Vượt khó, BSR hướng tới mục tiêu vươn ra biển lớn
Kết thúc năm 2019, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã vinh dự đứng thứ 18 trong danh sách “100 công ty đại chúng lớn nhất” tại Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn. Đây là lần đầu tiên Forbes Việt Nam bình chọn danh sách này dựa trên bốn tiêu chí: doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và giá trị vốn hóa, theo phương pháp xếp hạng danh sách Global 2000 (2.000 công ty lớn nhất toàn cầu) của Forbes (Mỹ).
Năm 2019 là năm khó khăn của ngành công nghiệp lọc hóa dầu nói chung và BSR nói riêng, khoảng chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô bị thu hẹp rất nhiều so với dự báo. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm và tháng 6/2019, có những thời điểm giá xăng Mogas A92/A95 thấp hơn giá dầu thô.
Do đó, lợi nhuận của các nhà máy lọc hóa dầu trên thế giới bị ảnh hưởng rất nhiều và lợi nhuận của BSR trong tháng 1 và tháng 6/2019 bị âm; lợi nhuận tháng 2/2019 không đáng kể. Bên cạnh đó, từ tháng 4 đến tháng 8/2019, giá dầu thô luôn giảm và tháng 9, giá có xu hướng nhích lên nhưng lại quay đầu giảm trong tháng 10. Điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi yếu tố tồn kho có giá cao hơn giá thị trường.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên BSR, Công ty đã vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn ổn định ở công suất trung bình 107%. BSR đã về đích sản xuất trước 26 ngày so với kế hoạch được giao. Tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của BSR đều đạt và vượt so với kế hoạch. Cụ thể: sản lượng sản xuất khoảng 6,94 triệu tấn; tổng doanh thu đạt 102.985 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt 9.811 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 2.200 tỷ đồng. Đặc biệt, BSR đạt hơn 23,6 triệu giờ công an toàn - một kỷ lục hiếm có trong ngành lọc dầu thế giới.
Đặc biệt, ngày 29/11/2019, BSR đã xuất bán lô 6.000 tấn dầu nhiên liệu hàng hải (MFO) cho tàu GT EQUALITY của Công ty BB Energy (Singapore). Theo quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về việc cắt giảm khí thải chứa thành phần lưu huỳnh (SOx) của các loại tàu biển sử dụng nhiên liệu MFO hoạt động trên tuyến hàng hải thuộc hải phận quốc tế, hàm lượng lưu huỳnh trong dầu MFO sẽ áp dụng mức tiêu chuẩn mới là tối đa 0,5% khối lượng kể từ ngày 1/1/2020 (gọi tắt là IMO 2020) thay cho mức tiêu chuẩn tối đa 3,5% khối lượng hiện nay.
Theo BSR, sản phẩm dầu FO của BSR có hàm lượng lưu huỳnh thấp thấp hơn 0,5% rất phù hợp để sản xuất MFO 0,5%S. Sản phẩm dầu FO của BSR có sản lượng sản xuất khoảng 192.000 tấn/năm. Việc sản xuất, bán dầu MFO theo tiêu chuẩn IMO 2020 sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả của sản phẩm FO.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, BSR đã tiến hành đánh giá và công nhận 25 giải pháp là sáng kiến cấp Công ty. Trong đó, có 2 giải pháp đạt giải thưởng quốc tế về khoa học công nghệ (SIIF 2019) và đăng trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam, 8 giải pháp đạt giải trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi và 6 sáng kiến đề xuất cấp Tập đoàn.
Một trong những trọng tâm của BSR trong năm tới là Dự án Nâng cấp - Mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng đang triển khai tích cực. Đại hội đồng cổ đông BSR đã phê duyệt Thiết kế FEED và tổng dự toán xây dựng công trình Dự án Nâng cấp - Mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Về gói thầu EPC, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 công tác đấu thầu EPC, Ban Quản lý Dự án đã khẩn trương triển khai công tác đấu thầu giai đoạn 2. Hồ sơ mời thầu giai đoạn 2 đã phát hành đến 4 nhà thầu trong danh sách ngắn và dự kiến sẽ đóng thầu vào tháng 5/2020. Khó khăn nhất của Dự án là công tác thu xếp tài chính cũng đang được BSR tích cực tìm biện pháp tháo gỡ.
Kế hoạch năm 2020, PVN giao BSR gần 30 nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là bảo đảm vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tuyệt đối an toàn, ổn định, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung thực hiện an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, phấn đấu rút ngắn thời gian bảo dưỡng tổng thể lần 4 (TA4) để tăng hiệu suất hoạt động của Nhà máy, tạo ra hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, BSR sẽ tập trung đẩy mạnh việc triển khai Dự án Nâng cấp - Mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Năm 2020, BSR phấn đấu đạt sản lượng sản xuất hơn 5,56 triệu tấn; doanh thu: 80.315 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước: 7.396 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.289 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị Người lao động, tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên chúc mừng và đánh giá cao những thành quả BSR đã đạt được trong năm qua. Năm 2019 là năm tỉnh Quảng Ngãi đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Thu ngân sách tỉnh năm 2019 đạt 20.640 tỷ đồng thì có đến gần một nửa (9.811 tỷ đồng) là đóng góp của BSR. Phó Chủ tịch Võ Phiên cho biết, Tỉnh ủng hộ hết mình để các doanh nghiệp lớn trên địa bàn phát triển, trong đó có BSR, đặc biệt là các phần việc liên quan tới Dự án Nâng cấp - Mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Ghi nhận và biểu dương những thành tích của BSR năm qua, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn của ngành dầu khí, BSR đã cùng với toàn ngành đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu. Công ty đóng góp 13,8% doanh thu toàn Tập đoàn và cứ 10 đồng ngân sách của PVN nộp cho Nhà nước thì BSR đóng góp gần 1 đồng (thu nộp ngân sách PVN năm 2019 đạt hơn 108 nghìn tỷ đồng). Đặc biệt, sau khi rà soát tất cả các nhà máy trong toàn Tập đoàn thì Lọc dầu Dung Quất và Đạm Cà Mau là 2 nhà máy hoạt động tốt nhất, ổn định, an toàn và vượt công suất thiết kế lần lượt là 107% và 112%.
Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng đã triển khai hơn 20 năm, BSR bước sang năm hoạt động thứ 11. Công ty đang có bước đi chiến lược để nâng cấp, mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên sản phẩm hóa dầu có giá trị kinh tế cao nhằm hướng tới mục tiêu vươn ra biển lớn, trở thành công ty tầm cỡ ở khu vực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận