menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hà Diệu Thu

Xu thế dòng tiền: Nhịp hồi đã “tắt sóng”?

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán đã suy giảm do nhà đầu tư bắt đáy t3 không có lãi. Làn sóng covid thứ 4 và giãn cách xã hội lần thứ 2 tạo nên những rủi ro mới, lấn át kết quả kinh doanh quý 2/2021 tích cực.

Nhà đầu tư đã có cơ hội kiếm lợi nhuận bắt đáy đủ một vòng T+3 đầu tiên và phiên cuối tuần qua thị trường lại quay đầu giảm rất mạnh. Các ý kiến chuyên gia mà VnEconomy tham khảo tỏ ra không đồng thuận về cơ hội ngắn hạn.

Điểm nhấn chung là nhịp phục hồi tuần qua được đánh giá hoàn toàn dưới góc độ kỹ thuật. Thị trường phục hồi nhờ yếu tố giảm giá cổ phiếu mạnh, kích thích lực cầu bắt đáy và đẩy giá tăng trở lại. Các chuyên gia không cho rằng yếu tố hỗ trợ cơ bản như kết quả kinh doanh tạo nên nhịp hồi này.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng do hoạt động bắt đáy thuần túy kỹ thuật nên thanh khoản đã sụt giảm mạnh. Nhà đầu tư mua vào ít khi thị trường tăng nhưng bán nhiều khi thị trường giảm, do hành động sửa sai liên tục và cường độ biến động mạnh.

Về triển vọng của nhịp tăng ngắn hạn hiện tại, các chuyên gia không có ý kiến thống nhất. Quan điểm đa số thận trọng cho rằng khả năng phục hồi cao hơn là thấp. Lý do là rủi ro bắt đáy sai khá nhiều, cộng với các nhóm cổ phiếu lớn chưa có dấu hiệu tạo đáy. Quan điểm tích cực nhận định thị trường vẫn đang có một đáy ngắn hạn nên chừng nào chưa giảm đến mức vi phạm đáy này thì vẫn còn cơ hội cho nhịp tăng.

Đánh giá về rủi ro 1-2 tháng tới, các chuyên gia đều đồng thuận về nguy cơ lớn nhất liên quan đến biến chủng Delta và tình hình dịch bệnh lan rộng khiến Việt Nam phải áp dụng thêm các biện pháp giãn cách xã hội mạnh hơn. Khi số ca nhiễm mới giảm xuống để xác nhận đạt đỉnh dịch cộng với tiến độ tiêm vaccine tăng tốc thì thị trường chứng khoán có thể tạo đáy.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thị trường rung lắc mạnh trong các nhịp T+3 tuần qua. Ngay cả những nhóm cổ phiếu hấp dẫn nhất như ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí... cũng bị chốt lời rất mạnh. Anh chị đánh giá dòng tiền bắt đáy tuần qua như thế nào?

Xu thế dòng tiền: Nhịp hồi đã “tắt sóng”?
Thị trường vừa chứng kiến một nhịp rơi khá nhanh và mạnh, nhiều nhà đầu tư đã bán và chưa tham gia lại thị trường khi lo ngại rủi ro dịch bệnh trong ngắn hạn, từ đó khiến giá cổ phiếu khó tăng được mạnh và dòng tiền yếu. (Ông Nguyễn Việt Quang)

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Thị trường tuần qua trải qua các nhịp tăng/giảm đan xen với thanh khoản suy yếu. Lực cầu bắt đáy dù đã xuất hiện ở 1 vài phiên, tuy nhiên lực mua không quá mạnh và cũng không duy trì lâu. Các nhóm cổ phiếu có tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí… chưa cho tín hiệu tin cậy về khả năng sớm quay trở lại xu hướng tăng giá.

Nhìn chung, tôi thấy tín hiệu của thị trường chưa thực sự tích cực, và điều này cũng phù hợp với bối cảnh vĩ mô khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới chưa có dấu hiệu tạo đỉnh.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Thị trường đang trong nhịp điều chỉnh khi đã giảm hơn 10% kể đỉnh gần nhất, thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HSX tiếp tục suy giảm về mức thấp nhất 12 tuần, chỉ đạt hơn 16.400 tỷ đồng trong tuần vừa qua trong khi mức cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 6 là 25.000 tỷ đồng.

Chỉ số VN-Index giảm liền 3 tuần liên tiếp, qua đó đã lôi kéo được dòng tiền vào bắt đáy. Theo thống kê vòng bắt đáy trong tuần vừa qua đã mang lại thành quả cho nhà đầu tư sau các nhịp không thành công trước đó. Đây là hoạt động bắt đáy thuần túy về mặt kỹ thuật nên dòng tiền giản ngân cũng rất hạn chế, nhà đầu tư thường chốt lời hoặc sửa sai khi thị trường rung lắc mạnh. Do vậy, thanh khoản ở các phiên thị trường tăng thường thấp và khi thị trường giảm thanh khoản cao hơn.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi thấy dòng tiền bắt đáy chưa thực sự thuyết phục. Nhiều nhóm cổ phiếu đang có dấu hiệu điều chỉnh thêm, nhà đầu tư vẫn nghĩ đến kịch bản thị trường giảm thêm để có lý do để hạn chế giải ngân cũng như giao dịch cầm chừng.

Cũng cần nói thêm giai đoạn tháng 7 cũng là thời điểm không phải hoàn toàn thuận lợi cho giao dịch cổ phiếu khi mà cùng lúc khoảng trống thông tin hỗ trợ, nhiều thông tin liên quan đến dịch bệnh, kết quả kinh doanh cũng đã phần nào phản ánh vào diễn biến giá cá cổ phiếu.

Ông Lâm Gia KhangPhụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank

Thanh khoản trong tuần qua ở mức rất thấp, nhất là khi so sánh với thời điểm trước khi vận hành hệ thống mới. Cùng với đó, các phiên giảm điểm lại ghi nhận thanh khoản cao hơn các phiên tăng, cho thấy áp lực bán có xu hướng mạnh hơn lực cầu từ dòng tiền bắt đáy.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi thấy dòng tiền bắt đáy nhịp này tương quan với các nhịp đáy trước đây đều không có gì biến động nhiều, phiên giảm cuối luôn là phiên thanh khoản cao và thường quanh trung bình 20 ngày.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thị trường tuần qua dồn dập đón nhận kết quả kinh doanh quý 2. Tuy nhiên giá cổ phiếu phản ứng rất hạn chế. Đây có thể là do giá đã tăng phản ánh trước thông tin. Vậy anh chị có lo ngại sau đây thị trường hết thông tin hỗ trợ, diễn biến sẽ tiêu cực hơn trong ngắn hạn?

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi tin là vậy, có nhiều lý do để giải thích việc thị trường đang có diễn biến điều chỉnh hoặc có thể điều chỉnh thêm. Nên trong bối cảnh hiện tại, tâm lý nhà đầu tư đang xuống thấp, thị trường sẽ điều chỉnh thêm trước khi tạo nền tảng ổn định, cân bằng hơn, mức giá nhiều cổ phiếu quay trở lại mức hấp dẫn các nhà đầu tư.

Xu thế dòng tiền: Nhịp hồi đã “tắt sóng”?
Tác động từ các con số tăng trưởng lợi nhuận quý 2 đến thị trường là khá hạn chế do sự chú ý của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại đang tập trung vào diễn biến dịch Covid-19 và mức độ tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 3. (Ông Trần Đức Anh)

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Theo tôi mức giảm gần 14% kể từ đỉnh (tính theo mức giá thấp nhất) của chỉ số VN-Index sau 3 tuần giảm liên tiếp cũng đã phản ánh những rủi ro trong ngắn hạn mà thị trường có thể bị tác động. Trong ngắn hạn, thị trường đang dõi theo diễn biến từ làn sóng càn quét của biến thể Delta, do vậy đây sẽ là chỉ báo cho thị trường hơn là việc lo ngại thị trường đã hết thông tin hỗ trợ.

Bên cạnh đó trong vòng 1,5 năm qua, mỗi khi kinh tế gặp khó khăn từ Covid, nhà đầu tư lại có thói quen kỳ vọng một biện pháp kích thích nào đó để hỗ trợ nền kinh tế, qua đó tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Việc Chính phủ trình duyệt 2,87 triệu tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hay Mỹ đã không còn dọa áp thuế lên hàng hóa Việt Nam sau khi hai quốc gia tiến tới thỏa thuận về tiền tệ, trong đó đất nước hình chữ S sẽ cho phép tiền đồng biến động linh hoạt hơn,…hoặc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, v.v…có thể là các thông tin hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi giá tăng đã phản ánh một phần nào kết quả kinh doanh và điều đó góp phần nào vào giá cổ phiếu phản ứng hạn chế, nhưng đó không phải là tất cả lý do. Thị trường vừa chứng kiến một nhịp rơi khá nhanh và mạnh, nhiều nhà đầu tư đã bán và chưa tham gia lại thị trường khi lo ngại rủi ro dịch bệnh trong ngắn hạn, từ đó khiến giá cổ phiếu khó tăng được mạnh và dòng tiền yếu.

Hiện tại những thông tin xấu nhất đã ra rồi thì tôi nghĩ giai đoạn tới thị trường sẽ ổn thôi.

Ông Lâm Gia KhangPhụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank

Tôi cho rằng rõ ràng dòng tiền đang e ngại khi liên tục bắt đáy không thành công, khiến thanh khoản ngày càng giảm. Để thu hút dòng tiền tham gia trở lại, thị trường có lẽ cần có mức chiết khấu hấp dẫn hơn, nhất là khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và xuất hiện khoảng trống thông tin sau khi kết quả kinh doanh quý 2 được công bố.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Lợi nhuận quý 2 trong tuần qua công bố ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhìn chung là khá tích cực. Dù vậy, tác động từ các con số tăng trưởng lợi nhuận quý 2 đến thị trường là khá hạn chế do sự chú ý của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại đang tập trung vào diễn biến dịch Covid-19 và mức độ tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 3.

Nhìn chung, tôi không lo ngại việc thị trường thiếu thông tin hỗ trợ trong thời gian tới, xét trong bối cảnh triển vọng thị trường trong ngắn/trung và dài hạn ở thời điểm hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình dịch bệnh, thời điểm số ca nhiễm mới tạo đỉnh, thời điểm các hoạt động kinh tế dần được khôi phục và xa hơn là tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19.

Xu thế dòng tiền: Nhịp hồi đã “tắt sóng”?
Trong ngắn hạn, thị trường đang dõi theo diễn biến từ làn sóng càn quét của biến thể Delta, do vậy đây sẽ là chỉ báo cho thị trường hơn là việc lo ngại thị trường đã hết thông tin hỗ trợ. - Ông Ngô Quốc Hưng
Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuần trước anh chị cũng đã đề cập đến khả năng xuất hiện một nhịp hồi ngắn. Vậy những gì diễn ra tuần qua khiến anh chị thất vọng hay hài lòng về mức phục hồi này? Liệu dư địa cho nhịp hồi ngắn hạn này còn kéo dài hơn hay không?

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi cho rằng nhịp hồi này cũng đã đủ T+ cho nhà đầu tư bắt đáy. Đáy là một vùng và cần có thời gian tạo đáy (có thể 2 đáy, 3 đáy, ….). Theo tôi dư địa hồi phục vẫn sẽ tiếp diễn.

Ông Lâm Gia KhangPhụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank

Trong tuần qua thị trường đã có một nhịp hồi ngắn đủ T3 từ mức 1.225 điểm khi nhiều doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý 2. Với lượng cổ phiếu bị “kẹp” ở vùng đỉnh rất lớn thì diễn biến này vẫn khiến tôi hài lòng.

Về dư địa tăng tiếp của nhịp hồi, khả năng xảy ra khá thấp khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là gánh nặng đẩy chỉ số xuống mức thấp hơn, trong khi hiệu ứng kết quả kinh doanh từ các trụ khác chỉ có thể giúp thu hẹp đà giảm.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Việc thị trường hồi trở lại vùng 1.295 – 1.300 điểm cũng đã đạt yêu cầu của sóng hồi dưới quan điểm kỹ thuật nhưng không thoải mãn các nhà đầu tư lướt sóng “bắt T+, bắt đáy”. Chọn cổ phiếu cũng không dễ để có lợi thế khi hàng về tài khoản. Tất nhiên chọn đúng các cổ phiếu bất động sản hoặc kiên trì nắm giữ từ trước cũng có những lợi thế lớn.

Tôi không nghĩ thị trường sẽ hồi tiếp mà như những gì đã xảy ra, thị trường “đổ đèo” ngay khi chạm ngưỡng kháng cự mạnh và giảm về mức cản dưới. Tôi đang nghĩ về các mốc thấp hơn 1.230 – 1.200 điểm và sâu hơn.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Trong tuần trước tôi có đưa ra kỳ vọng nhịp hồi phục sẽ xuất hiện trong kịch bản số ca nhiễm mới cho dấu hiệu đi xuống nhờ các biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt được áp dụng tại TP Hồ Chí Minh. Trên thực tế, dự báo trên đã không xảy ra khi mà số ca nhiễm mới vẫn đang liên tục đi lên và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.

Đối với dự báo thị trường cho 1 -2 tuần tới, tôi tiếp tục duy trì nhận định nếu số ca nhiễm mới cho thấy xu hướng giảm đáng tin cậy, thị trường sẽ nhanh chóng quay trở lại xu hướng hồi phục khi mà các tác động tiêu cực lên kinh tế vĩ mô và doanh nghiệp mới ở mức chấp nhận được.

Xu thế dòng tiền: Nhịp hồi đã “tắt sóng”?
Tôi không nghĩ thị trường sẽ hồi tiếp mà như những gì đã xảy ra, thị trường “đổ đèo” ngay khi chạm ngưỡng kháng cự mạnh và giảm về mức cản dưới. Tôi đang nghĩ về các mốc thấp hơn 1.230 – 1.200 điểm và sâu hơn. (Ông Lê Đức Khánh)

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

So với các vòng bắt đáy trước đó, tuần vừa qua là vòng bắt đáy mà nhà đầu tư có lãi đầu tiên trong nhịp giảm 3 tuần vừa qua. Theo thống kê, thị trường tuần vừa qua phục hồi từ 3% đến 5,2% kể từ mức đáy, thì đối với các cổ phiếu trong rổ Vn30, chỉ có 1/3 số cổ phiếu phục hồi dưới mức này trong khi có tới 2/3 số cổ phiếu trong rổ này đã đánh bại thị trường, đáng chú ý có những cổ phiếu phục hồi trên 10% như STB, KDH, FPT, VRE,…

Hiện chỉ số VN-Index đang trong nhịp điều chỉnh khi đã giảm hơn 10% kể từ đỉnh gần nhất và đã tạo vùng đáy ngắn hạn ở 1.225 điểm – 1.238 điểm. Do vậy, theo tôi chừng nào vùng đáy này chưa bị vi phạm thì dư địa cho nhịp hồi ngắn này vẫn còn tiếp diễn.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Dòng tiền trên thị trường đã suy yếu khá nhiều chứng tỏ nhà đầu tư bắt đầu rút ra tạm nghỉ ngơi sau một chu kỳ tăng trưởng rất thuận lợi. Trong vòng 1-2 tháng tới, đâu là những rủi ro mà anh chị lo ngại nhất?

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi cho rằng rủi ro hàng đầu đối với thị trường chứng khoán trong nước ở thời điểm hiện tại là tình hình dịch Covid-19. Trong kịch bản xấu nhất, dịch bệnh kéo dài đến hết năm với số ca nhiễm mới duy trì ở mức cao và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt không được nới lỏng, tăng trưởng kinh tế sẽ suy yếu và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn, tăng trưởng lợi nhuận âm, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Đây là kịch bản tồi tệ đối với thị trường.

Dù vậy, tôi không đánh giá cao rủi ro này và kỳ vọng đỉnh dịch sẽ xuất hiện trong 1 vài tuần tới. Ngay cả khi đỉnh dịch không sớm xuất hiện, chương trình tiêm vaccine tới đây được triển khai, nếu đúng theo lộ trình, cũng sẽ giúp Việt Nam có thể dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Xu thế dòng tiền: Nhịp hồi đã “tắt sóng”?

Tôi cho rằng rủi ro lớn nhất vẫn là tác động của đại dịch đến tình hình kinh tế vĩ mô, nhất là khi nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có khả năng phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu đối với các khách hàng bị ảnh hưởng từ đợt dịch mới.

Ông Lâm Gia Khang

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Với tôi, những tín hiệu bấp bênh về sự phục hồi của nền kinh tế với sự xuất hiện của biến thể Delta, giá hàng hóa tăng kéo theo lạm phát tăng, dòng tiền mang tính thời vụ, lượng cổ phiếu phát hành tăng vốn về tài khoản, v.v…sẽ là những mối lo ngại trong thời gian tới.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi vẫn đánh giá việc phục hồi kinh tế, tăng trưởng GDP, chuỗi cung ứng, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19 cũng như biến thể chủng Delta. Tốc độ tiêm vaccine cũng như các biện pháp giãn cách xã hội, kiểm soát mức độ lây nhiễm hy vọng sẽ hạn chế phần nào mức độ ảnh hưởng để sớm đưa nền kinh tế đi về đúng quỹ đạo.

Ông Lâm Gia KhangPhụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank

Tôi cho rằng rủi ro lớn nhất vẫn là tác động của đại dịch đến tình hình kinh tế vĩ mô, nhất là khi nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất khi không đáp ứng được các điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng có khả năng phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu đối với các khách hàng bị ảnh hưởng từ đợt dịch mới, khiến kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng và ảnh hưởng tiêu cực tới diễn biến của thị trường.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi giai đoạn tới thị trường không còn tăng manh nữa, nhưng không có nghĩa không có cổ phiếu tăng mạnh. Một số ngành đã tăng trưởng mạnh thời gian vừa qua sẽ nghỉ ngơi và nhường bước cho những cổ phiếu có kết quả lợi nhuận tốt nhưng tăng trưởng như mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả