Xử lý nợ xấu - Bài 2: Ngân hàng 'cầm đằng chuôi' nhưng vẫn gặp khó
Thời gian qua, hàng loạt khối tài sản đảm bảo trị giá từ vài chục đến cả nghìn tỷ đồng được các ngân hàng rốt ráo rao bán để thu hồi nợ xấu.
Dù ở thế "cầm đằng chuôi" nhưng việc thu hồi các khoản nợ này không hề dễ dàng. Nhiều tài sản thậm chí phải rao bán đến hàng chục lần, giá trị liên tục giảm sâu mới có thể bán được.
Chỉ tính riêng trong tháng 3/2022, trang web chính thức của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã phát ra tới 60 thông báo về việc bán đấu giá tài sản, bán đấu giá khoản nợ, lựa chọn đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản, thẩm định tài sản bảo đảm... Trong khi đó, con số này tại các ngân hàng lớn khác như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng lên tới 40 thông báo, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) là 24 và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 11.
Trong đó có thể kể tới lô đất ở lâu dài tại đô thị có diện tích hơn 3.071,2 m2 ở quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh đang được Agribank rao bán với giá khởi điểm gần 167 tỷ đồng. Đây là tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Quốc tế Thái Dương và khoản vay của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ V.LIFE tại Agribank Chi nhánh An Phú.
Khối tài sản này không phải được rao bán lần đầu và mức giá khởi điểm trên đã giảm hơn 15,6% so với giá 198 tỷ đồng mà Agribank rao bán hồi tháng 4/2021.
Trước đó, Agribank đã thông báo đấu giá bán khoản nợ của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng với giá khởi điểm là 352,5 tỷ đồng. Trong khi giá trị ghi sổ của khoản nợ tính đến ngày 15/10/2018 là hơn 708,3 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc là gần 352,2 tỷ đồng và nợ lãi là hơn 356,1 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ bao gồm quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh tại huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh có diện tích gần 7.000 m2 và tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ giá trị xây dựng của công trình cao ốc căn hộ Hạnh Phúc.
Dù mức giá khởi điểm liên tục giảm so với các lần đấu giá trước nhưng liên tục từ tháng 11/2018 đến nay, Agribank vẫn chưa bán thành công khoản nợ này.
Hay tại BIDV, khoản nợ của Công ty TNHH XD và KD Nhà Bách Giang và Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên được BIDV đem ra đấu giá với giá khởi điểm gần 253 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với toàn bộ dư nợ gốc và lãi hơn 515 tỷ đồng tạm tính đến ngày 30/9/2021. Tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đầu tư trên đất thuộc Công ty Bách Giang tại Dự án Khu dân cư khu phố 4, Phường Phước Long A, Quận 9.
Tháng 2/2022, BIDV cũng thông báo bán đấu giá lần thứ 10 đối với tài sản là khoản nợ của Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Archplus. Giá khởi điểm lần này là 257 tỷ đồng, bằng đúng giá trị nợ gốc và không thay đổi so với lần rao bán trước. Tổng dư nợ tính đến ngày 15/4/2021 của khoản nợ này là 498 tỷ đồng; trong đó dư nợ gốc là 257 tỷ đồng, nợ lãi là 173,8 tỷ đồng và phí phạt quá hạn là 67,2 tỷ đồng.
Một khối tài sản "khủng" khác đang được Vietcombank rao bán là tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam với giá khởi điểm gần 1.100 tỷ đồng. Bao gồm quyền sử dụng các thửa đất có tổng diện tích hơn 30.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của Công ty Evergreen Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP II và quyền sử dụng đất 40.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của công ty này tại Khu công nghiệp VSIP IIA. Mức giá khởi điểm đã giảm gần 100 tỷ đồng so với lần rao bán vào tháng 11/2021
Lý giải cho hiện tượng tài sản rao bán giá "hời" mà vẫn "ế dài", TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận định nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế khó khăn dưới tác động của đại dịch COVID-19 kéo dài, thị trường giao dịch tài sản nói chung thanh khoản thấp.
Thêm vào đó, quy định không cho phép giảm giá quá nhiều nên mỗi lần phát mại giá chỉ giảm nhỏ giọt khiến cho dù có đem ra đấu giá đến 5-10 lần vẫn bất thành. Chưa kể vẫn xảy ra hiện tượng bên đi vay thiếu hợp tác nên dù có hoàn tất thủ tục đấu giá thì quá trình chuyển giao tài sản còn rất phức tạp.
Nâng sức đề kháng
Trong khi nợ xấu cũ chưa xử lý hết, nợ xấu mới lại tiềm ẩn tăng cao khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sắp hết hạn, các ngân hàng sẽ phải trở lại cách phân loại nợ bình thường sau tháng 6/2022 này. Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vốn được coi là liều thuốc phá vỡ cục máu đông nợ xấu của nền kinh tế, cũng sẽ hết hạn vào tháng 8 tới đây.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành; trong đó có chính sách về cho vay ưu đãi được hỗ trợ 2% lãi suất. Như vậy, mức dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng lên, độ phủ rộng. Theo giới chuyên gia, đây cũng là yếu tố có nguy cơ gây ra những khoản vay nợ có thể rơi vào tình trạng nợ xấu.
Tuy nhiên, mới đây Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 đến ngày 15/8/2025 theo kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước. Đây là tin vui với ngành ngân hàng bởi việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong các năm qua.
Như tại BIDV, ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết tổng số nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã được xử lý lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến nay là gần 100.500 tỷ đồng, bình quân khoảng 25.000 tỷ đồng/năm, tăng mạnh so với mức khoảng 15.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn trước khi có Nghị quyết 42.
Đối với kết quả thu hồi nợ ngoại bảng, tổng số dư nợ mà BIDV đã xử lý và thu hồi được trong 10 năm qua là 37.247 tỷ đồng. Trong đó, số thu nợ từ năm 2012-2017, trước thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, là 12.423 tỷ đồng, bình quân mỗi năm khoảng 2.000 tỷ đồng; nhưng sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, số thu nợ trong giai đoạn từ năm 2018-2021 là 24.824 tỷ đồng, bình quân mỗi năm khoảng 6.200 tỷ đồng.
Tuy ghi nhận hiệu quả đáng kể trong xử lý nợ xấu nhưng ông Hải cho rằng hiện nãy vẫn thiếu các quy định, hướng dẫn cách thức thẩm định giá khoản nợ của tổ chức tín dụng, gây nhiều khó khăn cho tổ chức tín dụng khi bán nợ cũng như khách hàng có nhu cầu mua nợ trong việc xem xét giá trị khoản nợ, cũng như sẽ tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động mua bán nợ, vì khi tổ chức tín dụng bán nợ, thì việc thẩm định, xác định giá trị khoản nợ cơ bản chỉ dựa trên giá trị của tài sản đảm bảo. Do đó, cần thiết phải có cơ sở pháp lý trong việc xác định giá trị khoản nợ – đối tượng được giao dịch để tạo dựng một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, công khai, minh bạch.
Bên cạnh chìa khóa về khung pháp lý, trong năm qua các ngân hàng đã mạnh tay nâng bộ đệm dự phòng rủi ro để sẵn sàng cho các tình huống. Báo cáo tài chính của hầu hết các ngân hàng cho thấy, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng mạnh trong năm 2021. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng (LLR) tại Vietcombank được nâng lên mức cao kỷ lục toàn ngành ngân hàng với 424%; BIDV đạt 235%; VietinBank trên 170%... Một số ngân hàng cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)...
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, "bộ đệm dày" không chỉ dành riêng cho các khoản nợ xấu phát sinh do đại dịch COVID-19 mà còn là sự tăng cường thận trọng trước những biến cố có thể xảy đến trong tương lai.
Một cuộc khảo sát mới được Ngân hàng Nhà nước tiến hành gần đây cho thấy, nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong quý I/2022 được các tổ chức tín dụng nhận định có chiều hướng "giảm nhẹ" so với quý IV/2021 và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong quý II/2022.
Bài cuối: Nhanh chóng luật hóa xử lý nợ xấu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận