Vụ hạt điều xuất khẩu sang Italia: Những kẻ lừa đảo có chứng từ gốc cũng không thể lấy hàng
Trao đổi với Dân Việt trưa nay (26/3), ông Nguyễn Đức Thanh-Tham tán Công sứ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia cho biết, 8 container hạt điều nữa của Việt Nam sẽ được tạm giữ tại Italia và những kẻ lừa đảo cho dù có bộ chứng từ gốc cũng sẽ không thể lấy hàng được.
Ông Nguyễn Đức Thanh-Tham tán Công sứ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia cho biết, đoàn công tác gồm các cán bộ của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đã lái xe hơn 500km lên cảng phía Bắc - La Spezia để làm việc với các cơ quan nước bạn tại đây.
Phía chính quyền cảng của Italia thông báo, theo dữ liệu của họ, hôm nay và ngày mai sẽ có 6 container hạt điều của Việt Nam cập cảng và sang đầu tuần sau sẽ có 2 container nữa cập cảng.
Sau khi làm việc với đoàn Thương vụ Việt Nam tại Italia và công ty luật đại diện của các doanh nghiệp và Hiệp hội điều Việt nam, phía chính quyền cảng của Italia cam kết sẽ phối hợp với cảnh sát cảng tạm giữ các container này và không giao cho bất kỳ ai.
"Như vậy, sắp tới sẽ có 8 container hạt điều nữa của Việt Nam được tạm giữ và những kẻ lừa đảo cho dù có bộ chứng từ gốc cũng sẽ không thể lấy hàng được"-ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, người mua hàng đã lộ diện là kẻ lừa đảo, chiếm đoạt bộ chứng từ gốc bằng cách bất hợp pháp nào đó mà chưa trả tiền cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hãng tàu Cosco đã nhận được một bộ chứng từ gốc của một container từ người mua đến lấy hàng. Khi người này tới nhận hàng, các cơ quan chức năng đã giữ lại hàng, không giao. Còn bộ chứng từ sau đó được đem đi kiểm tra và xác nhận là thật.
Đây chính là chứng cứ đầu tiên và quan trọng để các cơ quan tố tụng của Việt Nam và Italia khởi động nhanh quy trình điều tra vụ việc lừa đảo giá trị lớn của nhóm người nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, các container được cơ quan cảnh sát Italia ra lệnh phong tỏa, không cho bất kỳ ai ra cảng lấy hàng, để doanh nghiệp Việt củng cố chứng cứ nắm lại quyền sở hữu chúng. Để nhanh chóng có lại quyền kiểm soát lô hàng, doanh nghiệp cần nhờ luật sư tìm phương án pháp lý hợp lý nhất và đưa các bằng chứng liên quan.
"Đến nay, chỉ còn khoảng 30 container hạt điều bị mất kiểm soát với bộ chứng từ, trị giá mỗi container khoảng 200.000 USD, tổng cộng khoảng 6 triệu USD, tương đương khoảng 130 tỷ đồng. Như vậy chúng ta đã giảm nguy cơ thiệt hại lớn từ gần nghìn tỷ đồng xuống còn 130 tỷ đồng", ông Nguyễn Đức Thanh cho biết.
Tuy nhiên, ông Thanh cho biết, vẫn còn nhiều rủi ro liên quan lô hàng 30 container này là phải đòi được chứng từ gốc hoặc phải có phán quyết của các cơ quan Tòa án Italy thì mới có thể trả lại sở hữu cho người xuất khẩu Việt Nam và để bán cho người mua khác. Từ đó, giảm rủi ro từ việc chậm trễ, hạt điều không thể để quá lâu ở cảng tốn phí lưu kho bãi và hàng hóa hư hỏng.
Hiện nay, Chính phủ, các Bộ ngành như Bộ Công Thương, Ngoại giao, NN&PTNN, Công an... cũng đang tích cực triển khai các biện pháp tiếp theo để xử lý vụ việc này. Hiệp hội Hạt điều, các doanh nghiệp liên quan và các luật sư đang tích cực hoàn thiện hồ sơ vụ việc đưa ra tòa án ở Italia để xử lý.
Thương vụ Việt Nam tại Italia đã và đang làm việc với cảng vụ, ngân hàng và các cơ quan liên quan đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tạm thời chưa tiến hành thủ tục giao hàng cho người mua để chờ xác minh.
Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 24/3 về việc xuất khẩu hạt điều sang Italia, Bộ Công Thương cho biết, đến nay cơ quan chức năng phía cảng vụ Italia tạm thời giữ 16 container hạt điều cập cảng để chờ giải quyết, chưa giao hàng cho người mua kể cả khi người mua xuất trình chứng từ gốc. Có 5 container đã được giữ tại Singapore.
Theo Bộ Công Thương, Vinacas kiến nghị Thủ tướng xem xét giao Bộ GTVT làm việc với các hãng tàu để đề nghị giữ lại lô hàng, chuyển lại cho doanh nghiệp Việt Nam đem về hoặc ký hợp đồng bán hàng cho doanh nghiệp khác ở châu Âu.
Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng của Italia điều tra làm rõ hành vi lừa đảo để tòa án ra phán quyết, làm cơ sở cho doanh nghiệp sớm lấy lại hàng.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu điều trong thời gian tới.
"Qua vụ việc này, bài học rút ra là các doanh nghiệp cần thận trọng trong các điều khoản của hợp đồng, nhất là điều khoản về thanh toán, cần xác minh doanh nghiệp để hiểu về đối tác của mình. Các doanh nghiệp nên liên hệ với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để được hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu trước khi ký hợp đồng. Nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra rồi, doanh nghiệp Việt Nam mới liên hệ với Thương vụ để đi xác minh. Trong khi, nhiều địa chỉ của doanh nghiệp Italia là địa chỉ giả mạo, khi đến thực tế địa chỉ đó không có văn phòng công ty nào như phía Việt Nam đưa ra", ông Thanh nói.
Trước đó, như đã phản ánh, lô hàng điều xuất khẩu của Việt Nam sang Italia đã bị mất hoàn toàn quyền kiểm soát khi toàn bộ chứng từ gốc biến mất. Cụ thể, 5 doanh nghiệp mất quyền kiểm soát với 36 container hàng tương đương với 36 bộ chứng từ gốc đi kèm. Giá trị số hàng bị mất là hơn 7 triệu USD, tương đương 162 tỷ đồng. Việc ngân hàng và doanh nghiệp mất chứng từ gốc sẽ khiến hàng chục container hàng có thể mất trắng nếu không có sự can thiệp, vào cuộc của nhà chức trách.
Theo tìm hiểu, trong phi vụ nghi siêu lừa đảo này, các doanh nghiệp xuất khẩu điều đã thực hiện phương thức thanh toán, giao dịch quốc tế D/P (Documents against Payment) tức là “nhờ thu” với 5 ngân hàng Việt Nam khác nhau. Trong đó, có 2 ngân hàng gốc quốc doanh thuộc nhóm Big 4; 2 ngân hàng TMCP thuộc top đầu và 1 ngân hàng TMCP đang trong quá trình tái cơ cấu. Tất cả các ngân hàng này đều sử dụng dịch vụ chuyển phát chứng từ của hãng chuyển phát danh tiếng toàn cầu DHL.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận