Xe nằm chỗ, doanh nghiệp vận tải đường bộ trông chờ hỗ trợ
Sau các ngành hàng không, đường sắt, vận tải đường bộ cũng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Các chuyên gia, doanh nghiệp vận tải cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đưa ra ngoài việc được thực hiện một cách khẩn trương, kịp thời cũng cần phù hợp với hoàn cảnh thực tế của các doanh nghiệp.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, do liên tiếp chịu tác động của dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp vận tải đường bộ gặp nhiều khó khăn. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà những cá nhân tham gia vào các hợp tác xã, chạy xe tự do cũng lâm vào cảnh thu không đủ chi. Nhiều đơn vị, cá nhân đã tính đến phương án bán xe để trả nợ, bởi càng cầm cự sẽ càng lỗ nặng.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, qua 4 đợt dịch, doanh nghiệp vận tải gần như kiệt quệ, sản lượng và doanh thu vận tải hành khách bằng ôtô sụt giảm từ 70 - 80% so với trước khi diễn ra đại dịch COVID-19. Trong khi đó, vận tải hàng hóa cũng bị gián đoạn, thời gian giao hàng kéo dài và chi phí tăng cao.
Đến thời điểm này, theo báo cáo của các hiệp hội vận tải địa phương, nhiều đơn vị đã tính đến việc thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí, có đơn vị phải dừng hoạt động.
Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch Hải Định, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Đơn vị có 18 xe khách chạy các tuyến đường dài. Nếu không có dịch, mỗi ngày có 2-3 chuyến/tuyến, nhưng từ năm ngoái đến nay, hàng loạt xe của công ty đều hoạt động cầm chừng, liên tục phải nghỉ do dịch.
Đặc biệt, năm nay, hầu hết các xe nghỉ từ dịp lễ 30/4-1/5 đến nay, nhúc nhắc được vài xe chạy đến hết tháng 5 rồi nghỉ hẳn. Xe nghỉ nên hàng loạt lao động mất việc làm. Phải ngừng hoạt động do dịch, không có nguồn thu nhưng mỗi tháng doanh nghiệp vẫn phải chi phí cả trăm triệu đồng cho việc tu bổ xe, bảo dưỡng, trả lương cho 6 lao động…; đó là chưa kể đến tiền lãi suất hàng tháng. Vì vậy, bà Trần Thị Hải bày tỏ mong muốn sớm được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp phần nào bớt khó khăn hơn.
Ông Trần Văn Thọ, chủ một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Thái Bình cho biết, thời gian qua, sản lượng và doanh thu của doanh nghiệp giảm hơn 80%, nhiều người lao động không có việc làm.
Hầu hết các đầu xe phải ngừng chạy do không có hàng nhưng doanh nghiệp vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ. Trong khi đó, nhiều loại thuế, phí, lãi ngân hàng, các loại phí bảo hiểm không được giảm; tiền thu kho bãi cũng tăng cao từ đầu năm đến nay.
“Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần nghiên cứu quy định cụ thể cho những lĩnh vực chịu tác động nặng nề, mức hỗ trợ cần cao hơn, các điều kiện cũng cần đơn giản hơn. Thời gian qua, một số chính sách đã được ban hành nhưng các doanh nghiệp rất khó tiếp cận do thủ tục còn rườm rà, phức tạp”, ông Thọ thông tin.
Ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ - vận tải Thống Nhất, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết, kể từ đầu tháng 6/2021 đến nay, xe buýt liên tỉnh từ Đồng Nai đi Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương đã dừng hoạt động. Phương tiện của các xã viên trong hợp tác xã phải “đắp chiếu”, kéo theo đó là đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ không có thu nhập. Nếu tình trạng này kéo dài, việc duy trì sản xuất, kinh doanh đến khi vận tải phục hồi sẽ gặp nhiều khó khăn.
Các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ tín dụng, giảm các loại thế phí nhưng trên thực tế còn rất nhiều lực cản để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Có thể kể đến Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát - đơn vị sở hữu hãng xe khách Sao Việt thông tin: “Không chỉ doanh nghiệp của chúng tôi mà phần lớn các doanh nghiệp vận tải khu vực phía Bắc đều không tiếp cận được gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP. Nguyên nhân là nhiều tỉnh chưa thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg nên doanh nghiệp chưa dừng hoạt động. Hà Nội cũng mới dừng hoạt động từ ngày 24/7 nên chúng tôi không đáp ứng điều kiện gói hỗ trợ đưa ra”.
Ông Đỗ Văn Bằng dẫn lý do của việc này đó là tại Nghị quyết 68/NQ-CP, doanh nghiệp được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% với điều kiện phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch. Đồng thời, không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng lần 1 thực hiện trước đó, ông Đỗ Văn Bằng cho biết, doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận bởi điều kiện của gói này là chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp bị dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên. Trong khi đó, thời gian tạm dừng hoạt động của các đơn vị vận tải ở Hà Nội thời điểm trước đó dài nhất mới là 28 ngày.
"Chúng tôi nhiều lần kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước nhưng chỉ nhận được phản hồi là nên chủ động làm việc, đề xuất với tổ chức tín dụng", ông Bằng cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Mai Linh vùng I cho hay, khi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 68/NQ-CP, bản thân doanh nghiệp Mai Linh và nhiều hãng vận tải khác sẽ không đủ các điều kiện được nhận hỗ trợ và vay vốn ưu đãi.
Ông Nguyễn Công Hùng lý giải, doanh nghiệp taxi sẽ không tiếp cận được, bởi quy định nêu rất rõ chỉ áp dụng hỗ trợ đối với doanh nghiệp dừng hoạt động để cách ly, người lao động bị cách ly, giãn cách, số lượng xe dừng hoạt động 100%… Tuy nhiên, 80% taxi của Mai Linh dừng hoạt động, số xe còn lại chỉ được phép chở 50% số chỗ ngồi, vậy nên bản chất có hoạt động cũng như không.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội thông tin, các nội dung về hỗ trợ trong Nghị quyết số 68/NQ-CP đã được hiệp hội tổ chức cuộc họp phổ biến đến các doanh nghiệp thành viên, đặc biệt là các nội dung vay vốn với lãi suất 0 đồng để trả lương thất nghiệp cho người lao động.
Riêng nội dung về vay vốn hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, hiệp hội đã làm việc với các ngân hàng để có hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp thành viên có nhu cầu vay vốn.
Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên băn khoăn, về nội dung hỗ trợ cho hoạt động vận tải, hiệp hội đề nghị cần phân định rõ các loại hình vận tải bởi khi thực hiện giãn cách thì vận tải hành khách bị ảnh hưởng, thậm chí dừng hoạt động. Trong khi đó, hoạt động vận tải hàng hóa không bị ảnh hưởng nhiều. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đúng đối tượng, hợp lý.
Một chủ doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng (xin được giấu tên) chia sẻ, trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hầu hết doanh nghiệp và người lao động đã quá khó khăn. Ngân sách nhà nước cũng đang khó khăn và cộng đồng doanh nghiệp cũng rất chia sẻ. Người xưa đã nói "một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Lúc này, doanh nghiệp mong ngóng chính sách hỗ trợ từ Nghị Quyết 68/NQ-CP đến tay sớm ngày nào hay ngày đó. Doanh nghiệp của ông cũng đang nghiên cứu xem xét để trình hồ sơ vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo các chuyên gia kinh tế, so sánh với các gói hỗ trợ trước đây mà doanh nghiệp và người lao động phản ánh là quá nhiều tiêu chí, tiếp cận rất khó, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP mang đến hy vọng cho doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tuy nhiên, có những quy định về điều kiện hưởng hỗ trợ lại như rào cản khiến doanh nghiệp tiếp tục phải "ngóng chờ". Vì vậy, các cơ quan chức năng cần căn cứ vào tình hình thực tế, đặc biệt là từng đối tượng để nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng hơn.
Đề cập đến cơ chế, chính sách để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ linh hoạt cho các doanh nghiệp vận tải.
Cụ thể, đối với vận tải đường bộ, Bộ đã hỗ trợ giãn đóng một số khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021; giảm 30% phí bảo trì đường bộ đối với doanh nghiệp vận tải hành khách, 10% với xe tải và hỗ trợ các phương tiện mua vé tháng, vé quý qua các trạm BOT; lùi quy định lắp camera trên xe kinh doanh vận tải...
Về giải pháp hỗ trợ thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ tiếp tục có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay... Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% hoặc 0% đến hết năm nay đối với ngành kinh doanh vận tải bằng xe ô tô./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận