Xăng giả lộng hành: Phải xử nghiêm, phạt nặng
Xăng, dầu giả lộng hành không chỉ gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các DN làm ăn chân chính mà còn xâm hại tới quyền lợi người tiêu dùng.
Xăng, dầu giả - mặt hàng siêu lợi nhuận
Những năm gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán xăng dầu giả vẫn chưa có dấu hiêụ “hạ nhiệt” khi hàng loạt vụ gian lận thương mại “khủng” trong kinh doanh xăng, dầu bị phát hiện gây hoang mang dư luận. Trong tháng 2/2021, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá đường dây sản xuất và buôn lậu xăng giả lớn chưa từng có với tang vật thu được là gần 2,7 triệu lít xăng, 4 thùng hóa chất tạo màu cùng hơn 100 tỷ đồng tiền mặt. Trong tháng 3/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long đã xử phạt Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hồng Nga (trụ sở tại ấp An Hiệp, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ) hơn 167 triệu đồng vì bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Lô hàng vi phạm là 5.000 lít dầu DO 0,05S, trong đó đã bán 3.210 lít.
Theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), năm 2020 lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 4.550 vụ việc liên quan đến mặt hàng xăng, dầu, xử lý 1.291 vụ với tổng số tiền xử phạt gần 14 tỷ đồng. So với các mặt hàng khác, gian lận thương mại trong xăng, dầu rất lớn, trung bình mỗi ngày có 1,5 vụ vi phạm. Những con số nêu trên cho thấy, mặc dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng vấn nạn xăng, dầu giả vẫn đang có chiều hướng ngày một gia tăng bởi sức hấp dẫn đến từ lợi nhuận. Lý giải nguyên nhân của vấn nạn này, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo cho biết, mỗi lít xăng chịu 4.000 đồng/lít tiền thuế môi trường; 4.000 đồng/lít các loại thuế, phí. Như vậy, mỗi lít xăng giả, DN đút túi ít nhất 8.000 đồng, chưa kể còn được hưởng chiết khấu chung khoảng 1.100 - 1.200 đồng/lít. "Trong kinh doanh xăng, dầu, tỷ lệ thuế, phí chiếm đến 50 - 60% đối với giá thành xăng và khoảng 40% với dầu. Nếu buôn lậu, số lãi tương ứng là 60% với xăng và 40% với dầu. Nếu làm giả lãi thêm 10 - 15%” – ông Bùi Ngọc Bảo phân tích.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hiện Việt Nam có 40 DN là đầu mối kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng, dầu, trong khi nhiều nước công nghiệp phát triển số lượng DN đầu mối xuất, nhập khẩu xăng, dầu ít hơn. Đơn cử như Hàn Quốc có 5 DN; Trung Quốc 5 DN; Nhật Bản 4 DN; Singapore 5 DN…
Bất cập trong quản lý
Mặc dù lực lượng chức năng đã đẩy mạnh ngăn chặn hoạt động sản xuất xăng giả, nhưng trong quá trình kiểm tra gặp không ít khó khăn. Phó cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, mánh khóe của các đối tượng gian lận là mua các chất dung môi, phụ gia, dùng để pha chế xăng dầu kém chất lượng. Kẻ gian cũng dễ dàng mua xăng dầu có chỉ số octan thấp pha trộn với xăng dầu có chỉ số octan cao, pha thêm dung môi, phụ gia, chất tạo màu để cho ra loại xăng dầu có chỉ số octan theo tiêu chuẩn (RON 95). “Trong quá trình kiểm tra lấy mẫu, có xác định lượng hàng tồn nhưng QLTT không thể tạm giữ bởi quá trình bán hàng của DN là liên tục nên khi có kết quả sai phạm thì lượng xăng vi phạm đã bán hết, rất khó khăn xử lý tang vật”- ông Trịnh Quang Đức chia sẻ.
Nói về những bấp cập trong quản lý hệ thống phân phối kinh doanh xăng, dầu, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho hay, mặc dù đã có quy định, thương nhân kinh doanh cửa hàng bán lẻ phải ghi chép chứng từ, số lượng và chất lượng xăng, dầu nhưng trên thực tế chỉ kiểm soát được đầu vào. Người dân mua xăng, dầu tại các cửa hàng không lấy hóa đơn khiến cho cơ quan chức năng không thể kiểm soát được lượng xăng, dầu bán ra. Do đó, các hệ thống lợi dụng kẽ hở này để nhập nhèm đưa xăng lậu, xăng kém chất lượng vào tiêu thụ.
Chỉ ra những chồng chéo trong công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) Thân Đức Công cho rằng, hiện nay, có rất nhiều cơ quan có thể kiểm tra, kiểm soát kinh doanh xăng dầu như: QLTT, Bộ KH&CN, Công an… Chính vì vậy, khi phát hiện vụ sản xuất xăng giả quy mô lớn, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng không làm tròn nhiệm vụ vì… sợ giẫm chân lên nhau. Theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu (Nghị định 83) lực lượng QLTT khi kiểm tra các cửa hàng xăng dầu chủ yếu tập trung vào việc niêm yết giá, gian lận đo lường, còn việc kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu do Bộ KH&CN, và Sở KH&CN địa phương đảm nhiệm.
Theo Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Chu Xuân Kiên, các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu hết sức phức tạp, có tính phổ biến với thủ thuật tinh vi, đặc biệt là thủ thuật thay đổi phần mềm có sai số lớn cài đặt lên bộ vi xử lý để gian lận đo lường. “Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, bao gồm: Sở KH&CN, Sở Công Thương, Công an kinh tế, Thuế, Cục QLTT, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Trong quá trình cấp phép kinh doanh xăng, dầu, cơ quan quản lý phải yêu cầu DN, hộ kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Nếu vi phạm phải xử lý nghiêm, đồng thời rút giấy phép; nếu sai phạm nhiều lần rút giấy phép vĩnh viễn không cho kinh doanh, nhất là vi phạm về chất lượng" - ông Chu Xuân Kiên kiến nghị.
Đưa ra giải pháp ngăn chặn xăng dầu nhập lậu, giả, PGS.TS Ngô Trí Long khuyến nghị, một trong những giải pháp quan trọng là quản lý từ “gốc”, nói cách khác, cần quy hoạch lại thương nhân đầu mối xuất, nhập khẩu xăng, dầu, thương nhân phân phối xăng, dầu. Thương nhân bán lẻ xăng dầu buộc phải chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như số lượng xăng, dầu bán cho người dân, bị xử lý nghiêm khắc nếu vi phạm. Cần có quy định bắt buộc áp dụng khoa học công nghệ như gắn camera theo dõi 24/24h tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, gắn thiết bị định vị đối với tất cả các phương tiện vận chuyển xăng, dầu. Góp ý việc sửa đổi Nghị định 83, Bộ Công an cũng yêu cầu đơn vị soạn thảo sửa đổi Nghị định 83 cần quy định bắt buộc kẹp chì niêm phong đồng hồ tổng các bể chứa xăng dầu và kết nối dữ liệu cột bơm bán hàng tại cửa hàng, đại lý xăng dầu đến cơ quan thuế. Theo đại diện Bộ Công an, quy định này sẽ ngăn chặn thủ đoạn DN kinh doanh xăng dầu lợi dụng người tiêu dùng không lấy hóa đơn VAT nhằm mục đích hợp thức hóa xăng dầu lậu và trốn thuế.
Chỉ khi nào xử lý vấn đề gốc trong quy trình từ nhập khẩu, sản xuất xăng dầu đến bán lẻ cho người tiêu dùng cùng với đầu tư cho lực lượng thực thi pháp luật mới có thể chặn đứng vấn nạn xăng dầu giả.
Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự tham gia của người dân nhằm phát hiện, tố giác, xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và DN làm ăn chân chính - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh
Xăng, dầu lậu, kém chất lượng tràn lan trên thị trường đã gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Do vậy, cần có cơ chế bồi thường cho người tiêu dùng như lập quỹ bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực xăng dầu. Mặt khác, các ngành gồm công an, quản lý thị trường, biên phòng, hải quan... có thể kiểm tra chéo nhau để hạn chế tình trạng bao che, cục bộ - Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận