Xuất khẩu nông sản: Đừng 'bỏ trứng vào một giỏ'
Nhiều loại trái cây của Việt Nam hầu như năm nào cũng bị ùn ứ tại các cửa khẩu rồi kêu gọi giải cứu. Đã đến lúc nông sản Việt cần thay đổi miếng bánh thị phần xuất khẩu, thay vì chỉ tập trung một nhà nhập khẩu chủ lực.
Điệp khúc giải cứu nông sản
Trong bối cảnh hiện vẫn còn trên 2.400 container hàng hoá (60% trong số này là xe chở trái cây tươi) ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, ngày 4/1 UBND tỉnh này đã phải đưa ra thông báo khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu tạm dừng đưa hàng lên cửa khẩu biên giới từ nay tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Phía UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 30/12/2021 cũng có công văn số 9540/UBND-XD2 về việc tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, lối mở biên giới đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ chính thức cho phép nhập khẩu 9 loại trái cây của Việt Nam đó là xoài, mít, thanh long, chuối, chôm chôm, vải, nhãn, dưa hấu, măng cụt. Nói cách khác, chỉ 9 loại trái cây trên mới được nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Còn những loại không có tên ở trên, trong đó có những loại mà Việt Nam rất dồi dào, như sầu riêng, vú sữa... buộc phải đi đường tiểu ngạch, qua các cửa khẩu phụ.
Thực tế, hiện tượng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu và xe quay đầu nội địa để giải cứu nông sản vẫn luôn tái diễn hằng năm. Bởi các chính sách thương mại của Trung Quốc được thay đổi liên tục và linh hoạt. Tuy nhiên, hầu như các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đều có tâm lý thích xuất khẩu tiểu ngạch hơn chính ngạch để giảm bớt mức thuế.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu mặt hàng rau, hoa quả vươn lên trở thành một ngành hàng mũi nhọn, năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 3,52 tỷ USD. Riêng quả thanh long, năm 2021 xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 1,7 triệu tấn, riêng đường biển tại cảng TP.HCM đạt gần 520.000 tấn, chiếm 30,3%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP đã ký kết thực thi; các quốc gia nhập khẩu đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; rủi ro thiên tai và dịch bệnh động thực vật và dịch bệnh trên người (COVID-19 bùng phát và lây lan với nhiều biến chủng Delta, Omicron) đang đặt ra yêu cầu, thách thức rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung, thanh long nói riêng.
Vẫn còn nhiều thị trường tiềm năng
Thực tế, nhiều năm trở lại đây, một số thị trường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như Australia, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) cũng đẩy mạnh nhập khẩu nông sản Việt. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn là chủ lực.
Hiện nay, đối với thị trường Trung Quốc, các loại nông sản đang nhập khẩu với số lượng lớn là xoài, nhãn, vải, thanh long, dưa hấu, chuối, chôm chôm, mít và măng cụt. Trong thời gian tới, thị trường này tiếp tục mở cửa nhập khẩu sầu riêng, chanh leo và khoai lang tím…
Thị trường Hàn Quốc, cũng có nhu cầu với một số loại trái cây như dừa, dứa, chuối, xoài và thanh long ruột trắng, rau salad các loại, rau ôn đới, tỏi ớt. Thị trường Nhật Bản, thanh long đỏ và trắng, xoài và vải; Rau gia vị, tía tô, rau cải bó xôi tươi và đông lạnh…
Tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 19 sáng 6/1, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, thời gian qua, các đơn vị, công ty của Nhật Bản rất mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm trái cây tươi cũng như sản phẩm chế biến.
Từ năm 2009, Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu sản phẩm thanh long ruột trắng của Việt Nam. Năm 2017, quả thanh long ruột đỏ đã được cấp phép xuất khẩu sang Nhật Bản.
Theo đó, ông Tạ Đức Minh đưa ra khuyến cáo Việt Nam nên tăng cường xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu sang thị trường Nhật Bản. Đồng thời, ông Minh cũng lưu ý việc Nhật Bản có hệ thống phân phối tại thị trường nội địa phức tạp, trong khi những sản phẩm nông sản của Việt Nam có thời gian bảo quản ngắn.
“Để đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nhật Bản, chúng tôi mong muốn được phối hợp với các cơ quan của Bộ NN-PTNT nhằm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trái cây của Việt Nam trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Nhật Bản trong thời gian tới”, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản bày tỏ.
Đồng tình với những thông tin ông Tạ Đức Minh chia sẻ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định, nhu cầu về trái cây Việt Nam của thị trường Nhật Bản lớn nhưng cũng có những yêu cầu cao về quy chuẩn, tiêu chuẩn. Thế nên các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam cần tìm hiểu kĩ lưỡng những thông tin mà thị trường Nhật Bản đưa ra.
Thứ trưởng cũng tán thành việc phối hợp giữa Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản với các đơn vị của Bộ NN&PTNT Việt Nam. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục kết nối quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Việt Nam tại Nhật Bản.
Tương tự, Ấn Độ cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với nông sản Việt. Theo ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời vừa qua từ mức 5,1 tỷ USD (năm 20216) lên 11,2 tỷ USD (năm 2021), dự kiến năm 2022 vượt 13 tỷ USD…
Tham tán Bùi Trung Thướng cũng thông tin, Ấn Độ là thị trường 1,4 tỷ dân, tỷ lệ người ăn chay và thói quen sử dụng hoa quả rất nhiều, do đó nhu cầu hàng năm về mặt hàng này rất lớn. Xuất khẩu hoa quả, hạt tươi của Ấn Độ năm tài chính 2020-2021 là 1,350 tỷ USD, nhập khẩu 3,159 tỷ USD.
Vị Tham tán cũng đưa ra khuyến nghị, đối với Chính phủ, Bộ, ngành cần thường xuyên giữ kết nối, trao đổi với Bộ, ngành của nước đối tác; tổ chức các kỳ họp, tiểu ban, nhóm làm việc; tích cực đàm phán mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây…
Đối với Hiệp hội, cơ quan xúc tiến thương mại, cần phối hợp với các thương vụ, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường Quốc tế.
Với cộng đồng doanh nghiệp, cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, tích cực tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại, chủ động giao lưu, kết nối và trao đổi với đối tác, thận trọng trong quá trình đàm phán, ký kết thị trường, lưu ý về bao bì nhãn mác sản phẩm…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận