Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng giảm mạnh
Tính chung 8 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng xuất khẩu chính giảm so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng giảm mạnh
Dẫn nguồn thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm thuỷ sản đạt 5,68 tỷ USD lâm sản 8,95 tỷ USD.
Cụ thể, sản lượng thủy sản tháng 8/2023 ước đạt 837,4 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 485,8 nghìn tấn, tăng 3,8%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 351,6 nghìn tấn, giảm 0,5%.
Tính chung 8 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 5.931 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 4.254,3 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 812,2 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khác đạt 864,5 nghìn tấn, tăng 1,5%.
Đáng chú ý, thời gian qua một số nhóm mặt hàng có giá trị xuất tăng như: Nông sản 16,9 tỷ USD, tăng 11,5 % (đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 3,45 tỷ USD, tăng 57,5%; gạo 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%; hạt điều 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà phê 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%); sản phẩm chăn nuôi 325 triệu USD, tăng 26,1%.
Nước nào là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam?
Về thị trường, 8 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á tăng 0,2%; châu Mỹ giảm 27,4%; châu Âu giảm 13,8%; châu Phi tăng 11,5%; châu Đại Dương giảm 23,5%.
Đặc biệt trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 9,8%; Mỹ chiếm 20,6%, giảm 27,4%; và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 10,6%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm; an toàn thực phẩm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần tận dụng cơ hội thị trường, nhất là những nhóm mặt hàng đang có lợi thế, tăng trưởng tốt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch; chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết 8 tháng năm 2023, giá trị nhập khẩu đạt 26,48 tỷ USD, giảm 12,9% cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, nhập khẩu nhóm nông sản, sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản, lâm sản, đầu vào sản xuất đều giảm.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp 3/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt từ 54 - 55 tỷ USD. Mục tiêu này là khả quan; tuy nhiên để đạt được, cần thực hiện các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của cả năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận