Xuất khẩu cá tra dự báo cán đích 2 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dự báo kim ngạch cá tra xuất khẩu cả năm sẽ đạt 2 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2022.
Ngày 5/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị An toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu (XK) cá tra Việt Nam đạt 873 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022. Sản phẩm cá tra đã được xuất sang 140 thị trường trên thế giới. XK cá tra những tháng gần đây cho thấy biên độ giảm đã được thu hẹp đáng kể…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tại các thị trường như Mỹ, lạm phát đang dần hạ nhiệt, tạo điều kiện kích thích người tiêu dùng; thời điểm cuối quý II, đầu quý III là kỳ tích trữ kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ cho mùa cao điểm lễ hội cuối năm.
Bên cạnh đó, số lượng cá tra tồn kho ở nhiều nước đang giảm dần… Dự báo kim ngạch cá tra XK cả năm sẽ đạt 2 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2022.
Quang cảnh hội nghị. |
Tuy nhiên, VASEP cũng đánh giá, chưa có những dấu hiệu rõ ràng cho sự phục hồi trong những tháng tiếp theo khi đơn đặt hàng vẫn còn rất chậm tại những thị trường XK trọng điểm là Mỹ và Trung Quốc; chưa có dấu hiệu để kỳ vọng sự bật dậy của thị trường trong quý 3 và quý 4 năm nay.
Về giá XK, mặc dù đã có tín hiệu cho thấy XK cá tra của Việt Nam được cải thiện trong quý II so với quý I, nhưng giá cá tra XK sang các thị trường vẫn đi ngang hoặc có chiều hướng giảm.
Cụ thể, trong tháng 6, giá cá tra trung bình sang thị trường Mỹ chỉ đạt 3,5 USD/kg, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 4% so với tháng 5. Tương tự, giá cá tra trung bình tại thị trường Trung Quốc đạt 2,2 USD/kg, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 5% so với tháng 5/2023.
Xuất khẩu cá tra chưa có những dấu hiệu rõ ràng cho sự phục hồi. |
Bên cạnh tình hình XK sụt giảm, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) chuỗi sản xuất, chế biến cá tra cũng đáng lo ngại. Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong 6 tháng đầu năm, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số cơ sở nuôi còn phát hiện sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong trong nuôi cá tra và không được xử lý triệt để; một số cơ sở duy trì điều kiện vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị chưa tốt.
Tình trạng lạm dụng phụ gia, mạ băng dẫn đến giảm uy tín sản phẩm tại một số thị trường nhập khẩu (Braxin, EU); số cơ sở chế biến tự xây dựng chuỗi sản xuất, vận chuyển, chế biến đảm bảo ATTP chưa nhiều.
Ngoài ra, công tác quản lý điều kiện nuôi trồng và điều kiện đảm ATTP đối với cơ sở nuôi, cơ sở ương giống còn nhiều hạn chế, tỷ lệ cơ sở ương giống được chứng nhận, giám sát thực hiện cam kết thấp; kết quả quản lý của cơ quan địa phương chưa phản ánh đúng thực tế điều kiện của các cơ sở.
Thông tin về việc chuẩn bị có đoàn thanh tra của Mỹ sang để kiểm tra về ATTP, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các đơn vị liên quan và các địa phương, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh rà soát, khắc phục lỗi trong công tác đảm bảo ATTP. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của các thị trường quốc tế, nhất là Mỹ; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các điều kiện sản xuất theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy thị trường cá tra phát triển trong thời gian tới…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận