menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nam Hưng

Xuất khẩu gạo sẽ 'nhộn nhịp' hơn trong tháng 5

Do nhu cầu thị trường tăng, xuất khẩu gạo trong tháng 3 gần bằng khối lượng của hai tháng đầu năm cộng lại. Xuất khẩu gạo trong tháng 4 tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu thị trường tăng đột biến. Theo dự báo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo cả năm 2023 có thể đạt trên 7 triệu tấn.

Nhu cầu tăng đột biến

Theo dự báo của Tổ chức nghiên cứu kinh tế vĩ mô Fitch Solutions thuộc Tập đoàn Fitch, dự báo năm 2023, thị trường gạo toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất hai thập kỷ khi hụt nguồn cung khoảng 8,7 triệu tấn gạo.

Fitch Solutions cho rằng sự thiếu hụt ở mức độ này đối với một trong những loại ngũ cốc được canh tác nhiều nhất thế giới được dự báo sẽ ảnh hưởng tới các nước nhập khẩu gạo lớn. Trên phạm vi toàn cầu, tác động hụt nguồn cung đã dẫn đến giá gạo đang ở mức cao nhất trong một thập kỷ qua và dự báo giá gạo sẽ vẫn neo quanh mức cao hiện tại cho tới năm 2024.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng đưa ra dự báo, sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 đạt mức gần 504 triệu tấn, giảm gần 2%, tương đương giảm gần 11,4 triệu tấn. Trong đó, sản lượng tại các nước xuất khẩu lớn giảm đáng kể đó là: Ấn Độ từ 130,29 triệu tấn xuống còn 124 triệu tấn; Pakistan giảm từ 9,1 triệu tấn xuống còn 6,6 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022, sản lượng được dự báo này ở mức thấp nhất trong 4 năm gần đây.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, do lo ngại sự thiếu hụt lương thực trên toàn cầu, giá lương thực tăng, các quốc gia nhập khẩu gạo đã tranh thủ nhập khẩu lương thực ngay từ đầu năm để tăng dự trữ. Đó cũng là lý do mà trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, thủy sản, da giày và gỗ sụt giảm mạnh thì lúa gạo vẫn là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu Quý I/2023.

"Với tình hình thế giới đang tiếp tục có nhu cầu cao về lương thực như hiện nay, VFA dự báo giá gạo sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao trong vài tháng tới", ông Nam nhận định.

Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho rằng, vụ lúa Đông xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế như thu hoạch sớm, trúng mùa, lúa có chất lượng cao nhờ thời tiết thuận lợi. Các nhà nhập khẩu gạo cũng tranh thủ mua gạo Việt Nam trong vụ Đông xuân này.

"Các hợp đồng xuất khẩu gạo giao trong tháng 5 tới giá tiếp tục được duy trì ở mức cao, với nhu cầu tăng mạnh như hiện nay và chi phí gia thành sản xuất tăng, dự báo năm 2023, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi", ông Thành kỳ vọng.

Xuất khẩu gạo sẽ 'nhộn nhịp' hơn trong tháng 5

Vụ lúa Đông xuân 2022 - 2023 nông dân ĐBSCL đã gieo trồng được gần 1,5 triệu ha, đến nay diện tích đã thu hoạch đạt trên 90%. Ảnh TC

Triển vọng tăng tốc trong Quý II

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2023, xuất khẩu gạo đạt 962.000 tấn, trị giá là 509 triệu USD, tăng 79,9% về lượng và tăng 77,9% về trị giá so với tháng trước. Đây là tháng xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Tính chung trong Quý I/2023, cả nước xuất khẩu 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Lượng gạo trong Quý I/2023 chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như ASEAN với 1,17 triệu tấn, tăng 46,4% và Trung Quốc với 340.000 tấn, tăng 90,7% so với cùng kỳ năm trước.

Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất với khối lượng 893.254 tấn, trị giá trên 450 triệu USD, tăng 32,9% về lượng và 44,8% về giá trị so với cùng kỳ. Xuất khẩu gạo cũng ghi nhận đà tăng trưởng cao ở một số thị trường như Mozambique, Đài Loan, Tanzania, Chile….

Với khối lượng nhập khẩu gần 150.000 tấn gạo trong Quý I, Indonesia đã vươn lên vị trí thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ ba của Việt Nam.

Báo cáo tháng 4 của USDA đã nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 lên mức 7,1 triệu tấn, cao hơn 300.000 tấn so với dự báo trước đó, sự điều chỉnh này chủ yếu là do nhu cầu gia tăng từ Indonesia.

Với dự báo này, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới sau Ấn Độ (22,5 triệu tấn) và Thái Lan (8,5 triệu tấn), chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, đến thời điểm này nông dân ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 90% diện tích lúa Đông xuân nên sản lượng lúa Đông xuân còn lại trên đồng không nhiều.

Trong khi nguồn cung ít nhưng nhu cầu thị trường đang tăng mạnh nhất là thị trường Trung Quốc cũng đang bắt đầu bước vào cao điểm nhập khẩu gạo bổ sung nguồn dự trữ nên hoạt động xuất khẩu gạo dự báo sẽ diễn ra sôi động hơn trong tháng 5 tới.

"Hiện nay thị trường Philippines rất chuộng các loại gạo OM18, OM5451 và DT8. Giá các loại gạo này đang dao động từ 480 - 500 USD/tấn tùy theo chủng loại và tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc lại chuộng dòng gạo ST; hiện có nhiều khách Trung Quốc tìm mua gạo ST25, do đó dự báo các loại gạo này sẽ tiếp tục có nhu cầu cao và giá cả sẽ tiếp tục được cải thiện", ông Thành phân tích.

Đại diện VFA cũng đưa ra nhận định, tình hình xuất khẩu gạo Quý II của Việt Nam sẽ tích cực hơn so với Quý I/2023. Do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, dự báo giá gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.

Theo Chủ tịch VFA Nguyễn Ngọc Nam, thực tế bước vào đầu tháng 4, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh nhất khu vực châu Á, đạt 473 - 453 USD/tấn (loại 5% và 25% tấm), tăng khoảng 10 USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 3/2022.

Xuất khẩu gạo được nhận định sẽ sôi động hơn trong những tháng tới do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông xuân, trong khi nhu cầu tại các thị trường đều tăng.

"Hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng. Tại các nước châu Âu, do xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên, đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng thì nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Việt Nam đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ lúa Đông xuân, sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt", ông Nam nhận định.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ lúa Đông xuân 2022-2023, nông dân ĐBSCL đã gieo trồng được gần 1,5 triệu ha, đến nay đã thu hoạch được trên 90% diện tích với sản lượng lúa gần 10 triệu tấn. Năm 2023, các địa phương vùng ĐBSCL đề ra mục tiêu giao trồng khoảng 3,83 triệu ha lúa, năng suất bình quân khoảng 6,27 tấn/ha, sản lượng ước đạt 24 triệu tấn lúa. Trong đó, lượng lúa hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu ước đạt khoảng hơn 13 triệu tấn, tương đương khoảng 7 triệu tấn gạo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
6 Yêu thích
3 Bình luận 5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại