menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Văn An

Vùng Vịnh tranh thủ mua dầu Nga giá rẻ

Thời cơ ngàn năm có một nên tranh thủ mua thôi!

Bất chấp Mỹ phản đối, vài quốc gia Vùng Vịnh mua dầu Nga giá rẻ để dùng nội địa và xuất khẩu sản phẩm của họ với giá quốc tế.

Khi Nga tìm kiếm người nhận mua các mặt hàng năng lượng của mình sau khi bị phương Tây cấm vận, họ phát hiện ra các đối tác thương mại không thể ngờ tới. Đó là các quốc gia giàu dầu mỏ ở Vùng Vịnh.

Các quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới như Arab Saudi, UAE lại háo hức mua nhiều dầu hơn. Tuy nhiên, nó cho thấy những hậu quả không ngờ tới từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, và là một ví dụ về ảnh hưởng suy yếu của Mỹ đối với Trung Đông.

Xuất khẩu dầu Nga sang UAE đã tăng hơn gấp 3 lần, lên mức kỷ lục 60 triệu thùng vào năm ngoái, theo nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa Kpler. Ngược lại, xuất khẩu dầu Nga sang Singapore - một trung tâm thương mại lớn khác - chỉ tăng 13%, lên 26 triệu thùng năm 2022.

Giá cả là nhân tố chính khiến Vùng Vịnh hào hứng mua dầu Nga. Do phương Tây áp giá trần và các biện pháp trừng phạt khác, dầu thô Urals của Nga thường được giao dịch ở mức chiết khấu hơn 30% so với dầu Brent trong những tháng gần đây.

Chênh lệch giá càng rõ với các sản phầm tinh chế như naphtha, dầu nhiên liệu và dầu diesel. Elshan Aliyev, Trưởng bộ phận sản phẩm vùng Vịnh Trung Đông tại Argus cho biết những sản phẩm này có rất nhiều tại đây nên lý do duy nhất mà hàng Nga được nhập vào là nhằm "tận dụng sự khác biệt về giá".

Theo chuyên gia này, naphtha và dầu diesel của Nga lần lượt bán thấp hơn 60 USD và 25 USD mỗi tấn so với sản phẩm tương đương được sản xuất ở Vùng Vịnh. Dữ liệu của Kpler cho thấy trong năm qua, Arab Saudi đã tăng cường xuất khẩu dầu diesel sang Pháp và Italy - hai nước trước đây chủ yếu nhập từ Nga.

Viktor Katona, nhà phân tích tại Kpler, cho biết Moskva đang thỏa mãn thị trường Arab Saudi, giúp nhiên liệu vận tải nội địa giảm giá trong khi giải phóng thêm lượng dầu diesel do nước này sản xuất đi nơi khác. Một số giao dịch dường như được thiết kế kín đáo, tránh sự giám sát của các ngân hàng và công ty bảo hiểm.

Tháng trước, công ty dầu mỏ quốc gia Aramco của Arab Saudi báo cáo lợi nhuận kỷ lục 161 tỷ USD cho năm 2022. Aramco thường mua dầu bán bởi Rosneft Oil (Nga). Tuy nhiên, các chuyến hàng được trung chuyển ở Địa Trung Hải, đôi khi sử dụng các trung gian của UAE và sau đó được lưu trữ ở nước này chứ không phải giao trực tiếp cho Arab Saudi.

Ví dụ, một con tàu chở dầu chân không thuộc sở hữu của Rosneft xuất phát từ Tuapse (Nga) vào ngày 11/9. Tàu bán 207.000 thùng cho công ty trung gian là Tejarinaft FZCO trụ sở tại UAE. Công ty này sau đó chuyển số hàng sang cho một tàu chở dầu do Aramco thuê ngoài khơi Kalamata (Hy Lạp) hôm 19/9. Aramco nhận hàng là lưu trữ tại một bể chứa thương mại ở Fujairah (UAE) vào ngày 8/11.

Song song với mua để dùng, các nước Vùng Vịnh đặc biệt là UAE cũng đã trở thành trung tâm lưu trữ và giao dịch quan trọng đối với các sản phẩm năng lượng của Nga. Một số thương nhân đang làm ăn phát đạt bằng cách dựa vào hạ tầng và hệ thống tài chính của nước này làm cơ sở kinh doanh dầu Nga.

Hãng cung cấp dữ liệu thị trường Argus Media cho biết cứ 10 thùng dầu được lưu trữ tại Fujairah - trung tâm lưu trữ dầu chính của UAE - có hơn một thùng là dầu Nga. Tỷ lệ này chỉ đứng sau dầu của Arab Saudi. Theo Kpler, Nga đang vận chuyển 100.000 thùng mỗi ngày đến Arab Saudi, so với hầu như không có gì trước chiến sự. Con số này tương đương với hơn 36 triệu thùng một năm.

Ông Aliyev cho biết phần lớn dầu Nga nhập vào UAE là để tái xuất sang Pakistan và Sri Lanka hoặc Đông Phi. Các công ty kinh doanh chủ yếu hoặc độc quyền các sản phẩm của Nga đã thiết lập cửa hàng tại các trung tâm thương mại của UAE mặc dù các chuyến hàng diễn ra ở nơi khác.

Theo các nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa Kpler và OPIS, Coral Energy và Petroruss đều được đăng ký tại Trung tâm Đa hàng hóa Dubai. Họ đã xử lý hàng chục chuyến hàng dầu từ Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và thậm chí cả châu Âu.

Năm ngoái, công ty tàu chở dầu lớn nhất của Nga - Sovcomflot, cũng đã chuyển hoạt động của mình đến Dubai thay vì St. Petersburg (Nga) và Cyprus - hai nơi đang thực thi lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.

Dòng dầu từ Nga sang Arab Saudi và UAE đã thu hút sự chú ý của các quan chức Mỹ. Họ cho rằng điều đó làm suy yếu các nỗ lực của phương Tây nhằm siết chặt các nguồn thu nhập của Điện Kremlin.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Brian Nelson đã đi thăm Trung Đông vào tháng 2 để cố gắng thuyết phục Arab Saudi, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ thực thi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Bất chấp nỗ lực này, một quan chức UAE nói họ sẽ tiếp tục giao dịch cởi mở và trung thực với các đối tác quốc tế. Giới phân tích cho biết chưa có dấu hiệu nào cho thấy Vùng Vịnh dừng mua dầu Nga.

Theo WSJ, Arab Saudi đang ngày càng theo đuổi chính sách năng lượng theo chủ nghĩa dân tộc ưu tiên hơn các mối quan tâm của Mỹ. Nước này và các đồng minh hồi đầu tháng tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu nhằm tăng giá sản phẩm, đi ngược lại sự phản đối của Mỹ rằng giá cao hơn sẽ có lợi cho Nga.

UAE giữ lập trường trung lập về xung đột Ukraine dù có quan hệ đối tác an ninh lâu dài với Mỹ. Từ khi khủng hoảng nổ ra, Dubai và các tiểu vương quốc khác UAE trở thành một trung tâm quốc tế được nhiều công ty và tài phiệt Nga tìm đến để làm ăn, tránh các lệnh trừng phạt,

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

87.01

-0.28 (-0.33%)

Biểu đồ mã Brent
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại