Xin xuất khẩu quặng sắt vì 'trong nước không có nhu cầu'
Thời gian vừa qua, hàng trăm nghìn tấn quặng sắt khai thác từ mỏ Quý Xa (Lào Cai) đã được cho phép xuất khẩu với lý do nhu cầu trong nước không có. Thế nhưng, có một sự thật khác xung quanh câu chuyện xuất khẩu quặng sắt này.
Xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn quặng thô
Nguồn tin của PV. VietNamNet cho hay: Ngày 9/10/2019, UBND tỉnh Lào Cai có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị cho phép Công ty TNHH một thành viên Tố Như xuất khẩu quặng sắt mỏ Quý Xa (huyện Văn Bản, Lào Cai).
Cũng ngày 9/10, UBND tỉnh Lào Cai gửi Bộ Công Thương cùng về vấn đề xin phép xuất khẩu quặng suất của công ty này.
Theo trình bày của Công ty Tố Như, công ty này đã được Bộ Công Thương cho phép mua 180 ngàn tấn quặng sắt có nguồn gốc từ mỏ sắt Quý Xa của Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung vào tháng 7/2019.
Trong quá trình thực hiện, Công ty Tố Như đã ký hợp đồng mua 216 ngàn tấn quặng sắt Quý Xa của Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung. Hợp đồng mua bán này đã được hai bên ký kết ngày 9/10/2019.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai, Công ty Tố Như cho biết “đã chào bán sản phẩm đến các đơn vị luyện gang thép trong nước thông qua phương tiện thông tin đại chúng”. Và phản ánh thêm “tại thời điểm hiện nay, các đơn vị trong nước không có nhu cầu mua sản phẩm quặng sắt nêu trên”.
Qua báo cáo của Công ty Tố Như cũng thể hiện trong ngày 9/10, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị cho xuất khẩu 180 ngàn tấn quặng sắt có nguồn gốc từ mỏ Quý Xa.
Với thực tế này, câu hỏi đặt ra là lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã thẩm tra nghiên cứu thực tế thế nào trước khi ký văn bản để đẩy lên Bộ Công Thương?
Liên quan đến văn bản liên tục trong một ngày đều về xuất khẩu quặng của cùng một DN, ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, người ký vào văn bản ngày 9/10 kể trên, thừa nhận rằng đó là điều “bất hợp lý” và hứa sẽ xem lại. “Nếu họ mua của Công ty Việt - Trung mùng 9/10 mà bảo chào hàng rồi thì không đúng”, lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai nêu quan điểm.
“Cái chính là họ báo cáo chào hàng rồi, trên báo Lào Cai. Việc này cần thẩm tra lại, nếu chào hàng rồi mà trong nước không ai mua thì mới xin ý kiến Bộ Công Thương được. Nếu chưa chào hàng thì việc đó là không đúng vì chúng ta vẫn yêu cầu ưu tiên trong nước chứ không phải xuất khẩu”, Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai nói và cho biết thêm thẩm quyền cho phép xuất khẩu hay không là của Bộ Công Thương.
Trong nước không có nhu cầu quặng sắt?
Văn bản của UBND tỉnh Lào Cai gửi Bộ Công Thương nêu lý do xin xuất khẩu quặng sắt là bởi Công ty Tố Như nói không có đơn vị trong nước có nhu cầu.
Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, rất nhiều doanh nghiệp mua quặng sắt của Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM) được cấp phép xuất khẩu quặng sắt. Các lý do những doanh nghiệp này đưa ra đều là do trong nước không có nhu cầu.
Đơn cử, ngày 25/2 và ngày 30/3, Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh và Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức lần lượt đề nghị Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu quặng sắt limonit có nguồn gốc từ mỏ Quý Xa do đã mua của VTM năm 2018 nhưng không tiêu thụ được trong nước. Đến tháng 5/2019, Bộ Công Thương đồng ý để hai doanh nghiệp trên xuất khẩu 130.000 tấn quặng sắt limonit mỏ Quý Xa.
Trong tháng 1/2019, Bộ Công Thương cũng chấp thuận để 3 DN (Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức, Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh và Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lan ) được xuất khẩu tổng cộng 340.000 tấn quặng sắt limonit có nguồn gốc từ mỏ Quý Xa.
Cũng thời điểm đó, Bộ Công Thương cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát; Công ty Cổ phần Vương Anh xuất khẩu 140 nghìn tấn quặng sắt limonit mỏ Quý Xa.
Trong những văn bản cho phép các DN xuất khẩu, Bộ Công Thương luôn nhắc thêm một câu “doanh nghiệp phải ưu tiên bán trong nước khi các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu.
Vậy, có phải nhu cầu trong nước không có nên phải xuất khẩu quặng sắt?
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhu cầu quặng sắt của các nhà máy thép trong nước là rất lớn. Chẳng hạn, Hòa Phát có nhu cầu 10 triệu tấn quặng sắt, gang thép Cao Bằng 350 nghìn tấn, còn Gang thép Tuyên Quang cần 600 nghìn tấn. Như vậy, chỉ tính riêng 3 đơn vị này thì nhu cầu quặng lên tới gần 11 triệu tấn.
Hồi tháng 7/2019, ba công ty này đồng loạt ký tên vào văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ Công Thương bày tỏ mong muốn được sử dụng quặng sắt trong nước.
Các công ty này khẳng định nhu cầu là rất lớn. “Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng trong nước không sử dụng hết nguồn cung quặng, lượng tồn kho lớn dẫn đến khó khăn tài chính là không hợp lý. Bởi vì nhu cầu sử dụng quặng sắt lại có hạn về số lượng và ngày một ít đi, không bị giảm tính năng sử dụng theo thời gian”, các doanh nghiệp thép chia sẻ.
Chính vì thế, các công ty này đề xuất không cấp phép xuất khẩu quặng sắt, ưu tiên dành cho chế biến sâu trong nước và cam kết mua hết khối lượng quặng sắt theo giá thị trường.
Như vậy, rõ ràng nhu cầu quặng sắt trong nước là có, thậm chí rất lớn không hoàn hoàn như phản ánh là không có nhu cầu phải xin xuất khẩu quặng sắt.
Vì vậy, nhiều chuyên gia và DN luyện kim trong nước đều cho rằng, việc xuất khẩu quặng sắt phải xem xét thận trọng, tránh xuất khẩu thô hiệu quả thấp và làm "chảy máu" tài nguyên.
Chỉ thị ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách,pháp luật về khoáng sản nêu rõ: Cấp phép hoạt động khoáng sản phải căn cứ quy hoạch khoáng sản, phù hợp với năng lực chế biến, sử dụng và bảo đảm yêu cầu về môi trường; không cấp phép mới thăm dò, khai thác vàng sa khoáng; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ. Không xuất khẩu khoáng sản thô.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận