Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Đừng mãi chỉ lo tắc đường
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục siết chặt quy định nhập khẩu đang dấy lên mối lo ùn ứ, tồn đọng nông sản, trái cây cục bộ tại cửa khẩu biên giới phía Bắc. Đây không chỉ là trăn trở của nhiều DN Việt mà còn là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Hiện hữu nguy cơ ùn ứ trái cây tại cửa khẩu
Theo báo cáo của Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản lượng trái cây năm 2021 và ước tính sản lượng quý I/2022 các tỉnh phía Nam lên đến hơn 7 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với 2020. Riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn, trong đó, thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, công tác tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm trái cây của các tỉnh phía Nam được dự báo sẽ gặp phải một số khó khăn do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh, điều này khiến cho tiến độ xuất khẩu bị chậm, gây ùn ứ tại cửa khẩu.
Nhận định nguy cơ trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc là có cơ sở, Tổng Thư ký Hiệp hội rau củ quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên lý giải, chính sách phòng, chống dịch Covid-19 của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung lao động tại khu vực các cửa khẩu và cảng biển.
Cụ thể, nhân công khi về quê ăn Tết có thể bị cách ly y tế khoảng 6 tuần. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến quy trình xuất khẩu tiểu ngạch nông sản, nhất là các loại trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, không chỉ có Việt Nam, các quốc gia có mối quan hệ xuất nhập khẩu, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm với Trung Quốc cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Phân tích thêm về thị trường Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho hay, trong 3 năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng chững lại, một số mặt hàng trái cây, thủy sản sụt giảm đáng kể trong 2 năm qua do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong khi đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đã có tới hơn 40 thông báo thay đổi liên quan tới an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc.
"Trung Quốc đã và sẽ gia tăng các quy định nhập khẩu, cho thấy nước này không còn là thị trường dễ tính. Do đó, các DN cần thay đổi nhận thức, cách làm để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu như an toàn thực phẩm, nguồn gốc, bao bì nhãn mác...” - ông Trần Thanh Hải khuyến nghị.
Cần chiến lược dài hơi
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, yêu cầu đặt ra là Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP…). Cùng với đó là liên kết nông dân, hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất. Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc.
Theo ông Lê Thanh Tùng, chỉ khi nào sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu thì xuất khẩu mới bền vững. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý ở địa phương cần đồng hành, sát cánh hơn nữa với nông dân, DN trong xuất khẩu trái cây. Sở NN&PTNT các tỉnh, TP cần nêu cao vai trò trong tư vấn, định hướng sản xuất cho nông dân, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng.
“Địa phương cần nắm chắc sản lượng, chất lượng nông sản, trái cây dịp cuối năm. Từ đó có những dự báo dài hơi về tất cả các vấn đề, kịp thời cung cấp thông tin cho các DN, cơ sở thu mua để kết nối tiêu thụ. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ xuất khẩu” - ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, để giải quyết tình trạng trên một cách triệt để, góp phần ổn định xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới, cần sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Theo đó, Bộ NN&PTNT đang rà soát, đánh giá tình hình, thống nhất công tác tổ chức sản xuất đáp ứng với nhu cầu, yêu cầu của phía Trung Quốc.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch; tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, đồng hành cùng DN, nông dân thực hiện các giải pháp chiến lược để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường lớn này.
Để giảm thiểu ảnh hưởng từ chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đến tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trái cây, các tỉnh, TP cần tăng cường công tác tiêu thụ nội địa thông qua việc tạp điều kiện thuận lợi cho lưu thông, buôn bán, nhất là tại các chợ đầu mối. Đối với DN, cần xác định việc lưu thông, vận chuyển sản phẩm có thể bị kéo dài đến hàng tháng nên cần đặc biệt lưu ý công tác bảo quản. Tổng Thư ký Hiệp hội rau củ quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên |
Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT tổ chức phân luồng ở khu vực biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạ tầng logistics như kho lạnh ở Trà Lĩnh (Cao Bằng), khu trung chuyển ở Lạng Sơn, trung tâm logistics ở Bắc Giang; chỉ đạo các Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc tăng số lượng và đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại hàng năm tại Trung Quốc theo hướng tập trung trọng tâm, trọng điểm với từng chủng loại sản phẩm. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận