Xử nợ xấu sẽ hiệu quả hơn khi được "luật hóa"
Nếu Nghị quyết 42 không được gia hạn hoặc luật hóa, tiến độ cũng như hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, gây ra tình trạng nợ xấu cũ chưa xử lý tiếp tục tồn đọng. Quá trình xử lý nợ xấu mới phát sinh từ đại dịch sẽ kéo dài hoặc không thể giải quyết được, gây bất ổn cho hệ thống các TCTD nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.
Xử lý nợ xấu vào thế khó
Kể từ khi được ban hành, Nghị quyết 42/2017/QH14 là một công cụ pháp lý quan trọng giúp ngân hàng phá tan “cục máu đông” nợ xấu, đưa dòng vốn luân chuyển vào sản xuất, kinh doanh. Chia sẻ cụ thể hơn, ông Phan Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, kể từ thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực (15/8/2017), hoạt động thu nợ của các TCTD nói chung cũng như BIDV nói riêng đã ghi nhận những kết quả vượt trội. Riêng đối với BIDV, tổng số nợ xấu đã được xử lý theo Nghị quyết 42 đến nay luỹ kế đạt khoảng 25 nghìn tỷ đồng/năm, trong khi giai đoạn trước khi có Nghị quyết 42 chỉ khoảng 15 nghìn tỷ đồng/năm…
Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng lãnh đạo BIDV thừa nhận, quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, sản xuất kinh doanh bị đình trệ dẫn tới khách hàng suy giảm khả năng tài chính, giảm khả năng trả nợ. Trong khi các nhà đầu tư có tâm lý e ngại, không dám mua tài sản vì sợ rủi ro do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh. Các dịch vụ liên quan đến hoạt động xử lý nợ tại một số địa bàn bị tạm dừng hoạt động trong nhiều tháng, như bán đấu giá, thẩm định giá, thừa phát lại… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, khả năng thu hồi nợ của ngân hàng.
Ngoài ra, việc thu hồi nợ còn gặp khó khăn do những vướng mắc trong công tác thi hành án. Bởi hiện nay, đối với các khoản nợ mà khách hàng thế chấp bằng nhiều tài sản là BĐS tại các huyện, tỉnh khác nhau, theo quy định của pháp luật về thi hành án thì không được phát mại đồng thời các tài sản, mà phải thực hiện cuốn chiếu từng tài sản theo từng địa bàn. Việc này dẫn tới thời gian thu hồi nợ kéo dài, gây thiệt hại cho ngân hàng.
Chia sẻ thêm những vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) là BĐS, đại diện PVcomBank cho biết, khi ngân hàng tiến hành xử lý dự án BĐS để thu hồi thì khách hàng không hợp tác, gây cản trở quá trình xử lý tài sản bằng cách gửi đơn thư khiếu kiện đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Chưa biết ai đúng ai sai, nhưng quá trình xem xét đơn khiếu kiện của cơ quan chức năng sẽ làm chậm, thậm chí ngừng việc xử lý TSBĐ của ngân hàng. Mặc dù, ngân hàng đã nhiều lần gửi văn bản tới các cấp có liên quan, tuy nhiên do còn nhiều cách hiểu và các văn bản pháp luật khác chưa được đồng bộ, nhất quán với Nghị quyết 42 nên PVcomBank vẫn chưa xử lý được TSBĐ đã tiếp nhận.
Luật hóa là công cụ hữu hiệu
Mặc dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các TCTD đã được cải thiện rõ rệt, song TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV bày tỏ lo ngại, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nên dù hoạt động kinh tế bắt đầu phục hồi nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khiến nợ xấu có xu hướng gia tăng. Vấn đề nợ xấu có thể trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, khi mà tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016 - 2020. Do có độ trễ, theo TS. Lực nợ xấu nội bảng dự báo có thể lên mức 2,3-2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022. Con số này thậm chí có thể ở mức cao hơn từ năm 2024.
Lý giải dự báo này, TS. Cấn Văn Lực cho biết, khung pháp lý về xử lý nợ xấu có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho toàn ngành Ngân hàng trong nửa cuối năm 2022 khi Thông tư 14/2021 của NHNN về cơ cấu nợ hết hiệu lực vào 30/6/2022.
Ông lo ngại nếu Nghị quyết 42 không được gia hạn hoặc luật hóa, tiến độ cũng như hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, gây ra tình trạng nợ xấu cũ chưa xử lý tiếp tục tồn đọng. Quá trình xử lý nợ xấu mới phát sinh từ đại dịch sẽ kéo dài hoặc không thể giải quyết được, gây bất ổn cho hệ thống các TCTD nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.
Trước áp lực nợ xấu gia tăng cũng như từ kinh nghiệm quốc tế, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Việc luật hóa Nghị quyết 42 có thể được tiến hành theo hai bước. Bước một là có thể gia hạn, điều chỉnh, cập nhật phù hợp Nghị quyết 42 với thời gian khoảng 3 năm để có thêm thời gian rà soát, chuẩn bị cho dự thảo luật, cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nêu trên. Bước hai là xây dựng Luật Xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn.
Đồng tình với sự cần thiết phải có Luật Xử lý nợ xấu, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng mạnh dạn đề xuất, cơ quan soạn thảo cho phép các TCTD được lựa chọn áp dụng quy định của Luật Xử lý nợ xấu để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trước khi Luật về xử lý nợ xấu được thông qua.
“Kể cả khi ban hành Luật Xử lý nợ xấu hay kéo dài Nghị quyết 42 cũng phải xác định rõ vai trò các chủ thể tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu; đồng thời phải xây dựng hệ nguyên tắc cụ thể, xác định rõ nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật để đảm bảo tính ổn định và lâu dài. Ngoài ra, Luật cũng phải có các quy định rõ hơn về quyền chủ nợ, không ràng buộc các điều kiện về quyền thu giữ tài sản”, TS. Hùng kiến nghị thêm để đảm bảo cơ chế xử lý nợ xấu hiệu quả.
Cho rằng luật hóa Nghị quyết 42 là việc hết sức cấp bách để hạn chế nợ xấu, GS.TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, do chưa luật hóa nên nghị quyết chưa phát huy hết tác dụng. Nếu luật hóa các quy định pháp luật đồng bộ hóa sẽ bảo đảm việc thu hồi nợ xấu hiệu quả hơn. Và đặc biệt, tránh tâm lý của người đi vay, không thể ỷ lại, tìm cách lẩn tránh trả nợ nếu điều kiện trả nợ đã được quy định trong các quy định của luật pháp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận