Vướng mắc lớn nhất đàm phán thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2 là gì?
Trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua và được ước tính sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, theo Nikkei Asian Review ngày 17-12.
Giới quan sát dự đoán đây sẽ là một điểm vướng mắc lớn trong quá trình đàm phán "giai đoạn 2" của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Trợ cấp công nghiệp nội địa
Trong năm 2018, Bắc Kinh đã bỏ ra 22,4 tỉ USD để hỗ trợ cho các công ty niêm yết tại 2 sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, theo số liệu từ hãng nghiên cứu tài chính Wind. Các khoản trợ cấp đã tăng 15% trong suốt 9 tháng đầu năm 2019. Hơn 90% trong số 3.748 doanh nghiệp Trung Quốc được khảo sát đều nhận được một phần từ trợ cấp này.
Theo Nikkei Asian Reivew, Bắc Kinh xem những khoản hỗ trợ trên là sự bảo vệ thiết yếu với nền công nghiệp nội địa và công ăn việc làm của người dân. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được công bố hồi tuần rồi đã bỏ qua các vấn đề cốt lõi gai góc, bao gồm trợ cấp công nghiệp và ưu đãi dành cho doanh nghiệp quốc doanh, để gặt hái những thành quả trước mắt về thuế quan và mua bán hàng hóa.
Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) là cái tên đứng đầu trong danh sách các doanh nghiệp nhận trợ cấp trong 9 tháng đầu năm, với số tiền khoảng 450 triệu USD. Tập đoàn Ôtô Quảng Châu (GAC) đứng thứ nhì với khoảng 270 triệu USD.
Bốn trong số 10 cái tên đứng đầu danh sách trợ cấp đều thuộc ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, bao gồm hãng xe SAIC Motor. Rất nhiều khoản chi trong đó là những gói cứu trợ nhằm nâng đỡ các công ty gặp khó khăn.
Ngoài ra, các nhà sản xuất xe điện cũng nhận được nhiều trợ cấp vì đây vốn là sản phẩm được Bắc Kinh khuyến khích sản xuất.
Vi phạm quy định của WTO?
Vào năm 2015, Bắc Kinh công bố chiến lược "Made in China 2025" nhằm củng cố nền công nghiệp công nghệ cao nội địa. Theo giới quan sát, Trung Quốc đang dần mở rộng các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp, nhằm giúp họ cạnh tranh tốt hơn trên trường quốc tế.
Trợ cấp cùng các khoản vay lãi suất thấp là 2 công cụ chính Trung Quốc sử dụng để hỗ trợ các ngành công nghiệp nội địa. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cấm các loại trợ cấp doanh nghiệp được tạo ra để thúc đẩy xuất khẩu, cũng như yêu cầu các quốc gia báo cáo về những khoản trợ cấp khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc rất ít khi báo cáo về các hoạt động trợ cấp của mình, theo Nikkei Asian Review. Nhiều người tin rằng Bắc Kinh đã nhiều lần vi phạm quy định của WTO.
Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc từ bỏ những loại trợ cấp trên nhằm tạo ra sân chơi công bằng hơn, nhưng không đạt được sự đồng thuận từ Bắc Kinh. Theo chuyên gia Shinichi Seki đến từ Viện Nghiên cứu Nhật Bản, giới lãnh đạo Bắc Kinh giữ vững quyền lực của mình nhờ phân chia nguồn lực kinh tế và sẽ rất khó để thay đổi các vấn đề cốt lõi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận