Vua tôm Minh Phú vẫn chưa hết khó?
Kết quả kinh doanh chưa hồi phục, gặp khó vì bị cáo buộc từ Mỹ,... khiến tương lai của Minh Phú vẫn tỏ ra khá mờ mịt.
Trong quý 1/2019, “vua tôm” Minh Phú có kết quả kinh doanh kém khả quan khi doanh thu đạt 3.363 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ, song lợi nhuận công ty mẹ chỉ đạt 87 tỷ đồng, giảm 14,7%.
Minh Phú giải thích nguyên nhân lợi nhuận giảm là do thời tiết xấu dẫn đến công ty phải thu mua nguyên liệu với giá cao.
Mới đây, Minh Phú còn bị cáo buộc liên quan đến việc tránh thuế chống bán phá giá tôm tại Mỹ.
Cụ thể, Minh Phú bị cáo buộc mua một lượng lớn tôm đông lạnh của Ấn Độ, chế biến ở mức "tối thiểu" tại Việt Nam và bán qua Mỹ thông qua Mseafood với tư cách là sản phẩm của Việt Nam. Trong trường hợp bị buộc tội, Minh Phú sẽ chịu thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với tôm Ấn Độ, thuế này đang ở mức thấp 1,35% theo kết quả của giai đoạn rà soát gần nhất nhưng có thể thay đổi trong mỗi kỳ xem xét tiếp theo.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, để tránh các cáo buộc bán phá giá, thời gian tới Minh Phú sẽ giảm nhập khẩu nguyên liệu tôm từ Ấn Độ, nơi có chi phí nuôi tôm thấp hơn chi phí ở Việt Nam từ 20-30%. Trên thực tế, nhập khẩu tôm thẻ Ấn Độ của Minh Phú trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm 82% so với cùng kỳ. Do đó, Minh Phú sẽ phải chịu giá nguyên liệu cao hơn.
Ban lãnh đạo Minh Phú cho biết, hiện chưa nhận được bất kỳ yêu cầu điều tra nào từ chính quyền Mỹ. Tại ĐHCĐ, Công ty tự tin rằng sẽ không bị buộc tội trốn thuế song từ chối cho biết khi được hỏi về mức độ chế biến sâu đối với tôm Ấn Độ và bao nhiêu tôm có nguồn gốc từ Ấn Độ được xuất khẩu sang Mỹ.
Trong khi thị trường Mỹ gặp nhiều trở ngại, Minh Phú lại bỏ lỡ cơ hội tiến vào thị trường châu Âu. Dù Việt Nam đã ký hiệp định tự do thương mại châu Âu (EVFTA), song tỷ trọng xuất khẩu của Minh Phú vào thị trường này rất thấp.
Tới cuối năm 2018, 28 nước thuộc EU chỉ chiếm khoảng 7,2% tổng giá trị xuất khẩu của Minh Phú. Công ty muốn mở rộng thị phần tại EU từ 12% hiện tại lên 15-20%. Kế hoạch này đòi hỏi đầu tư vào dây chuyền xử lý mới, trung bình mất 18 tháng xây dựng.
Trên thị trường chứng khoán, "Vua tôm" Minh Phú cũng nhận về mức giảm giá trị cổ phiếu MPC trong 6 tháng đầu năm (-4,8%), trong đó riêng trong quý 2 cổ phiếu này giảm tới 24,4%.
Giai đoạn rơi mạnh nhất của MPC bắt đầu từ 23/5. Giai đoạn này, Minh Phú dính vào cáo buộc nhập khẩu tôm Ấn Độ và chế biến mức tối thiểu để xuất khẩu, né thuế bán phá giá tại Mỹ. Phản ứng có phần chậm chạp của MPC trong việc thông tin tới nhà đầu tư khiến giá cổ phiếu này sụt giảm thê thảm trong tháng 6.
Hiện tại, MPC đang giao dịch ở mức P/E trailing khoảng 6,7x, thấp hơn 42% so với mức P/E 11,6 của doanh nghiệp trong 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do triển vọng ngành tôm chưa có dấu hiệu khả quan và cuộc điều tra liên quan đến phá giá tôm ở Mỹ của Minh Phú còn đang tiến hành, một số công ty chứng khoán vẫn nhận định “cần quan sát thêm” cổ phiếu MPC.
Cũng phải nói thêm rằng, trong điều kiện xuất khẩu qua thị trường Mỹ không thuận lợi, MPC vẫn sẽ có khả năng tập trung xuất khẩu thêm vào thị trường EU. Tuy nhiên, đánh giá từ CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), với tỷ trọng hiện tại của thị trường EU vẫn ở mức thấp, tác động tích cực có lẽ sẽ không quá lớn.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, MPC cũng đã tiến hành điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh so với chỉ tiêu đưa ra hồi đầu năm, kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm đề ra ở mức 1.430 tỷ đồng, tăng trưởng 60% (trước đó chỉ tiêu đưa ra là 2.300 tỷ).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận