Xây dựng chuỗi đô thị hóa để tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025, của Bộ Kế hoạch Đầu tư, đã xác định: “Tuy xác định nông nghiệp là lợi thế so sánh của Đồng bằng sông Cửu Long nhưng vẫn phải khẳng định rằng không thể tăng trưởng kinh tế đột phá nếu tách rời với đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đây cũng là chủ trương chung của định hướng phát triển kinh tế - xã hôi cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn vùng trong khoảng thập kỷ qua đã chứng minh điều này.
Đô thị hóa còn chậm
Tại Hội thảo tham vấn “Định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức tại Cần Thơ, nhiều đại biểu đã quan tâm đến việc hình thành chuỗi đô thị để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo các đại biểu thì tốc độ thị hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tăng tốc, cải thiện hơn nhưng so với nhu cầu vẫn còn chậm.
Ths. KTS Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng) thông tin cho biết: “Đô thị hóa được nhìn nhận là chỉ tiêu của quá trình hiện đại hóa kinh tế - xã hội. Không ngạc nhiên là tỷ lệ đô thị hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (1995: 15,7%, 2003: 19,8%, 2014: 25%) luôn thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (1995:20%, 2003: 25,9%, 2014: 33%). Tuy vậy, trên thực tế, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như Việt Nam, mức độ đô thị hóa còn bị ảnh hưởng do quá trình phân loại hành chính của hệ thống đô thị, cho dù một lượng dân số đô thị có thể vẫn đang sống kiểu nông thôn.
Các tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất và có xu hướng tiếp tục gia tăng chủ yếu nằm trong vùng Nam sông Hậu: Thành phố Cần Thơ (67%), các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng có tỷ lệ đô thị hóa năm 2014 tương đương hoặc gần với tỷ lệ chung của cả nước (tỷ lệ đô thị hóa của An Giang khoảng 30%, Kiên Giang 27%, Bạc Liêu 26%, Sóc Trăng 32%, Cà Mau 23%). Các tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp thuộc khu vực Bắc sông Hậu, thấp nhất là Bến Tre (10%), Đồng Tháp, Long An (18%), Vĩnh Long (17%), Trà Vinh 17%, Tiền Giang 15%”.
Mặc dù trong 15 năm qua kể từ khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thành phố Cần Thơ đã nhiều nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất vùng nhưng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch Đầu tư: “Việc phát triển Cần Thơ làm thủ phủ vùng là một trong những chiến lược quan trọng nhất về vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiến lược này được hỗ trợ rất nhiều chính sách cụ thể, từ hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không tới các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, nghiên cứu, kinh tế… Tất cả những giải pháp chiến lược này đã góp phần hình thành nên một Cần Thơ ngày nay với vị trí rõ ràng hơn hẳn các đô thị khác trong vùng. Tuy nhiên, Cần Thơ chỉ mới đảm nhiệm được một phần hữu hạn các chức năng của một trung tâm vùng về các mặt như: Giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế, dịch vụ thương mại; chưa thực sự đảm nhiệm vai trò của một trung tâm vùng có tính tổng hợp, đặc biệt là vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của vùng. Đa số chủ trương, chính sách hiện nay hướng tới việc phát triển Cần Thơ thành thủ phủ của vùng về chế biến và xuất khẩu lúa gạo và thủy sản thông qua việc đầu tư nâng cấp cảng biển, sân bay, phát triển các khu công nghiệp, khu logictics…
Tuy nhiên, các giải pháp này cho đến nay đều chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân là do thị trường và vận hành luồng hàng của hai lĩnh vực này không tự nhiên hội tụ ở Cần Thơ. Những kết nối hạ tầng tốt từ Thành phố Hồ Chí Minh hơn đến Cần Thơ, thậm chí còn thúc đẩy các nguồn lực bị hút nhanh về phía Thành phố Hồ Chí Minh; luồng người, luồng hàng đầu tư từ các nơi trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng chạy trượt qua Cần Thơ về Thành phố Hồ Chí Minh”.
Phát triển chuỗi đô thị làm động lực phát triển kinh tế vùng
Các chuyên gia cho rằng kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế, từng đô thị nhỏ rất có ít cơ hội mà phải là những vùng đại đô thị có quy mô dân số hàng chục triệu dân. Xét về góc độ phát triển đô thị, toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng không đủ lực để tạo thành một vùng như vậy; do đó, cần nhìn nhận đúng thực tế về việc không thể tách rời vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ.
Quan điểm mới về định hướng phát triển đô thị của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đó là phát triển chuỗi đô thị hiện hữu dọc theo sông Tiền, sông Hậu thành vùng đô thị hóa - công nghiệp hóa tập trung, trong đó thành phố Cần Thơ vẫn giữ vị trí và vai trò trung tâm vùng. Vùng đô thị này liên kết phát triển chặt chẽ Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ ở phía Đông và kết nối quốc tế với Campuchia về phía Tây.
Theo Ths.KTS Nguyễn Thanh Hải, phát triển vùng công nghiệp gắn với phát triển đô thị. Phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một hệ thống kinh tế xuất khẩu mạnh mẽ (chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp địa phương). Kiến tạo các trung tâm phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tập trung khai thác các tiềm năng đất đai màu mỡ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một nền nông nghiệp và thủy sản phát triển cao vận hành nhịp nhàng với các trung tâm đô thị và chế biến cho mỗi tiểu vùng sinh thái đô thị (gồm Hồng Ngự, Hà Tiên, Rạch Giá, Cần Thơ, Bạc Liêu và Cà Mau), kết hợp các đô thị trung tâm tỉnh lỵ khác của vùng (gồm Tân An, Cao Lãnh, Long Xuyên, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Vị Thanh và Sóc Trăng).
Phát triển hệ thống đô thị từ tập trung đa cực sang mô hình phân tán theo các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, gắn với quá trình công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp. Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, dân số nội thành 1,3 triệu người và dân số chung khoảng 1,6 triệu người, có vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, nghiên cứu, đào tạo, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng và tiểu vùng dọc sông Tiền, sông Hậu.
Các đô thị loại I có vai trò cấp vùng bao gồm 06 thành phố tỉnh lỵ: Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Long Xuyên (tỉnh An Giang), Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và Tân An (tỉnh Long An), có dân số nội thành 180-300 ngàn người.
Các đô thị được đề xuất đóng vai trò trung tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, gồm: Thành phố Cần Thơ (tiểu vùng dọc sông Tiền sông Hậu), thành phố Rạch Giá (tiểu vùng Tây sông Hậu), thành phố Cà Mau (tiểu vùng bán đảo Cà Mau), thành phố Bạc Liêu (tiểu vùng ven biển Đông), thành phố Hà Tiên (tiểu vùng tứ giác Long Xuyên, Hồng Ngự (tiểu vùng Đồng Tháp Mười). Tại các đô thị này, vai trò vung tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp được thúc đẩy bằng các trung tâm chuyên ngành về nghiên cứu ứng dụng, giúp kiến tạo và đổi mới sản phẩm nông nghiệp và bảo tồn hệ thống sinh thái đặc trưng của các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp. Bên cạnh đó, các đô thị này cũng là trung tâm du lịch tiểu vùng.
Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết tương lai vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chuỗi đô thị tập trung theo dọc sông Hậu từ Châu Đốc tới Cần Thơ, dọc theo sông Tiến từ cửa khẩu An Giang tới Bến Tre rổi rẽ ngang về phía thành phố Hồ Chí Minh, tạo thành một chuỗi đô thị hình trăng lưỡi liềm, là một vành đai đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong vành đai này là nơi tập trung hiện hữu sức người, sức của và cũng là những vùng đất tương đối thuận lợi cho phát triển và định cư lâu đời. Vì thế, việc đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, hạ tầng lớn như cao tốc cần ưu tiên đầu tư trong vành đai này mới đạt được hiệu quả. Nếu dàn trải ra những vùng mật độ thấp một cách khiên cưỡng thì hiệu quả lại không cao.
Vành đai đô thị hình trăng lưỡi liềm, kết nối giữa cửa khẩu Châu Đốc và Thành phố Hồ Chí Minh là cấu trúc lớn cơ bản của vùng. Trog vành đai nay, sẽ phát triển những chuỗi đô thị và chuỗi sản xuất, cung ứng tổng hợp cho toàn vùng về công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch trên cơ sở liên kết kinh tế giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ, cũng như liên kết với các khu vực quốc tế.
Định hướng chiến lược chủ đạo của khu vực này là hướng tới tăng mật độ và chất lượng cung ứng dịch vụ, để nâng cao lợi thế cạnh tranh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp độ quốc gia, quốc tế; qua đó, thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn để tạo nên bước nhảy vọt về phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, việc phát triển kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh nguồn lực có hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận