Xây dựng hệ sinh thái để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA
Dư địa để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt các FTA mới đi vào thực thi gần đây như CPTPP, EVFTA, UKVFTA vẫn còn rất lớn.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ thị chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đánh giá, việc ban hành kế hoạch thực hiện các FTA của các địa phương ngày càng tích cực hơn và giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành trong cả nước sang các thị trường FTA thế hệ mới gia tăng đáng kể.
Tuy nhiên, mới chỉ có 38/63 tỉnh thành là có ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP và các hỗ trợ đấy áp dụng chung cho tất cả các ngành, các doanh nghiệp, mà chưa đi sâu vào cụ thể những ngành nghề mà chúng ta cần tận dụng FTA.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, hiện vẫn còn sự cách biệt khá lớn giữa nhu cầu của doanh nghiệp đối với khả năng đáp ứng từ phía các cơ quan nhà nước, địa phương.
Thực tế, doanh nghiệp đang rất mong muốn các cơ quan nhà nước triển khai các công tác hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập một cách hiệu quả hơn, đáp ứng sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Ở góc độ địa phương, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, số lượng doanh nghiệp của Hà Nội có giao dịch xuất khẩu với các nước được ký kết trong Hiệp định FTA cũng còn hạn chế và chưa xứng với tiềm năng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có được các lô hàng hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định.
Trong năm 2022, Hà Nội có khoảng 2.600 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu sang các nước ký kết trong hiệp định và có khoảng 7.900 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu từ các nước ký kết các Hiệp định FTA và đây cũng là một kết quả rất cố gắng của Hà Nội trong thời gian qua.
Để thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA thời gian tới, ông Phạm Ngọc Thạch cho rằng, vẫn còn có khoảng cách rất là lớn giữa cái nhu cầu của các doanh nghiệp và khả năng, mức độ đáp ứng của chính quyền các địa phương, thậm chí cả các cơ quan, tổ chức khác mà tham gia vào tiến trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ các FTA. Do đó, cần phải có đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp, cần phải xuất phát từ những vấn đề rất thực tế ban đầu của các doanh nghiệp.
Đồng thời, cần có những nghiên cứu, đánh giá sâu ngay từ đầu trên cơ sở đó mới có thể thiết kế và triển khai được các chương trình hỗ trợ một cách hiệu quả.
Đặc biệt, trước mắt phải rà soát để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của chúng ta, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Cùng với đó, phải tạo được một cơ chế kết nối phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp.
Còn ông Ngô Chung Khanh cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực có hạn nên không thể hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp, tất cả các sản phẩm mà cần phải dồn nguồn lực nhất định, tập trung cho 1 - 2 mặt hàng chiến lược của mỗi tỉnh, thành.
“Chúng ta cần xây dựng hệ sinh thái để hỗ trợ từ cơ quan trung ương, địa phương, nông dân, doanh nghiệp, các cơ quan có liên quan, cùng ngồi với nhau và xác định để bàn xem hiện nay để phát triển ngành này thì cần phải làm những cái gì”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Ngô Chung Khanh, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành lập tổ công tác liên ngành gồm đại diện các bộ, ngành có liên quan và phối hợp với các tỉnh thành phố chuẩn bị các dữ liệu cũng như phương pháp cần thiết để làm sao khi có tổ công tác thì sẽ bắt đầu triển khai, trao đổi để có được có một phương pháp luận trong thời gian sớm nhất.
“Chúng tôi hy vọng rằng đầu năm 2023 các công việc sẽ chính thức triển khai liên quan về đánh giá FTA Index”, ông Ngô Chung Khanh cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận