Xu hướng mới của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung
Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung không những không dừng lại dưới thời Tổng thống Joe Biden, mà còn phát triển theo hướng mới.
Nếu Mỹ và Trung Quốc “tách rời” về khoa học công nghệ, tác động đối với thế giới thậm chí còn cao hơn nhiều so với cuộc chiến thương mại.
Sau khi ông Biden nhậm chức, nhiều chuyên gia khuyến nghị Mỹ và Trung Quốc nên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh… Tuy nhiên, trào lưu chống Trung Quốc trên chính trường Mỹ nhìn chung vẫn chưa dừng lại.
Vì vậy, một số nhà phân tích cho rằng dù cựu Tổng thống Donald Trump không còn nắm quyền, nhưng dưới thời ông Biden, chính sách Trung Quốc của Mỹ vẫn theo đường lối cứng rắn của “chủ nghĩa Donald Trump”.
Tờ Thời báo New York từng có bài phân tích rằng áp lực trong nước lớn sẽ thúc đẩy chính quyền của ông Biden không thể xa rời đường lối cứng rắn trong vấn đề Trung Quốc dưới thời Tổng thống Trump. Hãng tin AP cũng thừa nhận, ông Biden không thể xoa dịu một cách thực chất căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trên thực tế, chính quyền của ông Biden đang cố gắng tập trung kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc trong các lĩnh vực như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, mạng viễn thông 5G và công nghệ mạng 6G trong tương lai. Chính quyền của ông Biden cũng tìm cách kết hợp cạnh tranh hình thái ý thức và cạnh tranh trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tạo dựng vai trò chủ đạo của Mỹ về “dân chủ khoa học công nghệ”.
Theo nghiên cứu sinh - Tiến sỹ Đại học Houston Lý Hải Mặc, trọng tâm chính sách Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden dường như là muốn tiếp tục cuộc chiến khoa học công nghệ với Trung Quốc. Việc này có thể thấy được một cách rõ ràng hơn khi xem xét các chính sách đối nội của Mỹ dưới thời chính quyền của ông Biden.
Một trong những điều được ông Biden đặc biệt nhấn mạnh là tăng cường mức độ hỗ trợ của chính phủ đối với công tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ. Cho nên, dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, cạnh tranh trong lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến giữa Mỹ và Trung Quốc có thể trở nên gay gắt hơn. Hơn nữa, Mỹ còn tiến hành cuộc chiến khoa học công nghệ với Trung Quốc thông qua hợp tác quốc tế với đồng minh. Những tin tức mới nhất dường như đã xác minh quan điểm này.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 23/2/2021, cựu Giám đốc điều hành của Google và Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia về trí tuệ nhân tạo Eric Schmidt nói rằng trong lĩnh vực công nghệ cao then chốt như trí tuệ nhân tạo, Mỹ chỉ đi trước Trung Quốc 1-2 năm chứ không phải 5-10 năm.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực thanh toán di động và thương mại điện tử, Trung Quốc đã vượt Mỹ và nước này đang cạnh tranh quyết liệt với Mỹ trong các lĩnh vực như chế tạo chip bán dẫn, vũ khí năng lượng định hướng, mạng 5G, sinh học tổng hợp, trí tuệ nhân tạo, robot tự học, chùm sóng siêu thanh…
Theo ông Schmidt, để có thể yên tâm, Mỹ cần phải đi trước Trung Quốc ít nhất từ 5 năm đến 10 năm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử, đi trước Trung Quốc ít nhất hai thế hệ trong lĩnh vực bán dẫn…
Thông điệp về tính cấp thiết phải giành chiến thắng trong cạnh tranh khoa học công nghệ với Trung Quốc đã được phát đi. Và để góp phần làm được điều đó, ông Schmidt gợi ý rằng ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ nên tiến hành cải cách thể chế mạnh mẽ, cải tiến quy trình sản xuất, đơn giản hóa thủ tục đấu thầu, tăng cường đổi mới và chú trọng tới phần mềm. Các nhà thầu quốc phòng nên hoạt động với tốc độ và hiệu quả cao như Thung lũng Silicon, chế tạo tên lửa nhanh như chế tạo ô tô, sau đó nhanh chóng trang bị và đưa vào sử dụng.
Ông Schmidt cũng kiến nghị Chính phủ Mỹ cải cách hơn nữa thể chế nhập cư để tạo điều kiện cho các tài năng công nghệ cao lưu lại Mỹ làm việc. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ nên tập trung tăng cường đầu tư cho nghiên cứu phát triển một số lĩnh vực khoa học công nghệ cốt lõi.
Giới truyền thông và nhiều nhà phân tích Mỹ đã nhận thấy một trong những ý đồ quan trọng của ông Schmidt khi đưa ra các kiến nghị và chủ trương nêu trên là mong muốn Chính phủ Mỹ có thể cắt giảm quy định đối với các công ty công nghệ cao.
Mấy năm gần đây, cùng với sự gia tăng về tiến trình phân cực chính trị ở Mỹ, người dân nước này có nhiều tiếng nói yêu cầu chính phủ tăng cường thẩm tra và can dự đối với các công ty công nghệ cao, đặc biệt là đối với "hành vi chống cạnh tranh", vi phạm quyền riêng tư của người dùng và hạn chế đối với việc đăng bài trên mạng xã hội…
Các công ty công nghệ cao tư nhân này đã phải đối mặt với những áp lực xã hội và chính trị rất lớn, vì vậy, họ cần nhấn mạnh rằng Chính phủ Mỹ nên hỗ trợ họ mới có thể chống lại Trung Quốc hiệu quả hơn.
Cuộc chiến khoa học công nghệ nếu dẫn tới sự tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc, thậm chí là giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học công nghệ có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Trong một phát biểu đưa ra ngày 16/4 vừa qua, ông Helge Berge, một quan chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng nếu Trung Quốc, Mỹ và thậm chí cả châu Âu tách rời về khoa học công nghệ, tác động lên GDP toàn cầu thậm chí còn cao hơn cả cuộc chiến thương mại. Theo tính toán của IMF, tách rời về khoa học công nghệ có thể gây ra tổn thất tương đương 5% GDP ở nhiều quốc gia, gấp khoảng 10 lần tổn thất ước tính do cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung gây ra.
Ông Berge chỉ rõ hiện nay mức độ hội nhập toàn cầu khá cao, nếu các quốc gia không được trao đổi kiến thức thì cái giá phải trả cuối cùng có thể không nhỏ. Năm nay, cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung tiếp tục kéo thụt lùi tăng trưởng kinh tế giống như năm ngoái với tác động toàn cầu ước tính khoảng 0,4% GDP.
Tách rời về khoa học công nghệ sẽ làm tình hình trở nên khó khăn hơn. Do đó, việc Mỹ và Trung Quốc tìm ra phương thức hợp tác có ý nghĩa quan trọng và các nước cần đưa căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung vào xem xét với tư cách một yếu tố gây rủi ro lớn./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận