menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hải Vân

Xuất khẩu cá tra sẽ ra sao trước bài toán giá thành tăng cao?

Dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, cước vận chuyển vẫn chưa hạ nhiệt, giá thức ăn tăng mạnh kéo giá thành tăng cao, rồi những thay đổi ở thị trường Trung Quốc... là những yếu tố tiếp tục gây khó cho ngành cá tra năm 2021.

Dù có nhiều lợi thế do nhu cầu thị trường có thể phục hồi cùng tác động tích cực từ các FTA như EVFTA và UKVFTA, song xuất khẩu cá tra năm 2021 vẫn phải đối mặt với không ít thách thức liên quan đến rào cản thương mại, logistics và dịch Covid-19.

Thị trường Trung Quốc vẫn là ẩn số

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kết thúc năm 2020, xuất khẩu cá tra chỉ mang về trên 1,54 tỷ USD, giảm mạnh 23% so với năm 2019. Kết quả này không quá bất ngờ bởi ngay từ đầu năm 2020, ảnh hưởng dịch Covid-19 và những tác động từ nhu cầu suy giảm đã kéo kim ngạch cá tra liên tục sụt giảm.

Trung Quốc là thị trường quan trọng của cá tra Việt Nam khi vượt Mỹ trở thành thị trường dẫn đầu trong năm 2019. Nhưng qua năm 2020 nhu cầu tại nước này chứa đựng nhiều bất ổn.

Là quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên Trung Quốc phải hứng chịu hậu quả vì đóng cửa ngành dịch vụ thực phẩm, nhu cầu tiêu thụ gần như bị tê liệt. Vì thế giá cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp so với nhiều năm. Đến giữa năm 2020, Trung Quốc tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu tại các cửa khẩu với lý do ngăn chặn virus corona lây lan, khiến xuất khẩu cá tra đã khó càng thêm khó.

Theo một nhà phân tích thị trường, tháng 12/2020, Trung Quốc tăng cường kiểm soát biên giới dẫn tới giao thương ách tắc, tình hình này kéo dài và tệ hơn qua cả tháng 1/2021.

Giá cá tại thị trường nội địa đã rơi xuống “đáy” mức 19.700 đồng/kg (0,85 USD/kg) nhưng giá xuất khẩu ổn định. Giá xuất khẩu trung bình sang EU khoảng 2,2 USD/kg, sang Trung Quốc khoảng 1,8 USD/kg và sang Mỹ khoảng 2,55 - 2,6 USD/kg. Mức giá này ổn định từ đầu tháng 12 và có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 1/2021.

Xuất khẩu cá tra sẽ ra sao trước bài toán giá thành tăng cao?

Nguồn: VASEP

Tháng đầu năm 2021, thị trường Trung Quốc và châu Âu mua hàng rất ít do chưa ổn định sau nhiều làn sóng Covid. Năm mới của Trung Quốc diễn ra vào ngày 12/2, chuẩn bị cho dịp này, các trại nuôi cá tra cũng sẵn sàng thu hoạch.

“Có thông tin các kho lạnh bên Trung Quốc đã trống. Nhưng câu hỏi đặt ra là khi nào Trung Quốc sẽ nhập khẩu trở lại, lúc đó có thể họ sẽ trở lại mua hàng rất ồ ạt, và giá cá sẽ tăng lên trong vài tuần, vài tháng nhưng không kéo dài. Điều đó có thể khiến giá cá tăng vọt và người nuôi phấn khích đào ao, thả nuôi khiến cung vượt cầu trong 9 tháng giống như chu kỳ bùng nổ mà ngành cá tra Việt Nam đã từng trải qua”, nhà phân tích trên nói.

Cước vận chuyển tăng chóng mặt khiến cá tra mất lợi thế

Theo đại diện của Siam Canada, thị trường cá tra đầu năm 2021 khá yên ắng và ổn định, nhiều hộ nuôi chưa sẵn sàng bắt đầu vụ nuôi mới vì giá cá giống, giá thức ăn tăng mạnh từ cuối năm 2020, giá vận chuyển hàng hóa thì tăng chóng mặt.

EU là một trong những thị trường chính của cá tra Việt Nam nhưng hiện nay giá cả không còn là lợi thế của cá tra so với các sản phẩm cá thịt trắng khác do chi phí đầu vào lớn, những chi phí này là “tâm điểm” cho sản xuất cá tra ở Việt Nam từ năm 2020, thậm chí cả năm 2021.

Giá thức ăn chăn nuôi đang tăng, chủ yếu là do đậu nành, các chi phí khác như: điện, nước, thậm chí cả găng tay cũng tăng. Vì thế, giá bán sẽ không thể được cải thiện do chi phí sản xuất lớn. Nhìn vào chỉ số Nasdaq về bột đậu nành cho thấy, giá bột đậu nành gần đây đã vượt qua mức 460 USD/tấn, mặc dù giá có giảm nhẹ sau đó vào tháng 8/2020, mức thấp nhất là 286 USD/tấn. Chi phí ngày càng tăng có thể khiến người nuôi thả giống một cách cầm chừng.

“Không giống như nuôi tôm, có thể nuôi 3 vụ/năm. Vụ nuôi cá tra kéo dài tới 9 tháng, nếu người nuôi bỏ qua một vụ coi như dừng kinh doanh. Do đó, lỗ lời với sản xuất cá tra như thể một trò chơi. Vấn đề cần phải bàn ở đây là các công ty sẽ giải quyết bài toán gia tăng chi phí sản xuất như thế nào trong khi hoạt động kinh doanh của họ chưa vực lên được? Tôi nghĩ họ đang nhìn năm 2021 với nhiều thử thách hơn so với năm 2020”, đại diện của Siam Canada nói.

Một nhà nhập khẩu ở EU và Mỹ cho rằng, chi phí vận chuyển hàng hóa đang là vấn đề lớn của họ lúc này.

“Vận chuyển hàng hóa là vấn đề lớn mà chúng tôi đang nói tới, và câu hỏi lớn bây giờ là người tiêu dùng Trung Quốc sẽ làm gì, Trung Quốc có tiếp tục kiểm tra Covid đối với hàng nhập khẩu, và việc Trung Quốc mua hàng chậm lại trong một thời gian là lý do khiến chúng tôi không thấy giá tăng ở thị trường của mình”, Don Kelley, nhà nhập khẩu Western Edge Seafood của Mỹ nói.

Còn theo ông Đỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Việt (Navico), giá cước vận chuyển là vấn đề nhức nhối trong những tháng cuối năm 2020, với chi phí tăng gấp 2 hoặc gấp 3 lần, và điều này đã dẫn đến kinh doanh có thể thua lỗ 20-30%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả