Xuất khẩu gạo 2024: Những kỳ vọng và thách thức
Ngành lúa gạo được đánh giá là trải qua một năm "được mùa được giá". Theo Bộ NNPTNT năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,29 triệu tấn gạo, giá trị 4,78 tỷ USD.
Giá lúa, gạo biến động trái chiều
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, ngày 16/1, giá lúa IR 504 ở mức 9.200 – 9.400 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 duy trì quanh mốc 9.800 – 10.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 18 ở mức 9.800 – 10.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 5451 ở mức 9.600 - 9.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Nàng Hoa 9 duy trì ổn định ở mức 10.000 – 10.200 đồng/kg, tăng 500 – 600 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.600 - 8.800 đồng/kg. Đáng chú ý, lúa gần ngày cắt ở nhiều đồng tăng cao như OM 18/ Đài thơm 8 10.400 đồng/kg; OM 5451 ở mức 10.100 đồng/kg; ST 25 ở mức 11.500 – 11.900 đồng/kg; OM 380 ở mức 9.200 đồng/kg.
Trái ngược với lúa, giá gạo các loại quay đầu giảm mạnh. Theo đó, tại các kho gạo chợ tại An Cư, Cái Bè (Tiền Giang), giá gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 ở mức 14.600 – 14.700 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 dao động quanh mức 14.100 - 14.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; ST 24 ở mức 18.500 – 18.700 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg.
Tương tự, tại Sa Đéc (Đồng Tháp), gạo thơm ở mức 14.100 – 14.300 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; thơm đẹp 14.500 – 14.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; gạo OM 5451 14.000 – 14.100 đồng/kg, giảm 300 – 400 đồng/kg; IR 504 ở mức 12.700 – 12.900 đồng/kg, giảm 200 – 300 đồng/kg; gạo ST 24 dao động quanh mốc 18.000 – 18.300 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg; ST 21 ở mức 17.300 - 17.500 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg.
Tại các kho xuất khẩu, giá gạo không có biến động. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 Việt duy trì ở mức 13.050 - 13.150 đồng/kg; gạo nguyên liệu dao động ở mức 12.900 - 13.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu Sóc Trăng ở mức 12.250 - 12.350 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 ở mức 13.700 - 13.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 ở mức 14.050 - 14.150 đồng/kg.
Ghi nhận tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hôm nay giao dịch lúa trầm lắng, sức mua yếu. Với gạo, lượng về lai rai, giao dịch cầm chừng. Giá gạo các loại ít biến động.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 25% tấm ở mức 618 USD/tấn, trong khi đó gạo 5% tấm giữ ổn định ở mức 653 USD/tấn, theo số liệu trên báo Công Thương.
Dự báo giá lúa gạo năm 2024 sẽ tiếp tục ở mức cao
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, mang về giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục kể từ năm 1989 khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo. Đặc biệt, gạo ST25 của Sóc Trăng tiếp tục đoạt giải "Gạo ngon nhất thế giới". Từ những gì đạt được, có thể thấy giá trị gạo Việt Nam trên thế giới được khẳng định khi các đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng đều ưa chuộng gạo Việt Nam.
Thông tin trên Tổng Cục Hải Quan, nhận định về tình hình giá gạo Việt Nam trong năm 2023, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An khẳng định, giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan không phải ăn may mà có sự đầu tư thật sự. Việt Nam có lợi thế hơn hẳn so với Thái Lan về bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao. Trên cơ sở đó, ông Bình cho rằng năm 2024 có thể sẽ tốt hơn năm 2023 nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội thị trường, do nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cũng dự báo giá lúa gạo trong năm 2024 và trong tương lai vẫn giữ ở mức cao, Việt Nam nên tận dụng cơ hội sản xuất, xuất khẩu để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân. Bởi những năm trước giá gạo xuất khẩu luôn ở mức thấp, mức giá hiện tại mới phù hợp với công sức của nông dân.
“Các ban ngành, tổ chức, nông dân và doanh nghiệp có sự gắn kết hơn trong tương lai để giữ vững giá trị của hạt gạo Việt Nam góp phần phát triển đất nước”, ông Trọng bày tỏ.
Thông tin từ thị trường Philippines, ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines lên tới 3,5- 4 triệu tấn/năm và Việt Nam là đối tác số 1 về gạo của nước này.
Ông Thành chỉ ra một số lợi thế của gạo Việt Nam tại thị trường Philippines như phẩm chất phù hợp người dân nước này, từ người nghèo đến người có thu nhập cao và giá cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có mối quan hệ lâu năm, tạo dựng được uy tín với đối tác nhập khẩu tại đây và còn gần về vị trí địa lý với Philippines.
Theo ông Thành, dư địa thị trường Philippines còn lớn để Việt Nam có thể khai thác tiếp. Do đó, bên cạnh việc mở rộng thị trường mới, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần giữ thị trường Philippines.
Bên cạnh đó, cần quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu. ông Thành bày tỏ sự trăn trở đối với việc mặc dù là nguồn cung gạo số 1 cho Philippines, nhưng rất nhiều người dân Philippines dù ăn gạo Việt Nam nhưng lại không hề biết.
Năm 2024 thế giới thiếu khoảng 7 triệu tấn gạo
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Đi
Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt dự báo, giá gạo năm 2024 sẽ tăng - giảm phụ thuộc vào 2 yếu tố chính, chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ và biến đổi khí hậu El Nino.
Đặc biệt, bất cứ động thái nào của Ấn Độ về chính sách xuất khẩu lúa gạo sẽ tác động ngay tới thị trường thế giới. Tuy vậy, một số tổ chức tài chính thế giới vẫn dự báo giá lúa gạo 2024 vẫn ở mức độ cao, nhưng khó được như năm 2023.
Theo đó, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu năm 2024 gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha lúa, đảm bảo sản lượng trên 43 triệu tấn thóc, đảm bảo đủ an ninh lương thực trong mọi tình huống, hoàn cảnh; đồng thời xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo.
Năm 2024, Cục trưởng Cục Trồng trọt kỳ vọng lượng gạo xuất khẩu sẽ tương đương năm 2023 nhưng giá cả còn phụ thuộc năng lực của chính các doanh nghiệp trong đàm phán, nắm bắt cơ hội thị trường.
Năm 2023 Việt Nam chi gần 900 triệu USD nhập khẩu gạo
Thông tin từ Bộ NNPTNT, trong năm 2023 nước ta xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, giá trị đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022. Theo đó, gạo trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau gỗ và sản phẩm gỗ, thuỷ sản.
Giá gạo xuất khẩu trong năm vừa qua cũng lập kỷ lục lịch sử khi đạt 663 USD/tấn, đứng đầu trong các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới.
Gạo Việt Nam xuất khẩu sang hầu khắp các thị trường chủ lực đều tăng mạnh. Trong đó, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm ngoái. Đây cũng là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm vừa qua.
Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc cũng tăng 30,7%, đạt 530 triệu USD.
Đáng chú ý, đơn hàng gạo xuất khẩu sang Indonesia bùng nổ, đạt kim ngạch 640 triệu USD, tăng đột biến 992% so với năm 2022. Theo đó, Indonesia vươn lên thành khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt, chỉ đứng sau Philippines.
Dù là cường quốc xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, thế nhưng trong năm 2023, nước ta cũng chi ra 860 triệu USD để nhập khẩu gạo từ các quốc gia. Trong đó chủ yếu nhập từ Campuchia và Ấn Độ...
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho biết, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo an ninh lương thực và dư lượng lớn gạo để xuất khẩu. Tuy nhiên, nước ta vẫn nhập khẩu một số sản phẩm gạo từ các quốc gia để phục vụ nhu cầu sản xuất chế biến và làm thức ăn chăn nuôi.
Theo Bộ NNPTNT, năm 2023, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn xuất siêu gần 3,92 tỷ USD.
Nhiều dự báo cho thấy, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động, song nguồn cung gạo thiếu hụt so với nhu cầu. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 sẽ neo cao và có thể đạt trên 700 USD/tấn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận