24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chu Thị Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xu hướng gia tăng các biện pháp chống lẩn tránh thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng tăng trưởng, tuy nhiên, song song với đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục phải đối diện các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ quốc gia này.

Xu hướng gia tăng các biện pháp chống lẩn tránh thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Quang cảnh tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/12, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện tại, Hoa Kỳ là thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến tháng 11/2022, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, tổng cộng 51 vụ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây ngoài việc sử dụng các công cụ điều tra bán phá giá thì Hoa Kỳ cũng tiếp tục sử dụng những hoạt động điều tra mới, trong đó có hoạt động điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, chiếm 1 nửa số vụ điều tra của Hoa Kỳ với Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, theo thống kê, xuất khẩu 11 tháng của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt 101,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng tới gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới. Cán cân thương mại hiện nay là Việt Nam đang xuất siêu sang Hoa Kỳ xấp xỉ 90 tỷ USD.

Các biện pháp phòng vệ thương mại Hoa Kỳ không chỉ áp với các mặt hàng từ Việt Nam mà còn với những quốc gia khác như Malaysia, Thái Lan và trong năm 2022. Số lượng các vụ việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá chống trợ cấp tăng cao, một trong những lý do là hàng của Việt Nam có cường độ cũng như tỷ trọng, giá trị tuyệt đối gia tăng rất nhanh.

Bên cạnh đó, các quy định mới của Hoa Kỳ từ cuối năm 2021, đặc biệt là những quy định về các bước điều tra cũng như các phạm vi nội hàm liên quan cũng đã được mở rộng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan của Hoa Kỳ trong quá trình khởi xướng điều tra cũng như là xác định các mức độ của các mặt hàng gia tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, trong đó có mặt hàng từ Việt Nam.

Để hạn chế hạn chế những rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, theo ông Hưng, các doanh nghiệp Việt Nam là cần phải tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định về phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, trong quá trình sản xuất và xuất khẩu doanh nghiệp phải tạo được các giá trị gia tăng giá trị thặng dư trên sản phẩm xuất khẩu, qua đó cũng góp phần tăng giá trị xuất khẩu tuyệt đối.

Cùng với đó, Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương phải là đầu mối để tiếp nhận thông tin rà soát đánh giá và nghiên cứu sơ bộ, báo cáo trong nước và qua đó có thể tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan quản lý nhà nước của Hoa Kỳ để góp phần tiếng nói đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Qua đó cũng thể hiện Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm và tôn trọng các quy định trong thương mại quốc tế, thực hiện đúng theo các quy định của cơ quan hữu quan, trong đó có cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ.

Ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, với ngành thép, các vụ việc phòng vệ thương mại tăng lên từ việc gia tăng sản lượng của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ.

Nguyên nhân do chủ trương phát triển ngành sản xuất thép nội địa của Hoa Kỳ. Để bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước nên Hoa Kỳ có các chính sách để bảo hộ sản xuất trong nước.

“Nguyên nhân chủ quan đầu tiên dẫn đến ngành thép Việt Nam thường xuyên phải đối diện với vụ kiện phòng vệ thương mại là chi phí nguyên vật liệu đầu vào sản xuất cũng như chi phí nhân công của Việt Nam đang còn thấp và chúng ta có lợi thế nên giá của chúng ta sẽ rẻ hơn so với giá sản xuất ở các thị trường có nền kinh tế phát triển giống như Mỹ”, ông Thái cho hay.

Theo đại diện Hiệp hội thép, để ứng phó với những vụ việc điều tra của Hoa Kỳ thì đòi hỏi cần phải huy động một lực lượng nguồn lực khá lớn, từ cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực, luật sư, bộ máy của các doanh nghiệp cũng cần phải có một nguồn lực rất lớn mới có thể đảm bảo được việc đáp ứng được một cách đầy đủ và đảm bảo thời gian của cơ quan điều tra yêu cầu.

Theo ông Chu Thắng Trung, để hạn chế những rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp khi xuất khẩu qua thị trường này cần chủ động nghiên cứu các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu để tránh bị áp thuế chống bán phá giá cao. Để xuất khẩu hàng hóa ổn định, bền vững sang Hoa Kỳ, cần có các thông cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại và nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp về vấn đề này.

Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng một số chương trình để tăng cường hơn nữa nhận thức của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động về truy xuất nguồn gốc. Trong đó có phối hợp với một số đơn vị liên quan và các chuyên gia để đưa ra những kiến thức cơ bản nhất về truy xuất nguồn gốc trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành hàng, doanh nghiệp thuộc đối tượng rủi ro dễ bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả