Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cần nhiều cơ chế để phát triển bền vững
Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã hoạt động khá hiệu quả khi thành lập 5 Tổ công tác chuyên đề (với sự tham gia của các sở - ngành liên quan của các tỉnh trong vùng) thực hiện nhiệm vụ điều phối các dự án, chương trình, lĩnh vực trọng tâm để phát triển kinh tế cho cả vùng, tuy nhiên, vẫn còn cần rất nhiều cơ chế...
Theo đó, trong thời gian qua (từ năm 2016 đến nay), tổ điều phối chuyên đề kết nối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã rà soát các dự án đã, đang được phối hợp triển khai giữa các địa phương trong vùng gồm đường vành đai 3, vành đai 4 (TP.HCM), cao tốc TP. HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), quốc lộ 22, đường Trần Đại Nghĩa, quốc lộ 1A, trục động lực (đường song song Quốc lộ 50), đường Lê Văn Lương, cầu Cát Lái... Ngoài ra, các địa phương có chung địa giới hành chính cũng thường xuyên, chủ động phối hợp với nhau nhằm đảm bảo việc kết nối giao thông được thông suốt, đồng bộ quy mô, tiến độ đầu tư (đính kèm báo cáo các dự án giao thông kết nối vùng). Trong giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đảm bảo các tuyến giao thông huyết mạch (quốc lộ 13, 14...) lưu thông thuận lợi, kết nối giao thông liên vùng, tạo cầu nối, động lực phát triển kinh tế giữa các tỉnh trong vùng với khu vực Tây Nguyên và đến các nước Campuchia, Lào, Thái Lan.
Tổ Điều phối chuyên đề kết nối sản xuất tiêu thụ đã phối hợp các địa phương tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa hàng năm. Đến nay, quy mô, hiệu quả của các hội nghị này ngày càng mở rộng, hàng hóa ngày càng phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều. Đã có 169 doanh nghiệp của các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và Long An) tham gia, giới thiệu các sản phẩm như trái cây, thịt heo, thịt gà, trứng gà, bánh kẹo, gốm sứ, hạt điều, nấm linh chi, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp (mây tre, đan lát...), trà, thủy hải sản khô, thủy hải sản tươi... Cùng với đó, các doanh nghiệp TP.HCM cũng đã đầu tư, mở rộng hệ thống phân phối gồm 23 siêu thị, 4 trung tâm thương mại của các chuỗi bán lẻ Co.opmart, Lotte, BigC, MM (Metro), AEON Mall... Đồng thời, các doanh nghiệp của thành phố cũng phối hợp các địa phương thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, trao đổi thông tin về cung - cầu hàng hóa, giá cả thị trường, tình hình sản xuất, nuôi trồng, nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu... được duy trì thường xuyên, làm cơ sở để dự báo tình hình thị trường, tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, xử lý kịp thời tình hình biến động thị trường, góp phần tạo sự ổn định chung về mặt bằng giá cả hàng hóa.
Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đã tổ chức 3 tổ điều phối khác chuyên đề thực hiện quy hoạch vùng, chuyên đề bảo vệ tài nguyên, môi trường và thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung các ngành kinh tế, lĩnh vực xã hội giữa các tỉnh thuộc vùng...
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, thành phố có định hướng về quy hoạch không gian đô thị theo hướng "đa trung tâm" với hệ thống giao thông kết nối theo đường vành đai 1, 2, 3, 4 gắn TP.HCM với cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng đến nay chưa hình thành trọn vẹn được 1 đường vành đai nào. “Giao thông như hiện tại thì đừng bao giờ nói chuyện liên kết vùng”, ông Lịch nhấn mạnh.
Mới đây, đầu tháng 5/2021, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau 5 năm thực hiện (2016-2020), ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho rằng, bên cạnh những công tác điều phối đã làm được, hiện còn tồn tại một số hạn chế như chưa xác định được cơ chế, giải pháp phù hợp chung giữa các tỉnh, thành trong vùng để phối hợp giải quyết những lĩnh vực chủ yếu trong liên kết vùng đối với công tác quản lý. Hiện cũng chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương với các địa phương trong vùng thật sự hiệu quả trong điều hành cơ chế, chính sách cho vùng. “Vì vậy, việc phối hợp trong công tác điều hành, chỉ đạo còn chậm...”, ông Phong nói.
Ngoài việc kiến nghị các giải pháp để khắc phục những tồn tại trên, lãnh đạo Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi chủ trì xây dựng quy hoạch vùng cần lấy ý kiến tham gia của Hội đồng điều phối vùng và các bộ, ngành, địa phương liên quan. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải tham mưu Chính phủ dành nguồn lực tương xứng để triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, trước mắt đầu tư liên thông các tuyến đường vành đai 2, 3, 4 theo quy hoạch cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam hiện là điểm nghẽn cho sự phát triển của các địa phương trong vùng....
“Kiến nghị Chính phủ quan tâm, xem xét phân công 1 đồng chí Thường trực Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và giao Chủ tịch UBND TP.HCM làm phó Chủ tịch thường trực và các bộ, ngành làm Phó chủ tịch Hội đồng vùng để tham mưu, đề xuất Thủ tướng và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra giám sát việc thực hiện liên kết vùng, phát triển bền vững”, ông Phong đề xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận