menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trương Huy Hoàng

Xuất khẩu gạo, sản xuất đường “hưởng lợi” từ chu kỳ tăng giá thực phẩm

Chỉ số giá thực phẩm tăng lên mức cao kỷ lục nhất trong vòng 7 năm trở lại đây được cho là đang có những tác động tới ngành hàng xuất khẩu gạo cũng như sản xuất đường tại Việt Nam.

Xuất khẩu gạo được giá

Đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo. Điều này kéo nguồn cung đang có dấu hiệu thắt chặt ở các nước xuất khẩu gạo và các nước nhập khẩu cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu để dự phòng, từ đó đẩy giá gạo lên cao. Theo Tổ chức Lương thực quốc tế (FAO), chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) đạt trung bình 120,9 điểm trong tháng 4/2021, tăng 2 điểm (1,7%) so với tháng 3/2021 và cao hơn tới 28,4 điểm (30,8%) so với cùng kỳ. Đây là tháng tăng điểm thứ 11 liên tiếp của chỉ số này, và đưa FFPI lên chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2014. Mức tăng điểm trong tháng 4 chủ yếu được dẫn dắt bởi giá đường tăng mạnh nhất, tiếp theo là các loại dầu thực vật, sữa và ngũ cốc.

Theo FAO, nguồn cung bị gián đoạn, tỷ lệ dự trữ nông sản thấp và đồng đôla Mỹ suy yếu có thể là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao gần đây. Xu hướng giá này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do triển vọng mùa vụ năm 2021 bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao.

Việc giá lương thực thế giới tăng cao được cho là nguyên nhân chính tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt Nam. Các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán VnDirect mới đây có chỉ ra, giá gạo đã tăng khoảng 18,6% so với đầu năm theo giá lương thực thế giới. VnDirect cho rằng, các công ty sản xuất gạo sẽ mở rộng biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn tiếp theo.

Thực tế số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho thấy, kể từ đầu năm tới nay xuất khẩu gạo của Việt Nam dù giảm mạnh về lượng so với cùng kỳ nhưng giá xuất khẩu đã liên tục tăng cao, thậm chí có thời điểm còn chạm mốc 522 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Hiện giá xuất khẩu gạo 5% tấm đang ở mức xấp xỉ 500 USD/tấn, còn các loại gạo khác như Jasmine, Đài thơm 8, ST 24… cũng đều ghi nhận mức giá cao trên 600 USD/tấn. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu như Công ty CP Nông nghiệp CNC Trung An (Cần Thơ), Công ty Phước Thành IV (Vĩnh Long), Công ty TNHH Vrice (TP. Hồ Chí Minh)… đều đang có những hợp đồng dài hạn, giá tốt đi những thị trường như EU, ASEAN.

Chính việc giá gạo tăng đã góp phần giúp xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm nay dù giảm gần 11% về khối lượng nhưng giá trị tăng 1,2% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 1,9 triệu tấn và trên 1 tỷ USD. Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp CNC Trung An - chia sẻ, trong năm nay xuất khẩu gạo vẫn được hưởng lợi tốt bởi nhu cầu thị trường thế giới tăng. Đặc biệt, gạo xuất khẩu có giá cao vì chất lượng gạo của Việt Nam đã có sự thay đổi vượt bậc trong việc bỏ dần các sản phẩm gạo chất lượng trung bình.

Sản xuất đường hưởng lợi

Với mặt hàng đường, thống kê mới nhất của Tổ chức Đường thế giới cũng cho thấy, vụ 2020/2021 thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 4,8 triệu tấn đường, cao hơn mức ước tính trước đó là 3,5 triệu tấn. Chính điều này đã tác động mạnh tới giá đường, theo FAO chỉ số giá đường đạt trung bình 100 điểm trong tháng 4/2021, tăng 3,8 điểm (3,9%) so với tháng 3 và chạm mức cao hơn gần 60% so với cùng kỳ 2020. Giá đường tăng trở lại trong tháng 4/2021 chủ yếu phản ánh sức mua tăng giữa bối cảnh lo ngại nguồn cung toàn cầu niên vụ 2020/2021 giảm, tiến độ thu hoạch tại Brazil diễn ra chậm và thiệt hại do sương giá tại Pháp.

Tại Việt Nam, theo VnDirect, việc giá đường thế giới điều chỉnh tăng mạnh sẽ giúp các công ty sản xuất đường Việt mở rộng lợi nhuận trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành đường còn được hưởng lợi từ quyết định mới về thuế chống bán phá giá với mía đường nhập khẩu từ Thái Lan do Bộ Công Thương áp dụng gần đây. Thậm chí, giới phân tích còn cho rằng, giá đường vẫn còn dư địa tăng khi nhu cầu toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ trong các tháng sắp tới.

Cũng theo VnDirect, các doanh nghiệp sản xuất đường như Đường Quảng Ngãi (QNS) có thể tận dụng xu hướng tăng giá đường và mở rộng biên lợi nhuận mảng kinh doanh này do QNS có quy mô lớn thứ hai về vùng nguyên liệu mía để sản xuất đường. Trong khi đó, việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với đường Thái Lan cũng sẽ làm giúp giảm áp lực cạnh tranh đối với công ty và tăng giá bán đường trong nước.

Ngoài ra, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) cũng được cho là sẽ có cơ hội tốt từ việc tăng giá này. Được biết, 3 quý đầu năm tài chính 2020-2021 Thành Thành Công - Biên Hòa đạt doanh thu thuần 10.750 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 548 tỷ đồng, tăng 140% và lợi nhuận sau thuế đạt 480 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại