Xuất khẩu hàng Việt qua sàn thương mại điện tử Amazon
Đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon chính là giải pháp để doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới với thời gian, chi phí thấp nhất.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo xu hướng xuất khẩu toàn cầu thông qua nền tảng Amazon do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, ngày 19/7.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, internet và thông tin mạng phát triển bùng nổ giúp con người dễ dàng kết nối, giao tiếp với nhau thông qua các ứng dụng công nghệ hiện đại. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển.
Thương mại điện tử có đặc trưng là phát triển trên nền tảng công nghệ, phương thức tiếp thị đa kênh, khai thác nguồn dữ liệu nguồn khiến sản phẩm, dịch vụ tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn thương mại truyền thống rất nhiều.
Bên cạnh đó các dịch vụ như vận chuyển, giao hàng cũng phát triển nhanh đã hỗ trợ đắc lực cho thương mại điện tử trở thành kênh thương mại quen thuộc của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn thương mại lớn trên thế giới và ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử trực tiếp đến tay người tiêu dùng toàn cầu năm 2018 đạt 2.774 tỷ USD, đến cuối năm 2019 ước tính sẽ đạt 3.305 tỷ USD và dự báo đến năm 2021 doanh thu thương mại điện tử sẽ đạt trên 4.470 tỷ USD.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận thị trường, cải thiện hệ thống phân phối, giảm chi phí tiếp thị, bán hàng, mặt bằng, đồng thời tăng sự tương tác giữa người bán và người mua từ đó đáp ứng tốt hơn nhu của khách hàng.
Theo ông Phạm Thiết Hòa, có tới 98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Các doanh nghiệp này có nguồn vốn và công nghệ còn hạn chế do đó việc khai thác các kênh bán hàng, xuất khẩu tiết kiệm chi phí là rất quan trọng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới thông qua nền tảng thương mại điện tử, ITPC đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua việc hợp tác với các sàn thương mại điện tử; trong đó có Amazon.
Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, sau 2 thập kỷ hình thành và phát triển, Amazon ngày nay đã trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới được hàng triệu người tín nhiệm.
Chỉ riêng tại thị trường Mỹ, gần 70% người mua hàng trực tiếp truy cập vào kênh bán lẻ này để tìm kiếm sản phẩm, thậm chí khi muốn mua hàng từ website khác, 80% khách hàng vẫn đọc nhận xét và so sánh giá bán tại Amazon để đưa ra lựa chọn cuối cùng.
Do đó, trong thời gian tới, việc sử dụng Amazon như một kênh quảng cáo mới đầy hiệu quả sẽ trở thành xu hướng tất yếu cho các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia; trong đó có Việt Nam.
Chính vì vậy, việc tận dụng nền tảng thương mại và số lượng khách hàng sẵn có của Amazon sẽ giúp các doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình đến với các nhà phân phối và người tiêu dùng một cách nhanh chóng, tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí. Qua đó, từng bước giúp doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu ra phạm vi toàn cầu.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu thông qua nền tảng Amazon, ông Trần Qúy Hiển, quản trị FBA Freedom Group (hội nhóm các nhà bán hàng trên Amazon) cho biết, tỷ lệ người truy cập quyết định mua hàng trên Amazon rất cao, đạt 30% vào ngày thường và có thể lên tới 60% trong các dịp lễ, trong khi các sàn thương mại điện tử khác tỷ lệ này chỉ khoảng 1%.
Điều này có nghĩa là khi doanh nghiệp đưa hàng hóa lên sàn thương mại của Amazon thì khả năng tiếp cận khách hàng và bán được sản phẩm sẽ cao hơn nhiều lần so với các nền tảng khác, nhờ đó doanh thu sẽ được cải thiện đáng kể.
Theo ông Trần Qúy Hiển, các mặt hàng đang bán chạy trên Amazon hiện nay là sách, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, đồ điện tử, hàng gia dụng, sản phẩm nhà bếp, văn phòng phẩm…Trong đó Việt Nam có nhiều sản phẩm tự nhiên như dầu dừa, dầu gấc, dầu tràm, hàng thủ công, đồ da, giày dép cũng như các thương hiệu đồ gia dụng, văn phòng phẩm có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài.
Tuy nhiên, để có thể tiếp cận và duy trì được hoạt động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử toàn cầu như Amazon, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm đã cam kết với sàn và chấp nhận sự cạnh tranh trực tiếp từ những sản phẩm tương tự ngay trên một nền tảng bán hàng.
Vì vậy doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu phát triển sản phẩm, ứng dụng các công cụ công nghệ nhằm gia tăng khả năng tương tác và mang lại những dịch vụ, trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận