24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lưu Duy Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xử lý triệt để tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá

Tiếp tục Phiên họp thứ 31, sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.

Xử lý triệt để tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá
Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trình bày báo cáo tại Phiên họp.

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều, khoản của Luật hiện hành; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, vấn đề này còn có quan điểm khác nhau. Việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù thường có giá trị rất lớn.

Báo cáo của cơ quan soạn thảo cho thấy, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, theo đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá.

Xử lý triệt để tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Phiên họp thứ 31 (sáng 14/3).

Qua đó có thể thấy rằng, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng. Đồng thời, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Minh Sơn nêu rõ, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu tăng mức tiền đặt trước khi người tham gia đấu giá tài sản trả giá cao bất thường trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá tài sản.

Cùng với đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù. Cụ thể, trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản; đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm; trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì tiền đặt trước được tính căn cứ vào băng tần, số lượng khối băng tần đăng ký mua và giá khởi điểm cao nhất của khối băng tần trong mỗi băng tần đăng ký mua theo tỷ lệ tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Xử lý triệt để tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá
Quang cảnh Phiên họp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát bảo đảm tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về một số vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định về tài sản đấu giá, bảo đảm bao quát hết các loại tài sản thực hiện đấu giá, tránh vướng mắc trong thực tiễn, hoàn thiện các quy định về hành vi bị cấm, các chế tài, tiền đặt trước, xử lý tiền đặt trước để khắc phục được thao túng các cuộc đấu giá trục lợi, việc đấu giá lại, đấu giá liên quan đến từ thiện…

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, rà soát các quy định về giá khởi điểm, giám định tài sản để bảo đảm không chồng lấn với các luật chuyên ngành, bảo đảm nguyên tắc Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức quy định thống nhất trình tự, thủ tục đấu giá và các loại tài sản. Bên cạnh đó, rà soát các quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên, các đối tượng được miễn đào tạo đấu giá, quy định mở rộng quyền của tổ chức hành nghề đấu giá, hay xem xét khái niệm tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với thực tế và không tạo ra khoảng trống pháp luật...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả