Xuất khẩu ngày 21-25/2: Xuất khẩu gạo lạc quan đầu năm mới, Bộ Công Thương kiến nghị Hoa Kỳ "gỡ khó" cho ngành ong xuất khẩu
Điểm lại những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 21-25/2.
Kiến nghị Hoa Kỳ không áp thuế ngành ong xuất khẩu của Việt Nam
Ngày 23/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với ông John F. Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu để trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước.
Trong không khí thẳng thắn, xây dựng và tích cực của cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đang triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại bất hợp lý đối với ngành ong Việt Nam với mức thuế dự kiến lên tới 412%, một mức thuế cao hơn gấp nhiều lần so với nước khác.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc này không chỉ ảnh hưởng lâu dài đến 35.000 nông hộ ngành ong, phần lớn là nông dân, sống ở nông thôn, miền núi, các vùng kinh tế khó khăn, mà còn gây ra tác động tiêu cực đến mục tiêu cân bằng hệ sinh thái khi hàng triệu con ong có thể bị chết và hàng triệu hecta cây rừng trồng, cây trồng không có cơ hội thụ phấn. Đây là nguy cơ rất lớn đối mới môi trường, với việc phát triển diện tích rừng trồng ở Việt Nam, qua đó ảnh hưởng đến mục tiêu chống biến đổi khí hậu mà hai nước đang hướng đến.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry có những trao đổi cần thiết với DOC để tiến hành các cuộc điều tra phòng vệ thương mại một cách công bằng và minh bạch, xem xét cẩn trọng mọi vấn đề để hai bên có khép lại vụ việc trên một cách thuận lợi và không áp thuế lên ngành ong xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất khẩu cá ngừ tăng mạnh nhất hai năm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ tháng 1 đạt gần 88 triệu USD, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 8 thị trường chính của cá ngừ Việt Nam, trừ Trung Quốc, còn lại (Mỹ, EU, CPTPP, Nga, Saudi Arabia, Israel, Ai Cập) đều đồng loạt tăng.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu trong tháng 1, đạt gần 44 triệu USD, tăng 210% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang các nước EU cũng tăng trưởng ngoạn mục. Trong đó, Hà Lan và Lithuania trong top 3 thị trường dẫn đầu khối EU về giá trị nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang 2 thị trường này trong tháng 1 tăng với tốc độ rất mạnh lần lượt là 243% và gần 2.000% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại khối thị trường CPTPP, xuất khẩu cá ngừ sang một số thị trường sau khi giảm trong quý IV/2021 đã khởi sắc trong tháng đầu năm 2022. Chẳng hạn, xuất khẩu sang Canada và Peru, tăng lần lượt là 26% và 2.289 % so với cùng kỳ năm 2021. Chile không còn nằm trong top 4 thị trường dẫn đầu, nhưng xuất khẩu sang thị trường này cũng tăng mạnh 219%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản sụt giảm 17% so với cùng kỳ.
Trong tháng 1, tỉnh Khánh Hoà tiếp tục dẫn đầu cả nước về xuất khẩu cá ngừ với giá trị gần 40 triệu USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất cá ngừ của cả nước. Đứng sau Khánh Hòa là tỉnh Bình Định, Phú Yên, TP HCM và Bình Dương.
Hiện cả nước có 72 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá ngừ. Dẫn đầu trong số các công ty này là Bidifisco, Dragon Wave, Tithico, Highland Dragon và Nha Trang Bay, chiếm gần 46% tổng kim ngạch xuất cá ngừ của cả nước.
Dự báo, năm 2022, ngành cá ngừ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, như hoạt động giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển đường biển chưa có xu hướng giảm. Quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia thay đổi cũng như có nhiều cảnh báo về an toàn thực phẩm hơn...
Tin vui cho gạo xuất khẩu
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 1 vừa qua đạt trên 505.000 tấn, với trị giá đạt trên 246 triệu USD.
So với cùng kỳ năm 2021, kết quả xuất khẩu gạo tháng đầu năm nay tăng đến hơn 45% về lượng và gần 30% về giá trị.
Trong đó, Philippines vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến trên 230.000 tấn và trên 110 triệu USD trong tổng sản lượng và kim ngạch đã xuất khẩu trong tháng đầu năm.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong một thời gian dài, tháng đầu năm nay đã rơi xuống vị trí thứ ba, sau Bờ Biển Ngà.
Theo đó, tháng đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt hơn 56.000 tấn với trị giá trên 23 triệu USD, tăng tới hơn 400% về lượng và hơn 250% về giá trị so với cùng kỳ.
Trong khi đó, xuất sang Trung Quốc đạt trên 37.000 tấn với trị giá gần 19 triệu USD, giảm gần 40% về lượng và về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Gạo xuất khẩu tăng cả về số lượng lẫn giá trị, do Trung Quốc mở cửa khẩu trở lại. Bên cạnh đó, các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc..., nhu cầu nhập khẩu bắt đầu cao.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) khiến hạt gạo Việt Nam đứng trước cơ hội lớn.
Những nước sau một thời gian chống dịch cực đoan sẽ mở cửa trở lại và tăng nhập khẩu để đảm bảo tiêu dùng cũng như dự trữ quốc gia.
Đối với thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc, số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, dự tính đến giữa năm 2022 nước này sẽ tích trữ đến 60% lượng gạo. Chính vì vậy, năm mới dự báo sẽ là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo Việt Nam.
Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo nhiều khả năng tăng từ tháng 3/2022, khi vụ Đông Xuân cho thu hoạch rộ.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, Hiệp định EVFTA cũng là cơ hội lớn để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU.
Đáng chú ý, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường trong khối EU.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, dự báo năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.
Doanh nghiệp tiếp tục "đau đầu" vì cước vận tải
Tỉnh Lạng Sơn tiếp tục kéo dài thời hạn tạm thời dừng tiếp nhận xe chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh này để xuất khẩu sang Trung Quốc đến hết ngày 5/3, bởi lượng xe đang ùn ứ tại các cửa khẩu vẫn còn khoảng 1.900 xe, chưa kể 1.200 xe tồn ở cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh.
Trong bối cảnh đó, việc chuyển sang phương thức vận tải khác, như đường biển là phương án đang được khuyến khích. Tuy nhiên, đường biển cũng đang bộc lộ những điểm khó khiến các doanh nghiệp thiệt hại kinh tế hoặc nguy cơ mất đơn hàng.
Giá cước đi các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Trung Đông... cũng đều tăng, khiến doanh nghiệp đã phải hủy một số đơn hàng xa.
Cửa khẩu ùn ứ, một số doanh nghiệp đã phải quay sang đường biển từ cảng Hải Phòng hay các cảng phía Nam, chi phí vận chuyển đội thêm vài triệu đồng/xe. Chưa kể, nhiều lô hàng đưa về cảng, nhưng không tìm được tàu phải quay trở lại. Doanh nghiệp vừa mất phí, vừa bị hỏng hàng hóa, nhất là hoa quả tươi. Không chỉ vậy, không phải các container từ cửa khẩu về đều đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu bằng đường biển.
"Hàng hóa vận tải bằng đường biển bắt buộc phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế đề ra, đặc biệt là hàng đông lạnh, cần thêm các yêu cầu kỹ thuật cao hơn, liên quan đến bảo quản, đóng gói. Đối với hàng nông sản cần có bộ hồ sơ xuất khẩu theo quy định quốc tế, có mã số vùng trồng, có chứng thư kiểm dịch", Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang nhấn mạnh.
Cục Hàng Hải Việt Nam cũng cho biết, để giải quyết các nút thắt tại cảng biển hiện nay, Cục đã phối hợp với các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, tăng cường kiểm tra công tác niêm yết giá và đề nghị các hãng tàu nước ngoài bô sung thêm tàu, container, kêu gọi giảm giá cước cũng như dịch vụ liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này.
Cơ hội cho gia vị và hương liệu Việt Nam sang Ấn Độ
Thông tin này được ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam - Ấn Độ ngày 23/2.
Hội nghị do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Ủy ban Gia vị Ấn Độ và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức.
Theo ông Lê Hoàng Tài, Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia nằm trong Top đầu thế giới về trồng, sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng gia vị. Nếu Ấn Độ được mệnh danh là thiên đường của các loại bột và hạt gia vị như nghệ tây, bạch đậu khấu, đinh hương, nghệ, ớt.... thì Việt Nam nổi tiếng là nước có sản lượng thu hoạch và số lượng xuất khẩu hạt tiêu đứng vị trí số 1 toàn cầu trong suốt 18 năm qua cùng đa dạng các loại rau gia vị có mùi thơm đặc biệt, nhiều loại gia vị thực vật như quế, hồi, thảo quả, thanh trà, nhiều loại gia vị nguồn gốc vô cơ hoặc hữu cơ như nước mắm, muối, gia vị hữu cơ lên men như dấm, mẻ, thính gạo...
Nhiều loại gia vị của Việt Nam và Ấn Độ có chất lượng cao, đa công dụng đối với sức khỏe, góp phần quan trọng tạo nên hương vị cho món ăn và làm nên giá trị đặc sắc, khác biệt của nền ẩm thực hai nước so với thế giới.
Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu gia vị và hương liệu của thế giới đang có xu hướng tăng lên trong khi một số nguồn cung giảm lượng xuất khẩu do những bất cập gây ra từ đại dịch Covid-10. Đây là tín hiệu tốt cho các mặt hàng gia vị của Việt Nam và Ấn Độ.
Trong số các loại gia vị của Việt Nam, hạt tiêu đã rất nổi tiếng và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Đến nay, hạt tiêu Việt Nam đã có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm đến 60% hạt tiêu xuất khẩu trên thế giới.
Hạt tiêu và nhiều loại gia vị khác của Việt Nam như quế, hồi... được người tiêu dùng Ấn Độ rất ưa chuộng sử dụng.
Một số doanh nghiệp Việt Nam ngày nay đang phát triển thêm những sản phẩm gia vị phối trộn kết hợp từ nhiều loại gia vị khác nhau để cho ra những loại gia vị mới với hương vị đặc trưng, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người Ấn Độ.
(tổng hợp)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận