menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Tô Mai Hương

Xuất khẩu gạo "ngược dòng" tăng mạnh giữa khó khăn do COVID-19?

Cơ hội là có, song khó khăn chưa kết thúc. Trước mắt, tình trạng hạn mặn xảy ra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất lúa gạo.

Suốt từ đầu năm đến nay, trong khi hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn thì riêng mặt hàng lúa gạo lại theo chiều ngược lại...

Trung Quốc đột nhiên tăng mua gạo

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài trong hai tháng đầu năm 2020 đạt 929.000 tấn, thu về hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.

Philippines là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam, chiếm 36% trong tổng kim ngạch, đạt 357.000 tấn, tương đương 155 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 23% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng thị trường Iraq trong hai tháng đầu năm 2019 không tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng hai tháng đầu năm 2020, lượng xuất khẩu rất cao 90.000 tấn, tương đương 48 triệu USD.

Malaysia là thị trường nhập gạo Việt Nam lớn thứ ba tăng mạnh 149% về lượng và tăng 128% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 10% trong tổng lượng và chiếm 9% trong tổng giá trị xuất khẩu của gạo Việt Nam.

Đáng chú ý là gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và tăng 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu USD.

Điều này trái ngược với năm 2018, năm 2019 khi kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm mạnh, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm tới 20%.

Nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng mua gạo từ Việt Nam sau 2 năm trầm lắng theo các chuyên gia là do năm 2020 dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm khoảng1,8 triệu tấn, xuống còn 146,7 triệu tấn. Bên cạnh đó,dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, có tác động không nhỏ đến lưu thông hàng hóa toàn cầu và người dân có tâm lý tích trữ lương thực.

Nhìn chung, trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang đa số các thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngoài thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhất như trên, còn có một số thị trường cũng tăng rất mạnh như Pháp tăng 554 % về lượng và tăng 723% về kim ngạch; Đài Loan tăng 215% về lượng và tăng 258% về kim ngạch; Senegal tăng 172% về lượng và tăng 198% về kim ngạch; Nga tăng 218% về lượng và tăng 156% kim ngạch.

Lạc quan nhưng không chủ quan

Ông Phan Xuân Quế, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) chia sẻ, ngành chế biến, xuất khẩu lúa gạo đã trở thành điểm sáng xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn chung của ngành nông nghiệp.

Ông đánh giá, mấu chốt là bởi thị trường Trung Quốc - thị trường chi phối 3 triệu tấn gạo của thế giới buộc phải hạn chế xuất khẩu do tình hình dịch COVID-19. Bên cạnh đó, thị trường "đối thủ" của Việt Nam là Thái Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán nên buộc phải giảm mục tiêu xuất khẩu gạo. Những yếu tố khách quan đó khiến cho các nước tăng cường nhập khẩu gạo Việt Nam.

Một số chuyên gia nhìn nhận, ngoài thuận lợi khách quan từ nhu cầu thị trường, yếu tố chủ quan nhờ đa dạng hóa sản phẩm, có thể cung cấp nhiều phân khúc sản phẩm cho thị trường cũng là yếu tố góp phần giúp ngành chế biến, xuất khẩu gạo tận dụng tốt những cơ hội mở ra trong đầu năm nay.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu, nhiều năm nay, Tập đoàn Lộc Trời đã đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo bền vững bằng cách xây dựng các chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc kinh doanh lương thực Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, Tập đoàn đã sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, tạo vùng nguyên liệu, xây dựng các cánh đồng lớn ở nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với sự hỗ trợ của lực lượng kỹ sư ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân).

Bên cạnh đó, liên kết chặt với các hợp tác xã kiểu mới, kiểm soát chặt quy trình từ khâu trồng trọt đến phân loại lúa khi thu hoạch, chế biến tại nhà máy và xuất khẩu gạo...

Đáng chú ý, FTA Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020 cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho gạo Việt. Việc tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU dành cho Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp bất lợi trong cạnh tranh (với Thái Lan, Campuchia) và mở rộng thị trường gạo cao cấp này. Trong trường hợp tận dụng tốt EVFTA, nửa cuối năm 2020, Việt Nam có thể xuất khẩu được 40.000 tấn gạo trong hạn ngạch thuế quan và 100.000 tấn gạo tấm vào EU…

Đây là cơ hội để nhiều loại gạo của Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ vào được thị trường này.

Giá gạo Việt Nam hiện nay đang gần bằng gạo Thái, cao hơn gạo Myanmar, Pakistan và Ấn Độ - những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam."Điều này cho thấy triển vọng khả quan để thực hiện mục tiêu xuất khẩu năm 2020 là 6,7 triệu tấn, với trị giá trên 3 tỷ USD" - ông Quế cho biết.

Bộ Công Thương cũng lưu ý, thị trường toàn cầu hiện chưa có dấu hiệu khởi sắc do dịch bệnh tại Trung Quốc lan rộng. Diễn biến của dịch COVID-19 là nguyên nhân tác động đến khả năng xuất khẩu gạo và khả năng, nhu cầu, thời điểm nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Nhu cầu từ Trung Quốc (trong cả nhập khẩu và xuất khẩu) sẽ tác động đến giá cả thị trường thế giới cũng như giá cả trong nước.

Về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác được khuyến cáo cần phải đi theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định đướng quy hoạch và tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu nhằm ổn định hoạt động tiêu thụ với giá có lợi cho người nông dân, nâng cao thu nhập của người nông dân.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại