Xây sân bay Long Thành: Vốn sẵn, bao giờ về đích?
Theo kế hoạch, đúng ngày 5/1/2021, Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành, Đồng Nai) giai đoạn 1 sẽ khởi công gói thầu đầu tiên. Dự kiến sau 5 năm xây dựng, sân bay này sẽ đi vào hoạt động, và hướng tới mục tiêu trở thành sân bay trung chuyển toàn cầu, cạnh tranh với các sân bay lớn trong khu vực, đặc biệt của Singapore và Thái Lan.
Vốn đã sẵn sàng
Sáng 5/1/2021, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ tổ chức Lễ khởi công xây dựng sân bay Long Thành. Theo quyết định của Chính phủ, Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ xong và đưa vào sử dụng từ năm 2025, tổng mức đầu tư hơn 109.111 tỷ đồng (tương đương hơn 4,66 tỷ USD), với 4 dự án thành phần. Chính phủ giao ACV làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 (gồm xây dựng và khai thác các công trình thiết yếu của sân bay, như đường băng, đường lăn, sân đỗ, nhà ga, các hạ tầng chung, 2 tuyến đường bộ kết nối sân bay…).
Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ACV Lại Xuân Thanh cho biết, tổng vốn đầu tư các công trình do ACV đảm trách lên đến hơn 99.000 tỷ đồng, sử dụng vốn ACV tự có và đi vay (Chính phủ không bảo lãnh vay). Theo ông Thanh, ngay khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Long Thành (tháng 9/2019), trong đó có nội dung giao ACV làm chủ đầu tư, ACV đã chủ động lên phương án thực hiện, như: Chuẩn bị vốn, ký ghi nhớ các khoản vay, kế hoạch giải ngân, chuẩn bị hồ sơ... “Chúng tôi quyết tâm hoàn thành dự án vào năm 2025, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”, ông Thanh nói.
Về nguồn vốn, theo lãnh đạo ACV, tới hết năm 2019, ACV có lượng tiền mặt tích lũy hơn 25.200 tỷ đồng. Dự kiến, từ nay tới năm 2025 tích lũy thêm hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, ACV có vốn chủ sở hữu hơn 36.600 tỷ đồng (tương đương hơn 1,56 tỷ USD), số còn thiếu ACV sẽ đi vay, hiện đã có 12 tổ chức tín dụng cam kết cho ACV vay khoảng 5 tỷ USD (thời hạn vay 15 năm) để làm sân bay Long Thành. Theo ông Thanh, dịch COVID-19 đã tác động không ít tới ACV, và cả kế hoạch tích lũy vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản đến năm 2025. Dù vậy, ACV vẫn ưu tiên nguồn lực tài chính cho sân bay Long Thành, bên cạnh việc cân đối vốn để hoàn thiện các dự án quan trọng khác, như nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga sân bay Phú Bài, Cát Bi, Vinh, mở rộng nhà ga T2 sân bay Nội Bài, mở rộng sân bay Điện Biên...
Theo ACV, việc triển khai sân bay Long Thành rất thuận lợi, khi mặt bằng để triển khai dự án đã giải phóng xong, nguồn vốn của ACV đã có sẵn. ACV sẽ tăng cường tối đa nhân lực để triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Song song với quá trình đầu tư xây dựng, ACV sẽ tuyển chọn và đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu vận hành sân bay ngay khi hoàn thành (cần 5.000 - 6.000 người vận hành giai đoạn 1).
Dự án đầu tư sân bay Long Thành chia làm 3 giai đoạn, tổng công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng mức đầu tư khái toán hơn 336.630 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD, theo tỷ giá năm 2014). Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, sẽ làm ngay giai đoạn 2 để có thêm 1 đường băng và 1 nhà ga, đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Sau đó triển khai giai đoạn 3, để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Hiện đại nhất nhì trên thế giới?
Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi hoàn thành sẽ đạt cấp 4F (theo phân cấp của ICAO), hướng tới thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế. Giai đoạn 1 của dự án sẽ làm 1 đường băng, xây 1 nhà ga hành khách, các hạng mục phụ trợ để phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; đầu tư 2 tuyến đường bộ kết nối sân bay.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sân bay Long Thành sẽ là sân bay hiện đại nhất Việt Nam. Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT cũng xác định khi hoàn thành sân bay Long Thành sẽ phải cạnh tranh với sân bay các nước trong khu vực để trở thành sân bay trung chuyển, nên đưa vào dự án các công nghệ, thiết bị hiện đại nhất. Việc kiểm soát hành khách và hàng hoá qua sân bay gần như tự động hoàn toàn. Do đó, khi thẩm định dự án, Hội đồng thẩm định nhà nước cũng lần đầu tiên thuê 1 tư vấn nước ngoài để rà soát lại hồ sơ của dự án, tư vấn thẩm tra, phản biện mất gần 1 năm.
Sau khi tư vấn phản biện, Hội đồng thẩm định mới thông qua để trình Thủ tướng quyết định. Tháng 11/2020, Thủ tướng quyết định đầu tư dự án và giao ACV làm nhà đầu tư chính, ACV đã khẩn trương thực hiện thủ tục để triển khai đấu thầu, để đi đến khởi công vào ngày 5/1. Do ACV đã thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, nên Bộ GTVT sẽ hỗ trợ tối đa công tác quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để tiến độ dự án đạt theo kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025.
Theo ông Thể, việc triển khai xây dựng sân bay Long Thành khá thuận lợi, khi tới nay tỉnh Đồng Nai đã bàn giao 1.600 ha mặt bằng sạch hoàn toàn (trong tổng số 1.810ha cho xây dựng giai đoạn 1). 200 ha còn lại cũng không còn vướng mắc, các hộ dân đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ, đang chờ xong khu tái định cư sẽ di dời để bàn giao đất cho nhà đầu tư, nên không ảnh hưởng tới dự án.
Báo cáo của tư vấn thiết kế đưa ra tính toán, sân bay Long Thành đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, tới năm 2030, dự án đóng góp 0,98% GDP của Việt Nam, tạo ra 200.000 việc làm.
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 (gồm trụ sở cơ quan quản lý nhà nước), Chính phủ giao các đơn vị nhà nước bố trí vốn đầu tư, hoặc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Dự án thành phần 2 (gồm các công trình phục vụ quản lý bay), do TCT Quản lý bay Việt Nam đầu tư. Dự án thành phần 3 (công trình thiết yếu khu bay) do ACV làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 4 (các công trình khác) do Bộ GTVT chọn nhà đầu tư. Vốn đầu tư các dự án do chủ đầu tư tự thu xếp, không sử dụng bảo lãnh của Chính phủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận