24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Học
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

WB: Kinh tế Việt Nam có một khởi đầu vững chắc

WB nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang sáng dần

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022, theo đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận tăng trưởng dương (so cùng kỳ năm trước) lần đầu tiên kể từ đợt bùng phát dịch COVID-19 bắt đầu từ cuối tháng 4/2021. Cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư mặc dù xuất khẩu giảm tốc, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và giải ngân có một khởi đầu vững chắc trong năm 2022.

Thương mại hàng hóa thặng dư 1,4 tỷ USD

Thông tin từ WB cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2022 chững lại, với tốc độ tăng trưởng giảm xuống 8,1% (so cùng kỳ năm trước) từ 25,1% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 12/2021, trong khi tăng trưởng nhập khẩu vẫn được duy trì vững chắc ở tốc độ 11,3% (so cùng kỳ năm trước), so với 13,3% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng trước đó.

Xuất khẩu giảm tốc do kim ngạch xuất khẩu điện thoại giảm mạnh (giảm 26,1% so cùng kỳ năm trước) trong khi tăng trưởng ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như máy tính, điện tử và máy móc, cũng chậm lại đáng kể.

Mặt khác, xuất khẩu ngành dệt may vẫn tăng trưởng vững chắc, tăng tốc từ 27,7% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 12/2021 lên 34,4% (so cùng kỳ năm trước), chủ yếu nhờ nhu cầu cao từ thị trường Hoa Kỳ.

Theo đối tác thương mại, xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ 19,4% (so cùng kỳ năm trước) trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 15,2% (so cùng kỳ năm trước), do giảm xuất khẩu điện thoại và máy tính sang thị trường này.

FDI có khởi đầu mạnh mẽ năm 2022

Việt Nam thu hút 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1, tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trên có được nhờ các dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong ngành điện tử và nhờ hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) sôi động. Giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tháng 1/2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 400 triệu USD (tương đương 20% tổng vốn FDI đăng ký).

"Vốn đăng ký chủ yếu vẫn là vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (gần 60%), tiếp theo là bất động sản (22,5%). Sau khi giảm mạnh trong quý III/2021, giải ngân các dự án FDI đã được phê duyệt tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng 6,8% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 1/2022." - Báo cáo cho hay.

WB: Kinh tế Việt Nam có một khởi đầu vững chắc

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

"Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước, tương đương với tỷ lệ được ghi nhận cuối năm 2021. Giá tiêu dùng tăng, chủ yếu do tăng giá năng lượng, đẩy chi phí nhóm nhà ở và giao thông tăng lên", WB nhận định.

Giá lương thực, thực phẩm vẫn tương đối ổn định trong khi lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do nhà nước quản lý) tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước.

Tín dụng tăng trưởng nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu trước Tết Nguyên Đán

Điểm đáng chú ý là tín dụng đối với nền kinh tế tăng 16,3% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 1, so với 13,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 12/2021. Tốc độ tăng trưởng cao hơn là do nhu cầu tín dụng gia tăng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và các hộ gia đình đẩy mạnh chi tiêu trước Tết.

Do nhu cầu tín dụng cao hơn, lãi suất qua đêm thị trường liên ngân hàng bật tăng lên 2,42% vào thời điểm cuối tháng 1 so với 0,73% cuối tháng 12/2021.

WB: Kinh tế Việt Nam có một khởi đầu vững chắc

Ngân sách nhà nước ghi nhận bội thu đáng kể

Thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 13% dự toán, trong khi chi ngân sách chỉ đạt 6,4% dự toán, dẫn đến bội thu ngân sách khoảng 69,6 nghìn tỷ đồng (3,1 tỷ USD) trong tháng 1/2022. Đầu tư công giảm 14,0% so cùng kỳ năm trước, trong khi chi thường xuyên tăng mạnh hơn, tăng gần 25% so cùng kỳ năm trước.

Kho bạc Nhà nước dự kiến sẽ huy động 400 nghìn tỷ đồng (17,6 tỷ USD) trong năm 2022 trên thị trường trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ bằng nội tệ. Đến cuối tháng 1, Kho bạc Nhà nước đã phát hành 23,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu, đạt 5,8% kế hoạch. Thanh khoản dồi dào tiếp tục giữ chi phí huy động vốn ở mức thấp, với lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm trên thị trường sơ cấp ổn định ở mức 2,08% vào cuối tháng 1.

Đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới giai đoạn 2022 - 2023 được khởi động trong tháng 1/2022, tổng quy mô các biện pháp tài khóa trong phạm vi ngân sách tương đương khoảng 4,5% GDP đánh giá lại.

Về thu ngân sách, biện pháp gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất tiếp tục được sử dụng, phản ánh thành công đã đạt được kể từ đầu khủng hoảng của công cụ chính sách tài khóa này.

"Bên cạnh đó, thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống 8% ở hầu hết các lĩnh vực, tương đương giảm thu từ thuế VAT khoảng 0,6% GDP đánh giá lại.” – Báo cáo cho hay.

Tất cả các biện pháp về thu ngân sách sẽ được triển khai trong năm 2022. Các biện pháp về chi ngân sách (2,2% GDP đánh giá lại) chủ yếu bao gồm đầu tư công và hỗ trợ lãi suất. Đầu tư công (1,6% GDP đánh giá lại) bao gồm đẩy nhanh các dự án giao thông đã được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và các dự án mới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đảm bảo xã hội, việc làm, chuyển đổi số, du lịch và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phần lớn các hoạt động đầu tư mới trên sẽ được triển khai vào năm 2023, vì vậy có thể chưa tác động nhiều đến tăng trưởng trong năm 2022. Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động vẫn ở mức không đáng kể (khoảng 0,1% GDP đánh giá lại) và được thiết kế dưới hình thức ưu đãi nhỏ để người lao động quay lại và tiếp tục sinh sống tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, và các khu vực kinh tế trọng điểm: hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho dự kiến khoảng 4,0 triệu người lao động đủ điều kiện.

Theo đó, Việt Nam cần theo dõi các biện pháp y tế, như chương trình tiêm vắc-xin và “thông điệp 5K” cần được duy trì vì rủi ro bùng phát dịch với biến chủng COVID-19 mới ảnh hưởng đến kinh tế vẫn tồn tại, và Việt Nam đang mở cửa trở lại trường học cũng như có kế hoạch gỡ bỏ hạn chế nhập cảnh với khách quốc tế để vực dậy ngành du lịch.

Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế mới có thể được nâng cao bằng cách bổ sung thêm các biện pháp đảm bảo xã hội nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

"Ngoài ra, để đảm bảo Chương trình có tác động đến nền kinh tế như kỳ vọng, công tác triển khai cần được theo dõi chặt chẽ. Quan điểm thận trọng với khu vực tài chính nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng có khả năng đã tác động đến chất lượng danh mục của ngân hàng và có thể có tác động lan tỏa từ việc tăng lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ dự kiến sẽ thực hiện." - WB khuyến nghị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả