XK của Nghị quyết 128, dự báo XK thủy sản tháng 12 vẫn tiếp đà hồi phục và sẽ đạt trên 800 triệu USD, đưa kết quả XK cả năm 2021 về đích với mức trên 8,8 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2020.
“Mặc dù còn nhiều khó khăn và nhiều doanh nghiệp có thể không có lợi nhuận, thậm chí vẫn đang phải gánh lỗ nhưng việc kim ngạch XK thủy sản tăng trưởng một cách ấn tượng vào cuối năm 2021 sẽ tạo đà cho ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022” - VASEP cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận