Xin đừng tự bắn vào chân mình
Ngày hôm qua Thủ tướng đã đưa ra phát biểu "Không để lỡ nhịp phục hồi kinh tế, không để Việt Nam tụt hậu". Quả đúng như vậy, hiện trạng đang rất đáng lo, tụt hậu là có thật.
Việt nam luôn là nước có tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất thế giới, vậy mà những dự báo lạc quan nhất chỉ dám đưa ra con số tăng trưởng GDP trong năm 2021 là 3%. Trong khi đó tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay ước đạt 5.5%, tức chúng ta đang ở mức thấp hơn trung bình khá nhiều. Việc phục hồi chậm chạp còn dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Có dấu hiệu nhiều đơn hàng chuyển khỏi Việt Nam, dòng tiền đầu tư FII qua kênh chứng khoán rút đi. Việc nhiều Quỹ ETF bán ròng, redeem trong thời gian qua phần nào đó thể hiện quan điểm của NĐT nước ngoài về tình hình kinh tế VN hiện nay.
1. Trên bảo dưới không nghe: tình trạng cát cứ, cục bộ đang diễn ra khắp đất nước. Mỗi địa phương, mỗi bộ ngành đều có những quy định riêng, tréo ngoe, thậm chí gây cản trở cho nhau và có những điều còn trái chiến lược của Chính phủ. Có trường hợp một trạm kiểm soát quốc lộ, còn không làm theo chỉ thị Thủ tướng, mà chỉ tuân theo chỉ đạo của ông Chủ tịch tỉnh. Nếu cứ tiếp tục theo kiểu "loạn 12 sứ quân" như thế này, Trung ương sẽ không thể thực hiện được những mục tiêu chung của đất nước.
2. Không có chiến lược thực thi: Chính phủ đã nhiều lần khẳng định chuyển hướng phòng chống dịch Covid từ "Zero Covid" sang "sống chung với dịch". Nhưng điều này vẫn hầu như chỉ là trên giấy. Nếu vẫn còn chia cắt vùng cam, vàng, xanh, thì các địa phương vẫn vin vào các điều này để không thực thi chiến lược mới. Hãy bỏ hết các khái niệm chia vùng theo màu này, phòng chống dịch theo cách mà thế giới đang làm. Các địa phương đặc biệt là các tỉnh phía Nam, trong đó có Tp.HCM xin hãy làm việc, đừng thụ động theo kiểu "chờ thời" nữa. Hãy lên kế hoạch mở cửa thật nhanh chóng, đừng tự bắn vào chân mình, tự gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch vụ, sản xuất.
3. Trải thảm đỏ chào đón nhân lực lao động: người dân luôn cần việc làm, nhưng họ không thể làm việc ổn định nếu một vài chính quyền địa phương, một vài vài bộ ngành gây khó cho họ. Không ai đi làm mà chi phí xét nghiệm cao hơn thu nhập từ tiền lương. Hãy giảm những thủ tục mang tính "hành là chính".
4. Chính sách phải đi vào thực tế: dù Chính phủ đang rất nỗ lực áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhưng chưa có tính thực tế. Những câu chuyện gói cứu trợ 1.5 triệu, 15kg gạo, vẫn mang tính hình thức. Điều cần hơn là những chính sách tài khóa như dãn thuế, giảm thuế, chính sách tiền tệ như khoanh nợ, tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp. Ngoài ra những gói giải ngân Đầu tư công phải thật nhanh chóng đưa vào. Chỉ có như vậy, công ăn việc làm mới có đủ cho người lao động, mới có thể kích cầu toàn xã hội.
"Bức xúc không làm ta vô can", rõ ràng nếu chỉ bức xúc, không có những tiếng nói, những kiến nghị giải pháp, rất khó để đất nước tiến lên. Dịch Covid là thứ chưa từng xảy ra, những điều chúng ta chưa từng biết. Nhưng không vì thế mà chúng ta "làm lung tung", cảm tính và thiếu trách nhiệm. Hãy lắng nghe nhiều tiếng nói của các chuyên gia thế giới, trong nước, hãy học kinh nghiệm từ các nước, không sáng tạo ra đường lối riêng. Chỉ có như vậy kinh tế Việt nam, xã hội của chúng ta, mới có thể phục hồi và phát triển.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận