Xuất khẩu gạo Việt Nam lập kỷ lục với gần 4,7 tỉ USD trong năm qua
Kết thúc năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt hơn 8,131 triệu tấn với trị giá đạt gần 4,7 tỉ đô la Mỹ. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng cuối cùng của năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 492.387 tấn với trị giá đạt gần 339 triệu đô la Mỹ, giảm lần lượt 18% về lượng và 15,4% về giá trị so với tháng trước đó.
Kết quả nêu trên giúp đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam đạt 8,131 triệu tấn, với trị giá đạt gần 4,7 tỉ đô la Mỹ tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, con số nêu trên thấp hơn ước tính trước đó được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra, đó là xuất khẩu gạo cả nước năm 2023 đạt gần 8,3 triệu tấn với trị giá 4,78 tỉ đô la Mỹ.
Trao đổi với KTSG Online, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở ĐBSCL cho biết, với tương quan về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu năm 2023 như nêu trên có nghĩa bình quân giá xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ ở mức khoảng 575 đô la Mỹ/tấn. “Xét bối cảnh tình hình ngành gạo năm vừa qua, thì đây là mức giá không hiệu quả đối với nhiều doanh nghiệp trong ngành”, vị này nói.
Xét về thị trường, một nguồn tin của KTSG Online cho biết, năm 2023, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với hơn 3,1 triệu tấn; Indonesia nhập khoảng 1,15 triệu tấn; Trung Quốc trên 908.000 tấn (phần lớn là nếp và các giống ST- PV) Ghana khoảng 576.000 tấn…
Trong khi đó, xét về doanh nghiệp xuất khẩu, Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) dẫn đầu với khối lượng khoảng 650.000 tấn; Công ty Thành Tín khoảng 647.000 tấn; Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) khoảng 508.000 tấn; Công ty Mekong khoảng 482.000 tấn; Tập đoàn Intimex khoảng 413.000 tấn; Công ty TNHH Lương thực Phương Đông khoảng 310.000 tấn…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận