Xả cổ phiếu blue-chips, VN-Index bốc hơi gần 10 điểm
Đà phục hồi chiều nay bị chặn đứng bằng một nhịp xả lớn ở các cổ phiếu blue-chips. VN-Index lẫn VN30-Index gần như rơi tự do từ khoảng 2h10 trở đi. Nhóm VN30 giảm tới 1,01% xác nhận sức ép mạnh, khiến VN-Index cũng “bay” gần 10 điểm tương đương -0,92%. Riêng nhóm cổ phiếu nhỏ, hàng đầu cơ vẫn trụ giá được, dù hầu hết cũng phải trả lại mức tăng đáng kể...
Đà phục hồi chiều nay bị chặn đứng bằng một nhịp xả lớn ở các cổ phiếu blue-chips. VN-Index lẫn VN30-Index gần như rơi tự do từ khoảng 2h10 trở đi. Nhóm VN30 giảm tới 1,01% xác nhận sức ép mạnh, khiến VN-Index cũng “bay” gần 10 điểm tương đương -0,92%. Riêng nhóm cổ phiếu nhỏ, hàng đầu cơ vẫn trụ giá được, dù hầu hết cũng phải trả lại mức tăng đáng kể.
Đợt bán xuất hiện khá bất ngờ, đúng lúc thị trường đang có tín hiệu đi lên. VN-Index lúc hơn 2h còn tạo đỉnh cao nhất ngày, tăng nhẹ 0,34% so với tham chiếu. Loạt cổ phiếu lớn như VIC, VHM, HPG, BID, VPB, TCB... gần như rơi cùng nhịp tạo sức ép cộng hưởng lớn.
Chỉ trong 15 phút, VN-Index rơi thẳng đứng với biên độ giảm 0,84% và tạo đáy trong phiên khớp lệnh liên tục. Chưa hết, đến đợt ATC lại thêm một lần “nhồi” bán nữa, chỉ số rơi tiếp và đóng cửa giảm 0,92% so với tham chiếu.
Nhóm trụ lớn dĩ nhiên là “tác giả” chính của mức giảm này: VHM giảm 1,92%, VCB giảm 0,98%, VIC giảm 1,8%, GVR giảm 3,7%, CTG giảm 1,5%, VPB giảm 1,42%... Trong 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất thì toàn bộ là các mã thuộc nhóm VN30.
Nhà đầu tư nước ngoài không phải là bên bán chính chiều nay. Khối ngoại chỉ bán hơn 500 tỷ đồng phiên chiều, mua vào 445 tỷ đồng, tức là gần như cân bằng. Tính ở HoSE thì quy mô bán của khối ngoại chỉ chiếm 5,6% tổng giá trị giao dịch. Nhà đầu tư trong nước mới là đối tượng chính.
Điều khá bất ngờ là tuy các blue-chips bị ép rất mạnh nhưng nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn trụ lại được khá tốt. Độ rộng cuối ngày của VN-Index ghi nhận 194 mã tăng/209 mã giảm, không quá chênh lệch. Trong đó rổ VNSmallcap có tới 116 mã tăng giá, trong đó 75 mã tăng hơn 1%. 7 mã trong nhóm vốn hóa nhỏ tiếp tục kịch trần là VPH, VRC, CCI, IBC, PTC, QCG và MDG. Dĩ nhiên các mã này thanh khoản quá nhỏ, chỉ IBC với 17,2 tỷ đồng là lớn nhất.
Tính chung thanh khoản của nhóm cổ phiếu tăng giá hơn 1% của rổ VNSmallcap cũng chỉ khoảng 422 tỷ đồng, rất nhỏ so với tổng giao dịch chung. Dù vậy cũng có khá nhiều cổ phiếu thanh khoản tương đối tốt như TCD khớp 20,9 tỷ; APH khớp 55,7 tỷ, VPG khớp 56,7 tỷ, LDG khớp 73,9 tỷ.
Dù vẫn tăng giá khá nhiều nhưng các cổ phiếu này cũng vẫn bị ảnh hưởng nhất định từ diễn biến chung. Chỉ có khoảng 20 cổ phiếu trong rổ là vẫn đóng cửa ở mức giá cao nhất, còn lại đều phải thu hẹp biên độ tăng. Các cổ phiếu thanh khoản càng cao trong nhóm này thì bị ép xuống càng nhiều. Đây là điều bất lợi của thanh khoản tốt vì rất dễ bị bị xả hàng. LDG, HHV, VIX, HQC, KSB là các mã thanh khoản cả trăm tỷ đồng mỗi mã nhưng đóng cửa đều đỏ và bốc hơi 3% tới 7% so với mức giá đỉnh trong phiên.
Giao dịch chiều nay tăng 47% so với phiên sáng trên hai sàn niêm yết, đạt 10.071 tỷ đồng. Đây cung là ngưỡng thanh khoản phiên chiều cao kỷ lục kể từ đầu tháng 2/2023 và cũng là phiên chiều duy nhất giao dịch trên 10.000 tỷ đồng trong thời gian này. Điều đó cho thấy đã có một đợt chốt lời lớn. HoSE có 40 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên, chiếm 71% tổng giao dịch của sàn, thì chỉ 10 mã còn tăng giá so với tham chiếu, 28 mã khác giảm giá.
Thị trường giữ được mức phân hóa ở cổ phiếu là tín hiệu tốt nhất hôm nay, nhưng điều đó không chắc có thể duy trì được lâu. Chỉ số mất nhiều điểm sẽ khiến tâm lý chung dao động theo. Nhóm cổ phiếu đầu cơ là các mã khỏe nhất chiều nay thì cũng vẫn bị tác động, rất nhiều cổ phiếu tụt giá dần xuống. Mặt khác, chỉ số đảo chiều cũng có thể bị diễn giải tiêu cực vào lúc này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận