Xử lý nợ xấu: Cần thêm chất xúc tác cho thị trường
Báo cáo tài chính quý III/2020 của nhiều ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu bắt đầu tăng nhanh dù các nhà băng rất nỗ lực trong xử lý nợ xấu (XLNX). Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và VAMC vừa ra mắt Câu lạc bộ (CLB) xử lý nợ.
Sự ra đời của CLB này sẽ hỗ trợ thế nào đến quá trình XLNX của các AMC, VAMC, TCTD? Thời gian tới cần có giải pháp gì để hoạt động XLNX hiệu quả hơn? Phóng viên Thời báo Ngân hàng ghi nhận những đánh giá, khuyến nghị chính sách của các chuyên gia kinh tế, ngân hàng.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:
Cần giải pháp mạnh hơn trong XLNX
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cần phải giải quyết đó là nợ xấu do tác động của Covid-19 để lại. Đối với công tác XLNX thì các ngân hàng vẫn phải tích cực đi đòi nợ, phát mại tài sản, nhưng giá trị thu hồi chắc sẽ không cao vì giá bất động sản trên thị trường giảm.
Ngoài ra, những vướng mắc tại Nghị quyết 42 đang gây khó khăn trong XLNX cần sớm được giải quyết. Chẳng hạn, quy định về việc thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) và việc nộp thuế khi chuyển nhượng TSBĐ. Theo tôi, nên miễn thuế cho các ngân hàng khi thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Bởi khi thanh lý TSBĐ nhiều trường hợp số tiền bán không đủ thu hồi nợ cho ngân hàng mà lại vẫn phải nộp thuế gây khó khăn cho ngân hàng, lỗ chồng lỗ... Nhưng để giải quyết hết các khúc mắc liên quan đến Nghị quyết 42, theo tôi, nên nghiên cứu sửa đổi bổ sung quy định mới về XLNX đưa vào Luật Các TCTD. Khi đó tính hiệu lực của các quy định mới cao, các đơn vị có liên quan mới thực thi nghiêm túc.
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:
Đòi hỏi tính quyết liệt trong phối hợp XLNX
Đúng là thời gian vừa qua có tư tưởng coi nợ xấu là việc riêng của ngân hàng. Nhưng cũng có thể thông cảm trong bối cảnh hiện nay, khi quy định trách nhiệm chưa thực sự rõ ràng, việc triển khai chính sách khá thận trọng. Trước mắt, theo tôi nên sửa đổi bổ sung Nghị quyết 42 trên cơ sở báo cáo tổng kết của ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai 3 năm qua đã gặp vướng mắc gì, hướng tháo gỡ ra sao. Điều quan trọng nữa, mục tiêu ban đầu khi xây dựng Nghị quyết 42 là mong muốn quy trình thủ tục đơn giản hơn, đẩy nhanh XLNX. Muốn làm được vậy, ngoài cơ chế cụ thể, rõ ràng hơn, còn đòi hỏi tính quyết liệt cao hơn của các bộ, ngành liên quan, các địa phương… Phải coi đây là việc chung của toàn nền kinh tế, hệ thống chính trị chứ không phải việc riêng của ngân hàng. Áp lực nợ xấu đang ngày càng gia tăng trước ảnh hưởng từ Covid-19, từ đó ảnh hưởng tới khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng, tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Tôi đánh giá tích cực ý tưởng thành lập CLB xử lý nợ trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có thể tạo ra kênh thông tin chính thống, giúp cho các thành viên hiểu nhau hơn, thúc đẩy các quan hệ giao dịch mua bán nợ vừa trên cơ sở thị trường vừa trên cơ sở hợp tác. Từ đó cũng sẽ giúp XLNX rốt ráo hơn, là cơ sở cho việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường mua, bán nợ trong tương lai.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng:
Nên luật hóa quy định về XLNX
Chưa bàn đến tính hiệu quả như thế nào, nhưng việc thành lập CLB xử lý nợ của các AMC với VAMC, theo tôi có ý nghĩa tích cực nhất là đối với thị trường mua bán nợ. CLB này có thể tạo ra diễn đàn chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về XLNX cũng như tăng tính liên kết, hiểu biết hơn giữa các hội viên. Tuy nhiên, muốn hoạt động của CLB này trở thành kênh hữu hiệu đối với công tác XLNX, tôi cho rằng, thời gian tới cần phải có nhiều thành phần tham gia CLB đó nhiều hơn không chỉ là các AMC, VAMC. Theo hướng này, có thể đây là tiền đề thành lập sàn mua, bán nợ quốc gia trong tương lai. Đây là động thái tích cực cho thị trường mua, bán nợ xấu khi mà Nghị quyết 42 vẫn chưa thể mở cánh cửa cho thị trường này. Những vướng mắc tại Nghị quyết 42 theo tôi cần phải chỉnh sửa rốt ráo hơn. Trước mắt, NHNN có thể trình Chính phủ, Quốc hội chỉnh sửa một số nội dung then chốt. Còn về lâu dài cần phải luật hóa XLNX. Dù vấn đề này không phải dễ dàng nhưng vẫn phải làm.
TS. Châu Đình Linh - chuyên gia ngân hàng:
Phát huy vai trò nhà tạo lập thị trường
Nếu kỳ vọng CLB XLNX giúp ngân hàng xử lý triệt để nợ xấu thì rất khó. Nhưng nó có thể là chất xúc tác đối với thị trường mua bán nợ xấu và hoạt động XLNX trong thời gian tới. Ban đầu có thể chỉ là CLB, sau thời gian hoạt động họ thấy hiệu quả có thể mở rộng tổ chức lên hiệp hội. Kinh nghiệm của nhiều tổ chức khác minh chứng như vậy.
Theo tôi, điều quan trọng là khi hội viên tham gia họ thấy có lợi ích của mình trong đó như lợi ích kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, hoặc bán nợ để thu tiền tươi thóc thật... Chẳng hạn với việc bán nợ, có thể khoản nợ xấu của hội viên này không thể xử lý được, nhưng đối với hội viên khác, họ lại có thể xử lý thành công. Hai bên trao đổi hàng hóa, một bên nợ thu về tiền tươi thóc thật để quay vòng vốn, một bên mua được khoản nợ với giá tốt, tận dụng thế mạnh của mình để xử lý, tái cấu trúc lại khoản nợ sinh lời. Khi hoạt động giao dịch mua bán sôi động, thu hút nhiều hội viên, việc hướng đến thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh cũng thuận lợi hơn. Tôi cho rằng, đó là những động thái rất tích cực. Thời điểm này, nếu không hành động nợ xấu gây sức ép cho ngân hàng trong tương lai do tác động của Covid ngày càng tăng.
Song song với xử lý nợ cũ tồn đọng, để giảm sức ép nợ xấu trong thời gian tới, các ngân hàng phải tăng hoạt động kiểm soát rủi ro, quản trị rủi ro đối với danh mục tín dụng đang có và sẽ có trong thời gian tới. Hiện tại, các ngân hàng cũng rất thận trọng trong cấp tín dụng do lo ngại tình trạng nợ xấu gia tăng. Giải pháp nữa, các ngân hàng đẩy mạnh dịch chuyển cơ cấu lợi nhuận từ dịch vụ, hoạt động kinh doanh khác thay vì tập trung nhiều vào mảng tín dụng để kiểm soát rủi ro tốt hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận