24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xây nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất bằng nguồn vốn nào?

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhưng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Kêu gọi xã hội hóa…?

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có ý kiến kết luận rõ Dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời, làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Xây nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất bằng nguồn vốn nào?

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, diện tích mặt bằng nhà ga khoảng 110.000 m2, mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.670 m...

Theo kế hoạch, Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, diện tích mặt bằng nhà ga khoảng 110.000 m2, mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.670 m, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ hệ thống kỹ thuật, giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mặt, thoát nước thải). Dự án được xây dựng trên diện tích 16,05 ha. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 10.990 tỷ đồng.

Liên quan đến ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng về việc xây dựng nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất nhưng không sử dụng vốn ngân sách, PGS.TS Nguyễn Du Sanh – Giảng viên Trường Đại học KHTN TP.HCM, cho rằng: Sân bay Tân Sơn Nhất trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, và đã cổ phần hóa cuối năm 2015, nhưng theo thông tin thì hiện Bộ Giao thông Vận tải đang kiến nghị mua lại số cổ phần đã bán. Và theo số liệu tới ngày 1/4/2019, cổ đông Nhà nước với đại diện là Ủy ban quản lý vốn đang nắm giữ hơn 2 tỷ cổ phần, tương đương 95,4% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại, chiếm 4,6% vốn điều lệ, do các cổ đông tổ chức và cá nhân sở hữu.

Như vậy, nếu như việc xây dựng nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thì không còn cách nào khác phải là phải kêu gọi xã hội hóa thông qua các hình thức, liên doanh, liên kết, cổ phần để thực hiện dự án này.

Có thể nói, hiện tại tiềm lực của các doanh nghiệp Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều kể cả năng lực, trình độ, lẫn tài chính. Và Tập đoàn FLC đầu tư hãng hàng không Bamboo, Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, do Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) là Chủ đầu tư, là một ví dụ cho việc này.

Do đó có thể khẳng định, hiện tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia đầu tư theo mô hình xã hội hóa, thậm chí hiệu quả hơn các doanh nghiệp nhà nước. Lý do hiệu quả hơn là “vì họ phải bỏ một khoản tiền lớn để đầu tư cho dự án và với mục đích thu hồi vốn và lợi nhuận sinh lời cao”. Bằng chứng là một số doanh nghiệp nhà nước, sau khi được cổ phần hóa, nhiều cá nhân đã tham gia và kết quả là lợi nhuận rất cao, và đơn cử như: Công ty Sabeco, Habeco…

Tuy nhiên, PGS.TS Sanh cũng cho rằng, để thực hiện dự án một cách hiệu quả, thành công, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp tư nhân có tham gia. "Song song đó là phải lựa chọn kỹ lưỡng các thành phần tham gia chất lượng, bao gồm: tài chính, năng lực nhân sự, khai thác…" – PGS. TS Sanh nhấn mạnh.

Cần làm rõ cơ chế, pháp lý

Liên quan đến hành lang pháp lý để kêu gọi xã hội hóa, thu hút được các nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án nêu trên, Luật sư Nguyễn Hải Vân – Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, cho rằng: Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào các công trình nhà nước nói chung và nhà ga T3 tân Sơn Nhất nói riêng là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần sớm làm rõ cơ chế pháp lý, danh mục các loại công trình, để tạo lực hấp dẫn thu hút, cũng như sự yên tâm cho các nhà đầu tư tư nhân khi đã bỏ đồng vốn ra đầu tư.

Nếu chiếu theo các quy định hiện hành về PPP, việc ký hợp đồng chỉ được thực hiện với sự tham dự của 2 thành phần là “cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư”. Vì vậy, việc xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất “không sử dụng vốn ngân sách nhà nước” cần phải xác định rõ ràng, cụ thể.

Song song đó cũng cần phải xác định rõ chủ đầu tư của dự án này là ai. Ai chủ trì và ai có quyền kêu gọi xã hội hóa – Luật sư Vân đặt vấn đề.

Cũng theo Luật sư Vân, sân bay Tân Sơn Nhất trực thuộc ACV, là doanh nghiệp cổ phần và đây cũng chính là mấu chốt của câu chuyện. Mặc dù ACV chiếm 95,4% vốn điều lệ nhưng lại không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, giả sử ACV với vai trò chủ trì tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư các hạng mục kết cấu hạ tầng không thiết yếu và công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không là chưa phù hợp. Nếu chiếu theo các quy định hiện hành về PPP, việc ký hợp đồng chỉ được thực hiện với sự tham dự của 2 thành phần là “cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư”.

Vì vậy, việc xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất “không sử dụng vốn ngân sách nhà nước” cần phải xác định rõ ràng, cụ thể. "Nếu không sẽ “chênh vênh” về mặt pháp lý và không thể thực hiện được" – Luật sư Vân nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
119.70 +0.20 (+0.17%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả