WB: Kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 4,8% năm 2021
Theo kịch bản cơ sở trong Báo cáo “Điểm lại” vừa phát hành của WB, Việt Nam được dự báo sẽ chỉ đạt tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021, thấp hơn 2 điểm phần trăm so với dự báo WB đưa ra vào tháng 12/2020, do tác động tiêu cực của đợt dịch COVID-19 hiện
Mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở này được tính toán dựa trên giả định đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV. Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ từ việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin diện rộng, sao cho ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng mới.
Liên quan đến cân đối ngân sách, ở kịch bản này WB dự báo bội chi ngân sách có thể ở mức 6% GDP năm 2021; 5,9% năm 2022 và 5,4% năm 2023.
Điểm lại một số kết quả hoạt động kinh tế đã đạt được, báo cáo lưu ý đến doanh số bán lẻ trong tháng 7 giảm 19,8% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020; Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất cũng giảm đáng kể.
Về kinh tế đối ngoại, cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt trong vài tháng qua, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài phần nào thể hiện sự thận trọng.
Các chuỗi cung ứng và các khu công nghiệp bị gián đoạn do dịch COVID-19 tái bùng phát diện rộng dường như đã buộc các đơn vị xuất khẩu phải tạm thời đóng cửa nhà máy hoặc đình hoãn sản xuất, theo báo cáo.
“Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vác-xin, và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, và để kích thích phục hồi”, ông Rahul Kitchlu, quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.
Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng theo WB, các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 - 7% từ năm 2022 trở đi.
WB dự báo dòng vốn FDI sẽ phục hồi lại mức như trước COVID-19, do được nâng đỡ bởi xu hướng tái cấu trúc các chuỗi giá trị toàn cầu và nhu cầu đa dạng hóa các nguồn đầu vào sản xuất của nhiều chính phủ và công ty đa quốc gia.
Báo cáo khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần xử lý những hệ quả xã hội của khủng hoảng COVID-19 bằng cách cải thiện chiều sâu và hiệu quả của các chương trình an sinh xã hội. Các cấp chính quyền cũng cần cảnh giác với rủi ro gia tăng ở khu vực tài chính, cụ thể là cần quan tâm đến nợ xấu. Chính sách tài khóa cũng cần được quan tâm hơn nữa vì các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách cân đối cho phù hợp giữa nhu cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế và nhu cầu duy trì nợ công ở mức bền vững.
Bên cạnh phân tích về những xu hướng gần đây của nền kinh tế, báo cáo cũng dành một phần quan trọng bàn về "Số hóa - Con đường đi đến tương lai", đi sâu vào những gì Việt Nam cần thực hiện để tối đa hóa những lợi ích do quá trình chuyển đổi số mang lại, đồng thời đạt được tham vọng trở thành một trong những nền kinh tế số tiên tiến nhất trên thế giới.
Báo cáo cho rằng, cũng giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có trở thành công xưởng thế giới về công nghệ số hay không sẽ không phụ thuộc nhiều vào khả năng tạo ra những đột phá về công nghệ mà được quyết định bởi năng lực khai thác được nhiều nhất những công nghệ số được phát triển ở các quốc gia khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận