Xuất khẩu thịt gà đứng trước cơ hội
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng thời điểm này là cơ hội hiếm cho xuất khẩu gà Việt Nam.
Ngày 23/5, Chính phủ Malaysia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà, trong bối cảnh quốc gia này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa và giá cả leo thang. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/6. Động thái trên khiến Singapore, nước phụ thuộc lớn vào nguồn cung lương thực của Malaysia, quan ngại.
Khoảng 33% lượng thịt gà nhập khẩu của Singapore trong năm 2021 đến từ Malaysia. Trong tổng số 3,6 triệu con gà sống được Singapore nhập khẩu mỗi tháng, 1,2 triệu con tới từ Malaysia.
Dây chuyền giết mổ tại TP HCM. Ảnh: TTXVN |
Singapore cảnh báo lệnh cấm này có thể dẫn đến "những gián đoạn tạm thời đối với mặt hàng gà ướp lạnh," song cho biết nước này đang phối hợp với các nhà nhập khẩu để giảm thiểu tác động trên thị trường, đồng thời kêu gọi người dân chỉ nên mua sắm thực phẩm theo đúng nhu cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng đây có thể là cơ hội tốt cho Việt Nam xuất khẩu gà sang các thị trường, tuy nhiên có rất nhiều việc cần cải thiện.
Cơ hội hiếm cho chăn nuôi gà
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ với Người Đồng Hành rằng thời điểm này là cơ hội hiếm cho xuất khẩu gà Việt Nam.
Ông Đoán cho rằng Malaysia và Singapore vốn nằm cạnh nhau nên rất thuận tiện cho việc quốc đảo mua gà từ nước láng giềng. Tình hình thế giới biến động, Malaysia cấm xuất khẩu gà sẽ là cơ hội lớn cho người chăn nuôi vốn bị thiệt hại lớn trong đợt dịch vừa qua. Giá gà trắng từng xuống tới 5.000-6.000 đồng/kg trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng và giờ sẽ là cơ hội để nông dân bán được giá tốt hơn. Thịt gà trắng tại miền Bắc đang ở quanh 35.000 đồng/kg, còn ở miền Nam vào mức 32.000-34.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận định thế giới biến động, nhiều quốc gia cấm xuất khẩu lương thực, thực phẩm nên các nước nhập nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Trước đây, các quốc gia có nhiều lựa chọn nhưng hiện nay, sự lựa chọn bị giới hạn. Nông dân Việt Nam vốn cần cù và chăn nuôi vẫn có quỹ đất nên đây là cơ hội tốt.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng sử dụng thịt gà đang diễn ra. Người dân ở nhiều quốc gia dùng đến 60% là thịt gà, 30% là thịt heo và 10% là các loại thịt cá khác. Còn ở Việt Nam, thịt heo chiếm 70% nên cơ hội cho mảng gà xuất khẩu là rất lớn. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều phải làm để có thể đưa thịt gà hội nhập sâu rộng.
Nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn để nắm bắt cơ hội
Ông Trí Công nhận định cơ hội lớn nhưng có rất nhiều điều cần làm. Việt Nam đã xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của bên mua. Nay, mở rộng an toàn sinh học cho gà là điều cần thiết để đáp ứng yêu cầu bên mua. Qua đó, cơ hội càng rộng mở và thâm nhập thị trường quốc tế lâu dài.
Đồng quan điển, ông Nguyễn Kim Đoán cũng cho rằng chăn nuôi cần đảm bảo an toàn sinh học để tận dụng cơ hội trước mắt và lâu dài. Nếu dư lượng kháng sinh trong gà không đạt yêu cầu, sản phẩm sẽ mất cơ hội.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết Việt Nam mới chỉ xuất khẩu thịt chế biến qua một số nước, trong đó có Nhật Bản. Về thịt sống, các quốc gia, trong đó có Singapore kiểm tra rất kỹ truy xuất nguồn gốc, phải đảm bảo vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và thịt gà vượt qua các rào cản kỹ thuật của nước này.
Ông Đoán nhớ lại khi dịch bệnh căng thẳng, giá gà trắng giảm, một kg gà trắng chỉ tương đương với một quả trứng, nhiều hộ đã giảm lượng gà bố mẹ. Do đó, người chăn nuôi cần thời gian để hồi phục đàn.
"Khi có trứng thì sản xuất con giống nhanh, khoảng 21 ngày. Từ gà giống đến thành phẩm xuất khẩu mất khoảng 42 ngày. Vì thời gian nhanh như vậy nên nếu doanh nghiệp làm ồ ạt, con giống không đảm bảo thì sản phẩm sẽ dẫn đến vật nuôi bị bệnh và phải dùng kháng sinh nhiều. Nếu làm không nghiêm túc, khách hàng nước ngoài có thể tìm nguồn khác để nhập và chúng ta mất cơ hội", ông Đoán nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận