Xử lý nghiêm ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn
Ngân hàng Nhà nước vừa ra văn bản cảnh báo các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài về việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD) cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.
Để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương án không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay; kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các TCTD tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm; chủ động xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm.
Các TCTD phải rà soát, sửa đổi,bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ, bao gồm cả quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Các TCTD phải kịp thời báo cáo cơ quan thanh tra giám sát NHNN và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố những trường hợp vi phạm; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn hoạt động.
Trên thực tế, hoạt động cho vay bằng cầm cố sổ tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại là điều hiển nhiên và dễ dàng được vay nhất, vì nó được coi là hình thức “cầm tiền để vay tiền”. Bên cạnh đó, việc vay vốn bằng cách cầm cố sổ tiết kiệm khi khách hàng cần vốn gấp sẽ tránh được việc bị tính lãi suất không kỳ hạn khi rút tất toán sổ tiết kiệm trước hạn.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là nhiều vụ cho vay theo hình thức này quá dễ dãi dẫn đến việc cho vay bị lợi dụng, ngân hàng dễ bị thất thoát tài sản nếu hệ thống kiểm soát nội bộ không tốt.
Điển hình như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như tại ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) lợi dụng sự sơ hở của ngân hàng này đã làm giả sổ tiết kiệm và rút tiền hàng nghìn tỷ đồng thông qua việc vay vốn cầm cố sổ tiết kiệm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận